Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201710/phia-sau-vu-viec-hon-1200-cay-chanh-leo-bi-chat-pha-763741/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201710/phia-sau-vu-viec-hon-1200-cay-chanh-leo-bi-chat-pha-763741/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Phía sau vụ việc hơn 1.200 cây chanh leo bị chặt phá - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 26/10/2017, 08:00 [GMT+7]

Phía sau vụ việc hơn 1.200 cây chanh leo bị chặt phá

(Congannghean.vn)-Sau gần 2 tháng tích cực vào cuộc điều tra, vụ việc hơn 1.200 cây chanh leo trong vùng dự án tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bị chặt hạ đã được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Tuy nhiên, đằng sau vụ việc, những vấn đề cốt lõi được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ việc, phía doanh nghiệp và chính quyền địa phương làm bài học về công tác quản lý và phối hợp trong sản xuất, kinh doanh.

Diện tích cây chanh leo vùng dự án tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong bị chặt hạ (tháng 8/2017)
Diện tích cây chanh leo vùng dự án tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong bị chặt hạ (tháng 8/2017)

Trung tá Vi Văn Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Hình sự - Kinh tế - Ma túy Công an huyện Quế Phong, người được giao trực tiếp xác minh vụ việc cho biết: Ngày 10/8, sau  khi tiếp nhận tin báo từ phía doanh nghiệp, đến ngày 12/8, Công an huyện đã phối hợp với Viện KSND và đại diện các đơn vị liên quan tiến hành khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra sự việc là khu vực vườn trồng chanh leo tại bản Pịch Niệng, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, gồm các lô 1, 2, 3 và lô thí nghiệm. Qua khám nghiệm đã phát hiện 1.223 cây chanh leo bị cắt ngang thân. Trước nội dung vụ việc, Công an huyện Quế Phong đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời xác lập Chuyên án mang bí số 108.PX, tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện để đấu tranh.

Qua quá trình điều tra, cơ quan Công an đã xác định được 2 đối tượng có biểu hiện nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội gồm Mong Văn Xanh (SN 1985) và Mong Văn Nghệ (SN 1994), đều trú tại bản Pịch Niệng, xã Tri Lễ. Căn cứ vào tài liệu điều tra và quá trình sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Mong Văn Nghệ về hành vi hủy hoại tài sản; tiếp đó, đối tượng Mong Văn Xanh đã đến cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Phong đầu thú về hành vi chặt phá cây chanh leo của Công ty CP Chanh leo Nafoods.

Quá trình điều tra và kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, ngoài việc chặt hạ số gốc chanh leo trên, các đối tượng còn trộm ống nhựa và vải bạt tại vườn cây của công ty.  Hiện, cơ quan Công an đang mở rộng điều tra 2 bị can về hành vi hủy hoại tài sản và trộm cắp tài sản.

Sau khi vụ án bước đầu được làm rõ, phóng viên đã có mặt tại địa bàn nơi xảy ra vụ việc, gặp gỡ với chủ dự án cũng như cơ quan chức năng để thu thập thông tin. Tại nhà tạm giữ Công an huyện, phóng viên gặp đối tượng Mong Văn Nghệ khi được sự đồng ý của cơ quan Công an cho tiếp xúc với các đối tượng chính gây ra vụ việc. Trên gương mặt của y đã toát ra sự ăn năn, hối hận về sự việc do mình gây ra. “Bây giờ nghĩ lại em rất ân hận. Giá như em đủ tỉnh táo khi sự việc mà em cũng như người dân bức xúc lâu nay được báo cáo lên cấp trên đề nghị giải quyết, để đoanh nghiệp khắc phục thì bây giờ em không như thế này”.

Theo Trung tá Vi Văn Quang, quá trình lấy lời khai, 2 đối tượng cho rằng, hành vi của họ xuất phát từ việc sản xuất của công ty có vườn cây trồng chanh leo gần nhà dân có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây mùi khó chịu. Vì vậy, cả hai rủ nhau dùng dao lên khu vực trồng để chặt phá.

Cũng theo Trung tá Quang, ngay khi Tổ công tác gồm 6 cán bộ Công an huyện có mặt tại địa bàn xã Tri Lễ để xác minh, đã nhận định thấy nổi lên một số nguyên nhân chính. Đó là, ngoài việc công ty có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác thì trước khi triển khai dự án tại đây, việc thu hồi đất cộng đồng của người dân bản Pịch Niệng chưa được thực hiện rõ ràng, minh bạch, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, mặc dù người dân và địa phương đã có đơn gửi đi các cấp nhưng chưa được giải quyết thấu đáo, triệt để.

Trả lời về những vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods, ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Sản xuất cho biết: Theo quy hoạch vùng nguyên liệu chanh leo, để có đất phục vụ dự án tại huyện Quế Phong theo quy hoạch đến năm 2020, với diện tích 1.500 ha, tại xã Tri Lễ, Công ty được giao 600 ha đất. Đến năm 2013, Công ty đã do đạc được 45 ha, số diện tích này đã có quyết định thu hồi. Tuy nhiên, thời điểm đó mới thu hồi được 18 ha ở các bản D1, bản Bò và Pịch Niệng. Theo quy định, liên quan đến trách nhiệm thu hồi đất thuộc về chính quyền sở tại, phía Công ty không có nhiệm vụ thông báo cho địa phương cũng như người dân mà chỉ là phối hợp thực hiện. Nghĩa là khi huyện có quyết định thu hồi đất thì Công ty triển khai, đồng thời Công ty cũng đã đền bù hoa màu và tài sản trên đất, bởi vì toàn bộ diện tích đất thu hồi là đất cộng đồng, đất chưa có bìa đỏ.

“Ngoài nội dung phản ánh này, chúng tôi còn nắm được phía người dân còn cho rằng, trong quá trình thực hiện trồng và bao tiêu sản phẩm, giá cả đưa ra không được người dân đồng tình, ủng hộ. Nhưng vấn đề này còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó chính là do ở thị trường, còn Công ty luôn chấp hành theo cam kết. Còn việc sử dụng hóa chất trong sản xuất, bất cứ loại cây trồng nào thì đều khó tránh. Tuy nhiên, đối với Công ty, những thông số liên quan sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã được Sở NN&PTNT đồng ý. Cái khó dẫn đến bức xúc cho người dân là chúng tôi nhận trách nhiệm vì chưa được thông báo kịp thời về thời gian phun, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh hoạt của người dân”, ông Minh cho biết thêm.

Rõ ràng, để xảy ra sự việc trên đây cũng rút ra bài học nhãn tiền cho các cấp chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp khi đầu tư vào địa bàn. Thu hút đầu tư vào địa phương, nhất là địa bàn miền núi, vùng cao là chủ trương lớn của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây. Tuy nhiên, bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải gắn lợi ích doanh nghiệp với quyền lợi của người dân. Do đó, việc giải quyết hài hòa những tồn tại trên đây cần được huyện Quế Phong và nhà đầu tư bàn bạc để sớm tháo gỡ, ổn định tình hình ANTT vùng biên, tạo động lực để phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

.

Xuân Thống

.