An ninh trật tự

Kẻ đưa người ra nước ngoài trái phép phải 'bóc lịch' 2 năm

10:38, 03/12/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi đang học lớp 9, Lê Quang Trung (SN 1984) trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An phải nghỉ học để mưu sinh cùng gia đình. Tuy nhiên, nghề lao động tự do và không ổn định khiến cuộc sống của gia đình Trung không khá lên là mấy. Không lâu sau khi lập gia đình, thông qua môi giới lao động, Trung xuất cảnh sang làm ăn tại đảo Samoa thuộc Mỹ theo hình thức bất hợp pháp.

Bị cáo Lê Quang Trung tại tòa
Bị cáo Lê Quang Trung tại tòa

Quá trình tham gia lao động tại Samoa, Trung được 1 người quen “dẫn mối” và đề nghị tìm kiếm người sang làm việc bằng con đường không chính thức; cứ mỗi người được đưa sang làm việc, Trung sẽ được người kia trả thù lao theo thỏa thuận. Thấy vừa có thể tạo điều kiện cho người khác sang nước ngoài làm việc vừa kiếm thêm được thu nhập nên Trung đã đồng ý mà không hề biết đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, người đầu tiên Trung nghĩ đến để “dắt mối”, tổ chức đưa người sang là Trần Thị Lê, có quan hệ thông gia với gia đình mình. Khoảng đầu tháng 5/2016, Trung nhờ Lê tìm kiếm vài người Việt Nam để sang lao động tại đảo Samoa. Trung cũng cho biết, chi phí để đưa lao động Việt Nam sang đảo Samoa là 10.000 USD/người. Trung sẽ chủ động bố trí làm nông nghiệp hoặc nhà hàng, lương khởi điểm 700 - 800 USD/tháng, sau đó sẽ tăng lên 1.000 USD/tháng. Cứ mỗi phi vụ thành công, Trung và Lê sẽ đút túi 2.000 USD, việc ăn chia theo thỏa thuận riêng.

Sau khi có thỏa thuận cụ thể với Trung, Lê đã trực tiếp liên lạc với Nguyễn Thị Thủy để nhờ tìm người. Do nắm bắt được ý định đi xuất khẩu lao động của Trương Văn Tấn (SN 1993) trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành và Nguyễn Minh Đức (SN 1993) trú tại xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, nên sau khi liên lạc bằng điện thoại để đặt vấn đề thì Lê cùng Thủy đến nhà Tấn và Đức để tư vấn thêm các nội dung như Trung đã trao đổi và được Tấn, Đức đồng ý.

Nhận thấy “con mồi” đã cắn câu khá dễ dàng và tránh để “con mồi” thay đổi ý định, Lê và Thủy thúc giục 2 gia đình nhanh chóng đặt cọc với số tiền đã được thỏa thuận, thực hiện hồ sơ theo hướng dẫn và chuyển các thông tin hồ sơ của Tấn, Đức thông qua mạng xã hội Zalo cho Trung. Gia đình Tấn và Đức sau đó còn nộp thêm 23.000 USD và 1,5 triệu VNĐ/người để làm thủ tục xuất cảnh nhanh tại sân bay ngày 10/6/2016 cho Thủy và Lê.

Tại Samoa, Trung nhanh chóng xin việc cho Đức và Tấn tại một cơ sở trồng rau của ông chủ người Trung Quốc, mức lương 10 USD/ngày. Tuy nhiên, do lương thấp, điều kiện sống và làm việc không đúng như thỏa thuận trước đó nên Đức và Tấn đã gọi điện cho gia đình gửi tiền, tự mua vé máy bay trở về Việt Nam vào ngày 25/7/2016; đồng thời có đơn tố cáo hành vi của Trung, Lê và Thủy đến cơ quan điều tra và đề nghị xử lý theo đúng quy định.

Do Trung đang ở nước ngoài, chưa về nước nên cơ quan Công an đã triệu tập Trần Thị Lê và Nguyễn Thị Thủy để tiến hành điều tra riêng, đồng thời tách hành vi của Trung ra để xử lý riêng. Bản án của Thủy và Lê đã được TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tại phiên xét xử ngày 3/5/2017. Đối với Lê Quang Trung, theo kết quả điều tra, Trung được hưởng lợi 1.000 USD từ việc đưa người ra nước ngoài lao động và nhận thấy Trung đóng vai trò chủ mưu nên đã khởi tố tội danh Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Tại phiên tòa diễn ra vào sáng 28/11/2017, Trung đã khai báo thành khẩn hành vi của mình, đồng thời cho rằng: Bản thân không nhận thức được hành vi đưa người sang lao động là vi phạm pháp luật và do lòng tham nên đã “nhúng chàm”. Sau khi xem xét tổng thể vụ án, các hình thức tăng nặng, giảm nhẹ hành vi của bị can, HĐXX đã tuyên phạt Lê Quang Trung 2 năm tù giam về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

Thu Thủy

Các tin khác