An ninh trật tự
'Tín dụng đen' núp bóng doanh nghiệp (Kỳ 1)
(Congannghean.vn)-Thông qua các công ty hỗ trợ tài chính, dịch vụ tài chính, nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay tiền với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp. Nhiều người do không tìm hiểu kỹ đã “sập” bẫy lừa, bởi đằng sau những lời quảng bá rầm rộ này là những chiếc bẫy lãi suất cao giăng sẵn.
Tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền dán nhan nhản khắp đầu làng, cuối phố |
Kỳ 1: Hãi hùng muôn kiểu “doanh nghiệp” siết nợ
Siết nợ theo kiểu “xã hội đen”
Khoảng 9 giờ ngày 15/10/2018, chị Lê Thị K.L. (SN 1975) trú tại phường Bến Thủy, TP Vinh đang đi bộ gần nhà thì bất ngờ bị Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ tổng hợp Đình Quý cùng nhân viên của công ty này là Trần Đăng Tuân, lao đến chặn đường rồi lôi lên chiếc taxi chờ sẵn. Vụ việc diễn ra quá nhanh khiến chị không kịp kêu cứu. Theo lời kể của nạn nhân, chị này sau đó bị đưa về trụ sở công ty trên đường Nguyễn Huy Oánh, phường Trường Thi, TP Vinh. Tại đây, chị K.L. bị uy hiếp, đánh đập và bị ép viết 2 hợp đồng vay nợ với số tổng số tiền 605 triệu đồng.
Sau hơn 5 giờ đồng hồ giữ người trái pháp luật, sau khi tự tìm cách giải thoát không thành, chị K.L. cuối cùng cũng được người dân phát hiện, trình báo cơ quan Công an. Ngay sau đó, Công an TP Vinh đã nhanh chóng có mặt tại trụ sở công ty này để giải cứu, đưa chị K.L. đến bệnh viện, đồng thời tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Quý cùng 3 nhân viên và nhiều tang vật liên quan.
Được biết, Nguyễn Văn Quý (SN 1993) trú tại khối 7, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thành lập Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ tổng hợp Đình Quý do mình làm Giám đốc, chủ yếu hoạt động bằng cách cho các cá nhân vay tiền với lãi suất cao. Nhân viên của Quý hàng ngày chỉ đi thu tiền gốc và tiền lãi của những con nợ. Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Quý khai nhận, do chị K.L. nợ của nhóm anh ta hơn 600 triệu đồng để đánh bạc nhưng sau đó không chịu thanh toán nên chúng kéo đến nhà bắt chị K.L. về công ty để đánh đập, đe doạ ép viết hợp đồng vay nợ để hợp thức hoá số tiền trên.
Trước đó không lâu, Công an TP Vinh cũng đã bắt giữ Nguyễn Thanh Hùng (SN 1970) trú tại phường Trung Đô cùng 4 đàn em về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân trong vụ việc là chị Đoàn Thị Đ. (SN 1983) trú tại phường Lê Mao, vay nặng lãi của Hùng 100 triệu đồng. Đến hạn không trả, Hùng kéo theo đàn em mang dao, kiếm đến bắt cóc chị này, đồng thời yêu cầu gia đình mang tiền đến chuộc.
Không chỉ ở thành phố, nhiều địa phương nông thôn cũng xảy ra các vụ đòi nợ tương tự. Cuối năm 2017, tại huyện Nghi Lộc, do con nợ không chịu trả tiền, Nguyễn Thị Huyền (SN 1983) trú tại xã Nghi Phương đã thuê nhóm thanh niên không có nghề nghiệp ổn định, ăn chơi lêu lổng, đến nhà bà Hoàng Thị Hạnh (SN 1959) ở xóm 10, xã Nghi Mỹ để đòi số tiền nợ 26 triệu đồng. Trong quá trình đòi nợ, giữa 2 bên xảy ra xô xát khiến chồng và con trai bà Hạnh bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu.
Hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi hiện nay với những hình thức đòi nợ như bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản rất ít các băng nhóm đòi nợ dùng đến vì rất dễ vướng lao lý. Hình thức chủ yếu hiện nay là uy hiếp tinh thần, làm cho con nợ mất hết danh dự, uy tín. Những người đi đòi nợ thường là những kẻ có tiền án, tiền sự, chuyên đứng sau các cơ sở, doanh nghiệp cho vay nặng lãi. Để đòi được tiền, nhóm người này ngoài việc kiên nhẫn bám theo con nợ, thậm chí mang cơm đến ăn ngủ trước cửa nhà, chúng còn sử dụng nhiều biện pháp rêu rao, nói xấu con nợ để gây áp lực. Có nơi thậm chí mang cả quan tài đến đặt trước nhà.
1 nạn nhân ở huyện Hưng Nguyên bên cạnh những tờ rơi khủng bố tinh thần về con trai mình bị những kẻ đòi nợ dán trước cửa nhà |
Tại TP Vinh, hơn 2 năm trước, Công an tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1974) trú tại phường Cửa Nam - là một trong những ông chủ chuyên cho vạy nặng lãi để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản. Nạn nhân của Tuấn là ông Võ Trí L. trú tại phường Hưng Phúc. Ông này vay của Tuấn một số tiền lớn nhưng 2 vợ chồng sau đó rời khỏi địa phương. Không tìm thấy bố, Tuấn ép con gái ông L. là chị Võ Thị Bích V. viết giấy gán nợ với số tiền 900 triệu đồng. Suốt 2 tháng liền, Tuấn cùng các đàn em kéo đến chung cư ở xã Nghi Phú, nơi chị V. đang ở để đòi nợ bằng cách photo giấy gán nợ dán ở tầng 1 chung cư, trong thang máy, hành lang và trước cửa phòng chị V. để gây sức ép buộc chị này trả lại tiền. Lo sợ cho tính mạng, chị V. sau đó buộc phải vay mượn 700 triệu đồng đưa cho đối tượng này.
Dễ như… vay nặng lãi!
Dạo quanh một vòng TP Vinh, không khó để phát hiện có khá nhiều công ty, cơ sở dịch vụ và hỗ trợ tài chính, cùng với đó là những tờ rơi, quảng cáo kèm theo số điện thoại được dán nhan nhản khắp các ngõ hẻm. Trong vai 1 người cần vay gấp khoản tiền 50 triệu đồng để giải quyết công việc cá nhân, phóng viên đã gọi vào số điện thoại 0942.673.xxx để trình bày lý do, người này sau khi hỏi công việc đang làm, hoàn cảnh gia đình và chỗ ở của “khách hàng”, khi thấy đủ điều kiện cho vay, đã hướng dẫn mang sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân đến một cơ sở dịch vụ tài chính trên đường Nguyễn Du, phường Bến Thủy, TP Vinh để làm thủ tục.
Khi chúng tôi đề cập đến lãi suất, người này cho biết: “Nếu vay 50 triệu đồng sẽ phải trả góp trong vòng 40 ngày. Mỗi ngày bên cho vay sẽ cử người đến thu của bên vay 1,5 triệu đồng”. Tính ra, vay 50 triệu đồng trong vòng 40 ngày sẽ mất 10 triệu đồng tiền lãi. Lãi suất cao hơn rất nhiều lần so với ngân hàng.
Tiếp tục liên hệ qua 1 số điện thoại khác thì được biết, thủ tục vay tương tự nhưng chỉ cho vay theo ngày, lãi suất cắt gốc. Cụ thể, nếu vay số tiền 20 triệu đồng thì người vay chỉ được cầm về 16 triệu đồng, tuy nhiên đến hạn vẫn sẽ phải trả 20 triệu đồng như đã ghi trong giấy nợ.
Ngoài việc dán quảng cáo khắp nơi, những doanh nghiệp này còn tận dụng các trang mạng xã hội để mời chào khách hàng. Trên facebook, không khó để bắt gặp những hình ảnh, status chào mời hấp dẫn của những doanh nghiệp cho vay. Nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở thậm chí còn dán biển với nội dung “lãi suất 0%” để thu hút khách hàng. Trên địa bàn TP Vinh hiện nay, hình thức cho vay này khá phong phú, tùy theo mối quan hệ và uy tín của từng khách hàng với các chủ cơ sở tài chính mà có thể vay được số tiền bao nhiêu, lãi suất cũng có thể thỏa thuận. Tuy nhiên, mức trung bình chung nằm trong khoảng từ 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu đồng mỗi ngày.
(còn nữa)
Thiên Thảo