An ninh trật tự
Xét xử 2 đối tượng Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong
Bản án nghiêm khắc cho những kẻ coi thường pháp luật
10:33, 09/02/2018 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sáng 6/2, Tòa án nhân dân huyện Diễn Châu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 2 bị cáo Hoàng Đức Bình (SN 1983) trú tại xóm 6, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên về hành vi “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và Nguyễn Nam Phong (SN 1980) trú tại xóm 13, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Bản chất vụ việc
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Diễn Châu, vào ngày 14/2/2017, lợi dụng sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong cùng một số người xuất phát từ giáo xứ Song Ngọc đi vào Hà Tĩnh. Đoàn người mang băng rôn, khẩu hiệu và đi bằng nhiều phương tiện như ôtô, xe máy nhưng đa phần là đi bộ. Để đảm bảo ANTT, sau khi có thông tin một số người đăng “Thư ngỏ” trên mạng xã hội, Công an tỉnh Nghệ An đã có Kế hoạch số 60, điều động các lực lượng tham gia đảm bảo ANTT. Thực hiện Kế hoạch của Công an tỉnh, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh đã có Kế hoạch số 35, điều động lực lượng tham gia đảm bảo TTATGT trên tuyến Quốc lộ 1A.
Bị cáo Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong tại phiên tòa |
Đến địa phận Yên Lý thuộc xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Hoàng Đức Bình lên xe ôtô BKS 37A-277.24 do Nguyễn Nam Phong điều khiển và ngồi ở vị trí ghế phía trước, bên phải, cạnh lái xe. Đến 15 giờ cùng ngày, khi đi đến Km 471+750 Quốc lộ 1A, thuộc khối Nam, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Do đi thành hàng 3, hàng 4 làm cản trở giao thông và theo sự xúi giục của Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong đã cho xe dừng lại giữa Quốc lộ 1A gây ách tắc, ùn ứ giao thông nghiêm trọng. Trước hành vi nói trên, lực lượng CSGT Công an tỉnh cùng các lực lượng chức năng tiến hành phân luồng và yêu cầu đoàn người vào một bãi đất trống cạnh Quốc lộ 1A để lãnh đạo tỉnh Nghệ An giải thích, nhằm đảm bảo TTATGT Quốc lộ 1A.
Lúc này, Tổ công tác Công an tỉnh Nghệ An do ông Ngô Sỹ Chính, Trạm trưởng Trạm CSGT Diễn Châu đã ra tín hiệu và yêu cầu di chuyển để giải tỏa giao thông. Mọi tín hiệu được đưa ra một cách công khai, rõ ràng. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng CSGT đã chấp hành nghiêm các quy định pháp luật và quy định của ngành. Từ lễ tiết, tác phong, trang phục đến hành động đều đảm bảo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Sau nhiều lần giải thích, yêu cầu xe di chuyển, mở cửa để làm việc nhưng lái xe và những người trên xe không chấp hành. Để giải tỏa đoạn đường bị tắc nghẽn trên diện rộng do xe ôtô BKS 37A-277.24 gây ra, ông Ngô Sỹ Chính đã ra lệnh cho 1 cán bộ khác trong Tổ công tác lái xe chuyên dụng đến cẩu xe ôtô ra khỏi khu vực đưa về Trạm CSGT Diễn Châu.
Khi cẩu xe và người về Trạm, Tổ công tác yêu cầu Nguyễn Nam Phong, Hoàng Đức Bình và những người khác ngồi trong xe mở cửa thì Hoàng Đức Bình tiếp tục có thái độ chống đối. Chính vì lái xe và những người trên xe không xuống nên cán bộ CSGT đã không thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc Nguyễn Nam Phong nghe theo lời Hoàng Đức Bình dừng xe giữa đường, không mở cửa xe, không xuống xe theo hiệu lệnh của CSGT là một nguyên nhân làm tình hình giao thông trên Quốc lộ 1A bị ách tắc, ùn ứ kéo dài trên cả hai chiều từ 15 giờ đến 16 giờ ngày 14/2/2017. Lực lượng chức năng đã phải điều tiết, phân luồng từ xa mới hết ùn ứ. Đến khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày thì các phương tiện tham gia giao thông trên đoạn đường này mới lưu thông trở lại.
Về phần Hoàng Đức Bình, ngồi trên xe ôtô ở vị trí ghế phụ phía trước, cạnh lái xe, quan sát và biết rõ hiệu lệnh, yêu cầu của CSGT, nhưng Hoàng Đức Bình đã cố ý xúi giục, kích động, lôi kéo Nguyễn Nam Phong dùng thủ đoạn không di chuyển, không mở cửa xe, không xuống xe nhằm mục đích cản trở Tổ công tác, không cho Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi thực hiện sự xúi giục đó, Hoàng Đức Bình biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện, mong muốn cho Nguyễn Nam Phong nghe theo sự xúi giục đó, cùng đạt mục đích chung. Vì vậy, Nguyễn Nam Phong đã nghe theo lời Hoàng Đức Bình, không thực hiện các yêu cầu của cán bộ CSGT thi hành nhiệm vụ. Những lời nói của Hoàng Đức Bình vừa có tính xúi giục vừa có tính kích động, lôi kéo, với những chỉ dẫn, cách làm cụ thể, cường độ tác động cao, vừa củng cố tinh thần với Nguyễn Nam Phong cùng thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ.
Hành vi đó của Hoàng Đức Bình đủ cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” với vai trò xúi giục, kích động, lôi kéo người khác phạm tội, được quy định tại Khoản 2, Điều 257, Bộ luật Hình sự năm 1999, cần phải xử lý nghiêm minh để giáo dục, răn đe. Ngoài hành vi xúi giục, lôi kéo Nguyễn Nam Phong chống người thi hành công vụ, trong quá trình đi cùng đoàn người, Hoàng Đức Bình thường xuyên sử dụng điện thoại cá nhân quay, bình luận, phát trực tiếp trên mạng xã hội facebook qua facebook Hoàng Bình với những lời nói vu cáo, bôi nhọ lực lượng Công an làm nhiệm vụ ngày 14/2/2017, làm mất uy tín của lực lượng Công an Nghệ An, kích động, gây rối, chống lại lực lượng làm nhiệm vụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT.
Tính đến thời điểm 17 giờ ngày 13/3/2017, trong 12 video do Hoàng Đức Bình phát trực tiếp trên facebook Hoàng Bình có số lượt xem là trên 3 triệu lượt; tổng số lượt bình luận là gần 50.000. Tính đến thời điểm 17 giờ ngày 13/3, có 6 video có lời nói bôi nhọ, vu cáo lực lượng Công an của Hoàng Đức Bình có số lượt xem là trên 2,4 triệu lượt; trên 40.000 bình luận. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an.
Khi quay phát trực tiếp trên mạng facebook, Hoàng Bình mong muốn và nhiều lần kêu gọi mọi người theo dõi, chia sẻ những lời nói và hình ảnh sai sự thật của mình: “… Tôi sẽ cố gắng like từng đoạn để quý anh chị em dowload, tải về, lưu giữ lại”… Chính vì vậy, trong các lời bình luận của các facebook theo dõi video phát trực tiếp của Hoàng Bình có rất nhiều lời bình luận sai về bản chất vụ việc và lực lượng Công an làm nhiệm vụ ngày 14/2. Thậm chí có những lời bôi nhọ, hạ thấp uy tín của lực lượng Công an.
Cần xử lý nghiêm hành vi coi thường pháp luật
Có thể thấy, việc quay phát video và bình luận sai sự thật về sự việc ngày 14/2 của Hoàng Đức Bình là có chủ đích từ trước. Thể hiện trong ngày 13/2/2017, trên facebook cá nhân của Hoàng Đức Bình có 3 bài viết về ngày 14/2 kêu gọi, kích động mọi người đồng hành, đưa tin, theo dõi sự kiện. Với hình thức đăng trực tiếp, thông tin ngay từ hiện trường, cường độ tăng liên tục, kèm theo lời bình đã thể hiện rõ vai trò, ý đồ của Bình trong việc đăng tải, phát sóng các video. Trong các video này, Bình đã nhiều lần bình luận rằng bản thân Bình, cha xứ, lái xe, những người đi cùng đoàn bị Công an bắt giữ, đánh đập… Theo bị cáo thì những những lời bình luận của bị cáo đều phản ánh đúng sự thật. Trong khi đó, quá trình điều tra, có bản cung Bình khai thấy Công an đánh đập người dân đi khiếu kiện, có bản cung Bình khai có bắt giữ ai hay không Bình không biết.
Tuy nhiên, tại hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu nào xác định lực lượng Công an làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an đánh đập, trấn áp, đập phá xe cộ của người dân đi khiếu kiện vào ngày 14/2/2017 tại khu vực khối Nam, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Các video của Hoàng Đức Bình quay và phát trực tiếp lên facebook cũng không có cảnh CSGT đánh đập, bắt giữ ai. Những người làm chứng cũng đều khai họ không nhìn thấy Công an đánh đập hay bắt giữ ai. Tại các báo cáo của Công an huyện Diễn Châu và Công an huyện Quỳnh Lưu cũng như xác minh tại 2 cơ quan trên và tại UBND, Công an các xã Diễn Hồng, Diễn Châu và Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu và đều không có việc bắt giữ ai liên quan đến đoàn người đi khiếu kiện Formosa vào ngày 14/2/2017. Sau khi sự việc xảy ra cho đến thời điểm xác minh (tháng 6 và tháng 9 năm 2017) cũng không có tổ chức hay cá nhân nào tố cáo trình báo về việc bị đánh đập, bắt giữ.
Như vậy, những lời bình luận của Hoàng Đức Bình trong các video nói rằng, Công an Nghệ An đập phá xe, đánh đập, đàn áp, bắt giữ bị cáo, cha xứ, những người đi khiếu kiện là hoàn toàn bịa đặt. Bị cáo đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vu khống, xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lực lượng Công an Nghệ An. Những lời bình luận của Bình là có chủ đích, Bình đã đưa ra những thông tin thất thiệt nhằm định hướng cho người nghe hiểu sai bản chất vụ việc, nhìn nhận sai lệch về lực lượng Công an, nghiêm trọng hơn là hiểu sai chế độ. Hành vi của Bình đã phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
HĐXX nhận định, vụ án có tính chất rất nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân. Các bị cáo có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật. Chính vì vậy, cần phải nghiêm khắc lên án và cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Đối với Hoàng Đức Bình là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Bình là người chủ động xúi giục, lôi kéo, kích động Nguyễn Nam Phong cùng thực hiện hành vi phạm tội “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo có nhân thân xấu, năm 2015 bị Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú, TP Hồ Chí Minh xử phạt hành chính về hành vi “Tàng trữ, xuất bản ấn phẩm in không có nguồn gốc”. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, Hoàng Đức Bình không thể hiện thái độ ăn năn hối cải nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào nhân thân, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, trên cơ sở yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, HĐXX nhận định, cần xử phạt nghiêm đối với Hoàng Đức Bình về 2 tội. Còn Nguyễn Nam Phong có vai trò thứ yếu trong vụ án, Phong phạm tội phần nào do bị Hoàng Đức Bình xúi giục, lôi kéo, kích động, bị cáo có nhân thân tốt, được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
Trên cơ sở chứng cứ tài liệu, lời khai của người làm chứng cũng như phần tranh luận tại tòa, HĐXX tuyên phạt Hoàng Đức Bình 7 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 7 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, tổng cộng hình phạt là 14 năm tù. Nguyễn Nam Phong 2 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Bản án trên nhận sự đồng tình, ủng hộ cao của những người tham dự phiên tòa và đông đảo quần chúng nhân dân. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh với các đối tượng coi thường pháp luật, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.
Nhóm phóng viên