An ninh trật tự
'Tín dụng đen' núp bóng doanh nghiệp (Kỳ 2)
(Congannghean.vn)-Thông qua các công ty hỗ trợ tài chính, dịch vụ tài chính, nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay tiền với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp. Nhiều người do không tìm hiểu kỹ đã “sập” bẫy lừa, bởi đằng sau những lời quảng bá rầm rộ này là những chiếc bẫy lãi suất cao giăng sẵn.
Kỳ 2: Những kẽ hở của pháp luật
Hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT, song hiện nay, do các quy định của pháp luật trong quản lý Nhà nước lĩnh vực này vẫn còn những kẽ hở nhất định, gây khó khăn cho những người thực thi pháp luật.
Nhan nhản các công ty tài chính hoạt động trên địa bàn TP Vinh |
“Tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp
Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính đang có xu hướng phát triển và mở rộng ra nhiều địa bàn, hướng đến nhiều đối tượng. Dịch vụ này lan từ thành thị đến tận các vùng nông thôn, miền núi. Khách hàng hướng đến là mọi đối tượng có nhu cầu trong xã hội, kể cả học sinh, sinh viên, những người có thu nhập thấp, thậm chí cả người nghèo.
Ngoài việc lãi suất cao, loại hình kinh doanh này thủ tục nhanh gọn, giải quyết trong thời gian rất nhanh nên nhiều cá nhân, tổ chức thường tìm đến “tín dụng đen” vì dễ tiếp cận vốn mà không cần phải chứng minh tài sản. Việc cho vay “tín dụng đen” hiện nay đi liền với tài sản thế chấp là đất đai, nhà cửa, ruộng vườn. Do vậy, mặc dù tiềm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng phức tạp đến ANTT nhưng vẫn phát triển và thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 170 cơ sở cho vay nặng lãi “núp bóng” dưới các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung chủ yếu ở TP Vinh, Nam Đàn, Yên Thành, Đô Lương... Các cơ sở này đều dùng chung tên gọi là “tư vấn tài chính”, “hỗ trợ tài chính”, “kinh doanh tư vấn, hỗ trợ đầu tư, tài chính”, “cho vay tài chính”… hoạt động dưới loại hình là công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể. Thực chất của việc thành lập công ty, cửa hàng kinh doanh dịch vụ tài chính chỉ là để hợp pháp hóa việc cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”.
Ngoài ra, còn có hàng loạt cơ sở cầm đồ trên địa bàn hiện cũng đã chuyển sang loại hình kinh doanh này để “lách” những quy định của pháp luật về điều kiện ANTT, đồng thời để đối phó với sự quản lý của cơ quan chức năng. Đứng phía sau những doanh nghiệp tài chính này thường là những kẻ có tiền án, tiền sự với công việc chính là đi thu nợ, hay dằn mặt đối thủ cạnh tranh.
Còn nhiều kẽ hở trong công tác quản lý
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực tài chính rất thuận lợi và dễ dàng, vì không thuộc danh mục cấm hoặc hạn chế. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính hiện nay dựa trên cơ sở Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, chủ thể đăng ký kinh doanh có thể hoạt động trợ giúp trung gian tài chính trong các thỏa thuận và giải quyết giao dịch tài chính, tư vấn, môi giới thế chấp…
Những quy định này rất chung chung, không phân định rõ hoạt động nào được phép kinh doanh, hoạt động nào bị cấm. Do đó, trên thực tế, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tổ chức nhiều hoạt động như mua bán; ký gửi tài sản có giá trị; hỗ trợ, cho vay tiền dưới hình thức tín dụng không phải thế chấp tài sản; thủ tục vay đơn giản, không ràng buộc gì. Chỉ cần ghi thông tin người vay hoặc một số giấy tờ như sổ hộ khẩu, CMND, giấy đăng ký xe…
Ngoài ra, theo quy định của Điều 463, Bộ luật Dân sự thì “Hợp đồng vay tài sản là thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”. Quy định là vậy nhưng Luật Dân sự cũng chưa nói rõ tài sản trong quy định này phải trừ việc cho vay tiền, vì nếu cho vay tiền và có xác định lãi suất thì đây lại thuộc hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng. Như vậy, trong vấn đề này, đến nay chưa có sự thống nhất trong hệ thống luật. Dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước rất khó xử lý.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tài chính này cũng không phải ngành nghề nằm trong danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay hoạt động kinh doanh “dịch vụ tư vấn tài chính” không bị điều chỉnh bởi các quy định điều kiện hoạt động đối với các ngành, nghề kinh doanh trong lĩnh vực tài chính cũng như các quy định điều kiện về ANTT nên trong quá trình hoạt động, đã né tránh được sự quản lý từ các cơ quan Nhà nước.
Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã bỏ tội kinh doanh trái phép tại Điều 159, Bộ luật Hình sự năm 1999. Đồng nghĩa với việc không xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép mà chỉ xử lý hành chính. Với chế tài này, không ít đối tượng lợi dụng để mở các cơ sở, doanh nghiệp “tư vấn, hỗ trợ tài chính” mà không cần cấp phép.
Hiện nay, thủ tục thành lập công ty này rất đơn giản, với mức phí 2 triệu đồng. Do không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện nên một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT theo Nghị định 96, đã chuyển hướng sang hình thức kinh doanh này để tránh những yêu cầu về giấy phép. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh này để biến tướng các hoạt động cầm cố, thế chấp, gây phức tạp về ANTT. Đây được cho là mấu chốt phát sinh những loại tội phạm như siết nợ, đòi nợ thuê, đánh nhau, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng…
Trong thời gian tới, nhận định nhu cầu tiêu dùng, vay tiền mặt sẽ tăng trong điều kiện các ngân hàng ngày càng siết chặt về đối tượng, điều kiện vay vốn. Do vậy, các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi sẽ được tiến hành với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý vi phạm. Do đó, cần sớm đưa loại hình kinh doanh dịch vụ “hỗ trợ tài chính” vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT để quản lý.
Thiên Thảo