An ninh trật tự

Đường dây làm bằng đại học, con dấu giả với quy mô lớn bị bóc gỡ như thế nào?

09:06, 12/05/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Nghệ An vừa hoàn tất hồ sơ thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hương (SN 1954) và Trần Đăng Khương (SN 1983) cùng trú tại khối Tân Hoà, phường Hà Huy Tập, TP Vinh. Đây là 2 mẹ con, cũng là 2 đối tượng chính trong đường dây làm bằng đại học, cao đẳng, con dấu giả với quy mô lớn và tinh vi nhất từ trước đến nay được khám phá.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Tiến Dần, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao thưởng cho Phòng An ninh điều tra
Đồng chí Đại tá Nguyễn Tiến Dần, Phó Giám đốc Công an tỉnh trao thưởng cho Phòng An ninh điều tra
“Cõng” 2 tiền án vẫn tiếp tục phạm tội
 
Qua công tác nghiệp vụ, đầu năm 2018,  Phòng ANĐT Công an tỉnh Nghệ An phát hiện đường dây chuyên làm các giấy tờ, bằng cấp giả với số lượng lớn để cung cấp ra thị trường cho những người có nhu cầu mua, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trước tình hình đó, để triệt xoá đường dây này, Phòng ANĐT đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh đề xuất xác lập Kế hoạch nghiệp vụ 03 để tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ. 
 
Sau quá trình xác minh, các thành viên trong Kế hoạch nghiệp vụ nắm được nguồn tin đối tượng Nguyễn Thị Hương (SN 1954) trú tại phường Hà Huy Tập chính là kẻ cầm đầu đường dây nói trên. Qua điều tra được biết, Hương đã có 2 tiền án cùng với tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức”. Theo đó, năm 2005, Hương bị cơ quan CSĐT Công an TP Vinh bắt, khởi tố về tội danh trên và bị Toà án nhân dân cùng cấp xét xử, tuyên phạt 15 tháng tù cho hưởng án treo. Tuy nhiên, vì hám lợi, “ngựa quen đường cũ”, thị tiếp tục phạm tội và bị cơ quan ANĐT Công an tỉnh bắt quả tang cũng với tội danh này vào tháng 4/2006. 
2 mẹ con Nguyễn Thị Hương và Trần Đăng Khương
2 mẹ con Nguyễn Thị Hương và Trần Đăng Khương
Sau đó, Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử và tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 48 tháng. Những tưởng với chính sách khoan hồng của pháp luật, là một người lính từng chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, một người thương binh, Nguyễn Thị Hương lấy đó làm bài học để sống cuộc đời vui vầy cùng con cháu. Nào ngờ, trong thời gian này, thị mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại hơn nữa để tiếp tục phạm tội. Để qua mặt lực lượng chức năng, Hương đã 
 
mượn nhà của con gái ruột tại xóm Thái Lộc, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc để cất giấu máy móc, phôi bằng cũng như làm nơi sản xuất bằng giả. Tuy nhiên, dù hành vi có tinh vi, xảo quyệt đến đâu, cuối cùng kẻ phạm tội cũng bị phát hiện và bắt giữ. 
 
Sa lưới
 
Ngày 27/4, sau thời gian theo dõi hoạt động của Nguyễn Thị Hương, lực lượng trong Kế hoạch nghiệp vụ 03 của Phòng ANĐT Công an tỉnh đã bắt quả tang đối tượng đang giao bằng cho Nguyễn Đức Tuấn (SN 1946) trú tại phường Hưng Bình, TP Vinh, tại đường Kim Đồng. Khám xét tại chỗ, thu giữ 1 bằng kỹ sư của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, 1 bằng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An, 1 bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề do Trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật Việt - Anh cấp, 1 chứng chỉ công tác Đoàn - Hội - Đội do Trường Đại học Vinh cấp và 12 bản photocopy chứng thực bản sao bằng cấp do các cơ quan trên địa bàn TP Vinh chứng thực.
 
2 tờ đơn xin thuê đất của 2 công ty trên địa bàn TP Vinh và một số giấy tờ liên quan khác nghi vấn đều được làm giả. 2 đối tượng được đưa về cơ quan ANĐT Công an tỉnh để làm rõ. Tại đây, ông Tuấn khai nhận mua bằng Cao đẳng nghề cho 1 người cháu đang làm việc tại tỉnh Đắk Lắk. Hương thì khai nhận số bằng cấp, giấy tờ vừa bị phát hiện, thu giữ chính là giấy tờ, tài liệu vừa được làm giả. 
Số tang vật thu giữ
Số tang vật thu giữ
Ngay trong chiều cùng ngày, lệnh khám xét tại 2 địa điểm gồm nơi ở của Nguyễn Thị Hương và nhà ở của con gái đối tượng đã được tiến hành. Tại nơi ở của Hương ở khối Tân Hoà, phường Hà Huy Tập, cơ quan ANĐT Công an tỉnh không phát hiện và thu giữ gì thêm. Chứng kiến buổi khám xét, thị Hương có vẻ rất bình tĩnh. Nhưng mặt thị dần biến sắc khi Tổ công tác tiếp tục đưa thị đến căn nhà của con gái tại xóm Thái Lộc, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Thị không thể ngờ rằng, địa điểm bí mật này lại có thể bị lực lượng Công an phát hiện. Bởi ngoài thị và người con trai tên Khương biết việc thị giấu máy móc, thiết bị để sản xuất giấy tờ, con dấu giả thì ngay cả con gái ruột của thị, chủ nhân của ngôi nhà cũng không ngờ tới. 
 
Qua khám xét tại đây, lực lượng Công an thu giữ 3 máy tính xách tay, 2 máy in màu, 1 máy photocopy, rất nhiều phôi bằng đại học, cao đẳng và các chứng chỉ của các trường, cơ quan, tổ chức trong cả nước cùng nhiều giấy tờ, dụng cụ khác phục vụ cho việc làm giả. Đặc biệt, trong số 283 con dấu của các trường, cơ quan, tổ chức bị làm giả được thu giữ trong quá trình khám xét thì có cả con dấu của cơ quan ANĐT và cơ quan CSĐT, 1 con dấu của TAND TP Vinh, con dấu của các sở, ban, ngành và một số trường cao đẳng, đại học trên cả nước.
 
Quá trình đấu tranh, khai thác, bước đầu Hương khai nhận: Đầu 2018, có nhiều người liên hệ mua bằng giả, lòng tham nổi lên, thị đã mua sắm máy tính, máy in, máy scan, dụng cụ in ấn để tiếp tục “hành nghề”. Lần này, tránh bị phát hiện, thị mang xuống nhà con gái để cất giấu dụng cụ và làm nơi in ấn. Bởi ngôi nhà này vắng người, do vợ chồng con gái làm việc tại Hà Nội và giao nhà cho thị trông coi. Sau khi mua sắm các thiết bị, để có con dấu giả đóng vào văn bằng, chứng chỉ, Hương đã đặt mua của 1 người đàn ông không quen biết 283 con dấu giả các loại. Sau khi có đầy đủ công cụ để phục vụ sản xuất bằng, chứng chỉ, giấy tờ giả, thị đã nhờ con trai là Trần Đăng Khương trực tiếp in ấn giúp.
 
Hương cũng khai nhận, trước lúc bị bắt, ngày 23/4, thị được 1 người đàn ông giới thiệu làm ở 1 trung tâm xúc tiến việc làm trên địa bàn gọi điện đặt mua 1 bằng kỹ sư chế tạo của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Sau đó, ngày 26/4, ông Tuấn gọi nhờ làm bằng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An. Sáng 27/4, 1 người phụ nữ khác cũng gọi điện đặt làm bằng đại học… Sau khi thoả thuận giá cả, bằng đại học giả thị bán với giá 800.000 đồng, bằng cao đẳng có giá 600.000 đồng, các loại giấy tờ khác có giá từ 300.000 đồng… Sau khi tập hợp thông tin của người cần làm bằng giả, Hương mang về giao cho Khương làm tại nhà của con gái ở xã Nghi Thái. Dựa vào thông tin do mẹ cung cấp, Khương dùng máy tính xách tay lên mạng tìm phôi bằng tương tự, sau đó đánh thông tin người cần mua bằng vào mẫu phôi và in ra.
 
Tất cả 4 tấm bằng cùng số giấy tờ lúc cơ quan ANĐT thu giữ trong người Hương, Khương chỉ làm trong 1 buổi sáng, bởi Khương rất giỏi về công nghệ thông tin. Tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông, ra trường cũng lập công ty riêng để kinh doanh, nhưng vì hám lợi và nghe theo lời mẹ, Khương đã rơi vào con đường phạm pháp. Khương cũng khai nhận: Sau khi làm xong số giấy tờ giả trên, Khương bàn giao cho mẹ và đi Hà Nội. Khi nghe tin mẹ bị bắt, biết không thể trốn thoát nên ngày 4/5, Khương đã quay về đầu thú. Ngày 7/5, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Trần Đăng Khương về tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức”. 
 
Sau khi thu giữ số bằng, chứng chỉ, giấy tờ, con dấu giả trong vụ án, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nghệ An đã trưng cầu giám định. Kết quả cho thấy, toàn bộ bằng, giấy tờ, tài liệu, con dấu thu giữ trong đường dây do Nguyễn Thị Hương cầm đầu đều là giả. Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 5/5, cơ quan ANĐT Công an tỉnh đã ra lệnh bắt và tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thị Hương về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức”. 
 
Với thành tích xuất sắc trên, chiều 8/5, đồng chí Đại tá Nguyễn Tiến Dần, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan ANĐT và đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã chúc mừng, trao thưởng cho Phòng ANĐT.
 
Hiện, cơ quan ANĐT Công an tỉnh đang hoàn tất hồ sơ thủ tục để chuyển sang cơ quan CSĐT Công an TP Vinh tiếp tục điều tra mở rộng vụ án theo thẩm quyền.

Hải Việt

Các tin khác