An ninh trật tự

Bắt 2 đối tượng trong đường dây giả mạo Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản

08:18, 06/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 5/9, Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Nghệ An cho biết, đơn vị đang tạm giữ hình sự 2 đối tượng Nguyễn Hữu Thu (SN 1991) và Phạm Đình Luận (SN 1993), cùng trú tại huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bọn chúng là mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mạo nhận cán bộ Công an và nhân viên viễn thông thông báo nợ cước điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản.

2 đối tượng trong vụ án
2 đối tượng trong vụ án

Trước đó, Phòng CSHS liên tiếp nhận được đơn trình báo của bị hại về việc bị các đối tượng gọi điện xưng là cán bộ viễn thông, thông báo thuê bao điện thoại cố định đang nợ tiền cước cuộc gọi đi Úc, Canada. Khi các bị hại thanh minh không thực hiện các cuộc gọi đi các nước trên, đối tượng thông báo sẽ kết nối với đường dây “nóng” của Bộ Công an để trình báo. Sau đó, một đối tượng vào vai Đại úy Công an thông báo bị hại liên quan đến đường dây ma túy và rửa tiền, rồi chỉ dẫn bị hại chuyển một khoản tiền lớn vào tài khoản của chúng để điều tra đã khiến các bị hại hoảng sợ thực hiện theo yêu cầu của chúng.

Cụ thể, khoảng 8 giờ 30 phút ngày 22/8, ông N.V.Đ. (SN 1947) trú tại TP Vinh nhận được cuộc gọi tới điện thoại cố định của gia đình. Qua điện thoại, một người xưng là nhân viên viễn thông, thông báo thuê bao điện thoại cố định ông đang sử dụng nợ 8.930.000 đồng tiền cước. Ông Đ. cho biết, gia đình ông thanh toán cước hàng tháng, không thể nợ số tiền lớn như thế được. Người kia đề nghị ông giữ máy để nói chuyện với điều tra viên Bộ Công an về vấn đề nợ cước điện thoại.

Sau đó, có 1 đối tượng tự xưng là Đại úy Công an công tác tại Bộ Công an, thông báo hiện lực lượng chức năng nắm được ông Đ. có tài khoản có số tiền hơn 8 tỉ đồng và sẽ phong tỏa tài khoản này. Mặc dù ông Đ. nói không có tài khoản nào nhưng “Đại úy” Công an đã dọa dẫm, nói rằng ông Đ. có liên quan đến đường dây ma túy và rửa tiền. Hoảng sợ, ông Đ. đã răm rắp nghe theo lời các đối tượng.

Theo chỉ dẫn, ông Đ. thuê taxi ra ngân hàng, rút hết 200 triệu đồng trong sổ tiết kiệm rồi đến Ngân hàng VPBank chi nhánh Cửa Đông gửi vào tài khoản mang tên Nguyễn Hữu Thu. Người này liên tục yêu cầu ông Đ. giữ bí mật tuyệt đối; trong thời gian chưa hoàn thành việc gửi tiền, không được nghe điện thoại của bất kỳ ai để “Công an có thể gọi làm việc bất kỳ lúc nào”; không được tiết lộ cho ai, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến công tác điều tra. Rất may cho ông Đ. là con trai ông đã kịp thời phát hiện và báo với cơ quan điều tra nên số tiền ông chuyển vào tài khoản Nguyễn Hữu Thu đã được phong tỏa kịp thời.

Tang vật bị thu giữ
Tang vật bị thu giữ

Chỉ tính từ ngày 15 - 25/8, Phòng CSHS Công an tỉnh đã tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của 9 người dân về việc bị đối tượng giả mạo là Công an hoặc thu cước viễn thông lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt lên tới gần 2 tỉ đồng. Nhận thấy các đối tượng có thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp, cần phải nhanh chóng đấu tranh triệt xóa, ngày 26/8, Phòng CSHS xác lập Chuyên án 917L và giao cho Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiến hành điều tra, làm rõ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau một thời gian ngắn, Đội đã xác định được các đối tượng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua internet (VoIP), hiển thị số điện thoại “ảo” có đầu số trùng với đầu số 113 của Công an. Với phương thức này, chúng khiến cơ quan chức năng không thể truy xuất số điện thoại gọi để phục vụ điều tra. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Đội đã dần tìm ra các manh mối.

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ tài liệu, ngày 1/9, Phòng CSHS Công an Nghệ An đã thực hiện lệnh bắt đối với Nguyễn Hữu Thu và Phạm Đình Luận khi các đối tượng đang thuê phòng nghỉ cùng nhau tại tỉnh Hưng Yên. Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng thừa nhận, được Phi (hiện đang ở Đài Loan) là anh họ của vợ Phạm Đình Luận thuê mở hoặc thu gom thẻ ngân hàng với giá 1 triệu đồng/thẻ. Sau đó, Phi thuê Luận và Thu rút số tiền lớn từ các tài khoản kể trên và chuyển cho 1 đối tượng thứ 3. Cứ mỗi lần rút tiền, Thu và Luận được hưởng 20% theo thỏa thuận từ trước. Số tiền mà Luận và Thu rút từ các tài khoản kể trên là tiền do các bị hại gửi vào. Tính ra, đến ngày bị bắt, 2 đối tượng đã bỏ túi gần 400 triệu đồng.

Từ tháng 7 đến ngày bị bắt, Thu và Luận vừa tự mở thẻ ngân hàng, vừa mua lại của người khác được 15 thẻ bán cho Phi. Đối với thẻ ghi nợ thì chỉ cần cung cấp thông tin cụ thể về chủ thẻ, riêng thẻ thanh toán quốc tế thì Luận và Thu phải gửi trực tiếp thẻ cho Phi kèm theo thông tin chủ thẻ. Trong vòng hơn 1 tháng, Thu và Luận đã rút từ các thẻ ngân hàng để chuyển cho Phi tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, số tiền này là do Phi và đồng bọn chiếm đoạt của các nạn nhân tại Nghệ An thông qua việc thông báo nợ cước viễn thông. Sau đó, các đối tượng giả danh Công an thông báo các bị hại nói trên dính líu vào một đường dây tội phạm và đe dọa buộc họ phải gửi tiền vào tài khoản do Luận và Thu cung cấp. Do bị đe dọa dẫn đến hoảng sợ, các bị hại đều răm rắp nghe theo, chỉ khi mất một số tiền lớn mới biết mình bị lừa.

Số tiền mà Thu và Luận sau khi rút hết ra khỏi các thẻ ATM kia sẽ được chuyển qua tài khoản khác. Tài khoản này sẽ chuyển tiếp qua tài khoản thứ 3 và sẽ được Phi cùng đồng bọn chiếm đoạt. Qua khám xét nơi ở của Thu và Luận, lực lượng chức năng đã thu nhiều điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng wifi, nhiều thẻ ngân hàng, hộ chiếu, sim điện thoại, máy tính xách tay cùng một số lượng lớn tiền mặt.

Vụ việc đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Phương Thủy

Các tin khác