An ninh trật tự
Năm Tuất, kể chuyện đánh án…'cẩu tặc'
(Congannghean.vn)-Trong các đối tượng trộm cắp tài sản thì đối tượng trộm chó (người dân vẫn thường gọi nôm na là “cẩu tặc”) là tội phạm được đánh giá manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi. “Cẩu tặc” không chỉ gây bức xúc cho nhân dân, mà quá trình đấu tranh với vấn nạn trộm chó, cơ quan điều tra cũng gặp không ít khó khăn.
Chó không chỉ là vật nuôi thân thiết đối với mọi gia đình, mà còn là con vật giữ nhà, giữ của mỗi khi gia chủ đi vắng. Chính vì thế, phần lớn các gia đình đều nuôi ít nhất một con chó, coi như thú cưng. Trong những năm gần đây, trước lợi nhuận do chó nuôi mang lại, đã có không ít đối tượng là những kẻ lười lao động, có tiền án, tiền sự, thậm chí nghiện ma túy đã xem trộm chó như là một nghề để thu lợi bất chính, gây bức xúc cho dư luận và làm mất ANTT tại nhiều địa phương.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hàng trăm vụ trộm chó trên địa bàn cả nước, trong đó Nghệ An được xem là địa phương nhức nhối về vấn nạn “cẩu tặc”. Đã có những vụ việc đau lòng xảy ra, khi nhân dân phát hiện các đối tượng trộm chó đã gõ kẻng báo động, huy động cả làng bao vây, truy đuổi, đánh người thành thương, thậm chí đánh đến chết đối tượng, đốt xe máy và các phương tiện hành nghề.
Công an huyện Diễn Châu lấy lời khai đối tượng trộm chó |
Thiệt mạng vì trộm chó
Có thể điểm lại một số vụ việc người dân vì quá bức xúc mà “tự xử” đối với các đối tượng trộm chó, gây nên những hậu quả đau lòng như vụ việc Nguyễn Đình Phong trú tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, trong lúc trộm chó tại xã Hưng Đông, TP Vinh đã bị người dân đánh chết, đốt cả người lẫn xe; vụ việc 2 đối tượng Nguyễn Đình Dũng và Nguyễn Đình Hồng, đều trú tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, bị người dân 2 xã Nghi Trường và Nghi Thịnh đuổi đánh khi đang câu trộm chó. Kết cục đau lòng là cả 2 đối tượng đều mất mạng ngay sau đó do bị đánh đập đa chấn thương, còn chiếc xe máy thì bị đốt cháy rụi.
Vụ việc gây phẫn nộ hơn cả là vụ đối tượng Hoàng Công Hiệp trú tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc cùng 1 đối tượng khác có hành vi câu trộm chó tại xã Nghi Xuân, cùng huyện; bị ông Phạm Bá Cậy phát hiện, 2 đối tượng này liền quay lại dùng dao tấn công khiến ông Cậy bị thương ở đầu và tay. Ngay sau đó, hàng nghìn người dân xã Nghi Xuân đã kéo ra bao vây. Tên đi cùng chạy thoát, còn Hiệp bị đánh trọng thương, xe máy bị đốt cháy. Khi lực lượng Cảnh sát 113 có mặt, gọi xe cứu thương đến đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng người nhà ông Cậy ngăn cản khiến Hiệp chết ngay sau đó. Thậm chí, gia đình phải viết cam kết bồi thường cho nạn nhân mới đưa được thi thể Hiệp về nhà để lo hậu sự.
Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng Công an huyện Nghi Lộc cho biết, mặc dù các lực lượng chức năng đã tập trung phòng ngừa, đấu tranh mạnh với tội phạm trộm chó, qua đó bắt giữ, truy tố, xét xử nhiều vụ án liên quan; các ngành đã phối hợp với lực lượng Công an thực hiện nhiều giải pháp như kiểm điểm các đối tượng trước dân, lập hồ sơ giáo dục tại xã phường, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc…, nhưng vấn nạn này vẫn không giảm, thậm chí còn xảy ra với mức độ liều lĩnh, manh động hơn trước.
Theo Trung tá Nhân, chó là vật nuôi thả rông, việc tiêu thụ chó hiện nay cũng rất dễ dàng, các “đầu nậu” thu mua không cần bất cứ loại giấy tờ gì nên nhiều đối tượng đã vì lợi nhuận, bất chấp các quy định của pháp luật để thu lợi bất chính. Thủ đoạn của các đối tượng trộm chó rất manh động, thường thì chúng chỉ hoạt động vào đêm khuya, lúc rạng sáng nhưng khi có điều kiện, chúng sẵn sàng trộm chó cả ban ngày, cướp chó trên tay chủ đang dắt, thậm chí vào tận nhà dân để trộm chó.
Chó là vật nuôi thân thiết trong các gia đình |
Cả làng chung tay ngăn chặn “cẩu tặc”
Quy luật hoạt động của “cẩu tặc”, theo đúc kết của Công an huyện Nghi Lộc từ các vụ bắt giữ là ít nhất có 2 đối tượng đi cùng nhau, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đồ nghề, công cụ và phương tiện, thậm chí chuẩn bị cả hung khí, vũ khí để chống trả lực lượng chức năng và người dân khi bị phát hiện, truy đuổi. Cái khác so với những đối tượng phạm pháp khác ở “cẩu tặc” là sau khi gây án, thu được chiến lợi phẩm, chúng không vội tẩu tán tài sản mà mang đến tập kết tại một vị trí nào đó, sau đó tiếp tục hành nghề. Ít nhất mỗi lần “ăn hàng”, chúng phải câu được khoảng 3 - 5 con chó, sau đó mới tiêu thụ để thu lợi bất chính số tiền hàng triệu đồng mỗi tối.
Đã có hàng chục vụ trộm chó bị bắt giữ, xử lý hàng năm, nhưng tình hình này vẫn không “giảm nhiệt”, gây nhiều hệ lụy cho xã hội và bức xúc trong nhân dân. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc quy định của pháp luật đối với loại tội phạm này chưa đủ sức răn đe. “Cẩu tặc” nếu bị bắt, phải thu được tang vật, phải xác định được bị hại và tiến hành định giá tài sản thì mới đủ cơ sở xử lý, nếu số chó tại thời điểm bắt giữ đủ từ 2 triệu đồng trở lên mới khởi tố được vụ án; hoặc nếu tài sản thu được dưới 2 triệu đồng, thì đối tượng phải có tiền án, tiền sự về tội chiếm đoạt tài sản, nếu không chỉ có thể xử lý hành chính. Vì thế, việc xử lý nghiêm đối với loại đối tượng này gặp không ít khó khăn.
Để kiềm chế vấn nạn trộm chó, trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đến tận cơ sở, lực lượng Công an các cấp cần phát huy tốt vai trò nòng cốt, phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật, có phương thức phòng vệ phù hợp.
Đơn cử, từ sáng kiến của người dân tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc khi lập hơn 100 barie trong toàn xã để ngăn “cẩu tặc” trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện này đã học tập nên vấn nạn trộm chó cũng vì thế mà giảm hẳn. Khi phát hiện “cẩu tặc”, nhiều người dân, tổ liên gia tự quản đã tích cực hỗ trợ lực lượng Công an truy đuổi, dồn tội phạm vào nơi thuận lợi để khống chế, bắt giữ, bảo vệ an toàn cho bản thân, không gây tổn thương cho đối tượng. Tuyệt đối người dân không được “tự xử” như đánh chết, đánh đập gây thương tích, đốt phương tiện dẫn đến vi phạm pháp luật và gây mất ANTT tại địa phương.
Phương Thủy