An ninh trật tự
Bắt 2 đối tượng cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức 'bảo kê' máy gặt lúa
(Congannghean.vn)-Công an huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đang tạm giữ hình sự 2 đối tượng Lê Văn Lý (SN 1985) và Nguyễn Quang Cảnh (SN 1993), cùng trú tại xóm Hòa Phú, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Điều đáng nói, Lý và Cảnh đã lợi dụng nhu cầu thuê máy gặt lúa của bà con nông dân những ngày mùa để thực hiện hành vi “bảo kê”, đe dọa những người dân quanh năm chân lấm tay bùn để kiếm lợi bất chính.
2 đối tượng tại cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương |
Tại xã Hòa Sơn, không ai lạ lẫm gì với “tiếng tăm” của Lê Văn Lý và Nguyễn Quang Cảnh. Quá khứ bất hảo của Lý và Cảnh khiến người dân địa phương mỗi lần nhắc đến đều phải e dè. Sinh ra trong gia đình thuần nông, bố mẹ quanh năm làm ruộng, sống yên bình, chan hòa với làng xóm, tuy nhiên, chẳng đi theo truyền thống chăm chỉ, cần cù của gia đình, Lý liên tục có hành vi vi phạm pháp luật.
Năm 2005, Lý bị Công an huyện Đô Lương bắt giữ về hành vi chống người thi hành công vụ. Năm 2008, Lý bị Công an huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương bắt giữ về hành vi trộm cắp tài sản. 3 năm sau, y lại bị Công an TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắc Lắc bắt quả tang khi đang “chôm” tài sản.
Trở về quê hương sau thời gian dài tha hương vì phải chấp hành án phạt tù, chẳng chịu tu chí làm ăn, Lý tiếp tục phạm tội, bị Công an huyện Đô Lương bắt giữ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ngày 20/5/2017, Lê Văn Lý chấp hành xong án phạt tù. Tuy nhiên, đó chỉ là “dấu mốc” để bắt đầu cho hành vi vi phạm pháp luật của Lý và người bạn đồng môn Nguyễn Quang Cảnh tại quê hương. Trường hợp của Cảnh cũng như Lý, ở tuổi thanh niên khỏe mạnh nhưng y chẳng chịu tu chí làm ăn mà sớm sa vào nghiện ngập. Để phục vụ cho nhu cầu cá nhân, Cảnh và Lý bèn bày mưu tính kế kiếm tiền bất chính.
Vào đầu tháng 8/2017, nhận thấy bà con nông dân chuẩn bị vào mùa thu hoạch lúa, nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị cao, Lý và Cảnh bàn nhau “gom” các máy gặt trên địa bàn để “bảo kê”. Tuy nhiên, tinh vi ở chỗ, bọn chúng bàn nhau soạn thảo một bản hợp đồng dân sự để che đậy hành vi vi phạm của mình. Theo đó, 2 đối tượng đã có lời nói, hành vi đe dọa, ép các chủ máy gặt ký hợp đồng để kiếm lợi bất chính.
Lý và Cảnh biết rõ, trên địa bàn huyện Đô Lương nói riêng và tại các xã trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, giá 1 chiếc máy gặt cao (từ 200 - 300 triệu đồng) nên nhiều hộ dân không thể mua được. Tại nhiều xã của huyện Đô Lương cũng chưa có một máy gặt nào. Vì thế, từ nhiều năm trở lại đây, đa số người dân đều thuê một ê kíp máy gặt liên hợp để thu hoạch lúa. Mức giá trung bình là 160.000 đồng/sào. Lợi dụng hoàn cảnh đó, Lý và Cảnh bàn nhau, thống nhất dùng mọi hình thức đe dọa các chủ thầu, phải đưa 30.000 đồng/sào cho chúng (trong tổng mức 160.000 đồng/sào) để thu lợi bất chính.
Theo đó, đầu tháng 8/2017, Lý và Cảnh đã đưa được 7 máy gặt về trên địa bàn. Ngày 23/8, 2 đối tượng đi qua nhà bà Nguyễn Thị Lai ở xóm Hòa Minh, xã Hiến Sơn, phát hiện có 2 máy gặt để trong sân. Thấy vậy, bọn chúng liền hỏi chủ nhân của 2 chiếc máy gặt trên. Bà Lai thành thật trả lời, 1 chiếc của bà, 1 chiếc của con rể. 2 đối tượng yêu cầu thẳng thừng với bà Lai, nếu máy của bà thì để bà dùng, riêng máy của con rể thì để đó cho Lý và Cảnh làm. Tuy nhiên, bà Lai từ chối với lý do: “Máy của ai người đó làm”.
Khoảng 9 giờ ngày 24/8, nghe thông tin bà Lai có máy gặt giá thấp so với thị trường nên Lý điện thoại cho Cảnh nói: “Mi coi răng chứ có máy gặt mô phá giá của ta”. Sau đó, Lý và Cảnh vội vàng lên nhà bà Lai để xem cụ thể sự tình. Khi đến nhà bà Lai, bọn chúng thấy ngoài bà Lai còn có 2 anh Hoàng Văn Thứ và Trần Văn Minh cùng trú tại xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định (là chủ 2 máy gặt mà bà Lai đưa về để gặt tại xã Hiến Sơn). Sau khi lời qua tiếng lại, đe dọa bà Lai về việc giá gặt lúa thấp hơn so với giá của Lý và Cảnh, 2 đối tượng đã đến nói chuyện với anh Thứ và anh Minh. Bất ngờ, Lý tát vào mặt anh Thứ và đe dọa: “Các anh về đây đã thông qua ai chưa”. Sợ lớn chuyện, anh Thứ và anh Minh vội vàng xin lỗi. 30 phút sau, khi Lý và Cảnh đã rời nhà bà Lai, nghĩ về hành vi của 2 đối tượng xăm trổ đầy mình, anh Thứ vội gọi điện thoại cho Lý đề nghị gặp gỡ để nói chuyện thống nhất.
Tại lần gặp gỡ thứ hai, Lý và Cảnh thẳng thừng yêu cầu với anh Thứ: “Bây giờ muốn làm thì phải ký hợp đồng, chúng tôi sẽ “bảo kê”, đảm bảo về người và tài sản, còn nếu không ký thì sẽ không được làm, không được đưa máy ra khỏi cổng”. Khi anh Thứ thắc mắc về việc giá cả thu như thế nào, Lý cho biết: Sẽ đưa cho anh Thứ từ 130.000 - 140.000 đồng/sào, còn mức thu như thế nào là tùy vào Lý và Cảnh. Anh Thứ tiếp tục yêu cầu về biên bản thỏa thuận thì Lý chạy xuống xe, đưa lên một bản hợp đồng đã soạn sẵn. Lý tiếp tục đe dọa: “Thế bọn mày thế nào, không định ký phải không, không ai được làm hết”. Do lo sợ nên anh Thứ vội vàng ký vào hợp đồng.
Đến khoảng 9 giờ ngày 28/8, khi máy của anh Minh do bà Lai gọi về đang gặt lúa cho một người dân trong xã thì Cảnh và Lý đến. Sau đó, 2 đối tượng tiếp tục đe dọa bà Lai rồi nhận số tiền 500.000 đồng. Nhận tiền xong, Cảnh yêu cầu anh Minh đưa máy gặt sang ruộng kế bên mà Cảnh đã nhận thầu để tiếp tục gặt. Tuy nhiên, qua nguồn tin của quần chúng nhân dân, CBCS Đội Cảnh sát ĐTTP về Hình sự, Kinh tế và Ma túy Công an huyện Đô Lương đã tiến hành bắt giữ Lý và Cảnh.
Theo Thiếu tá Nguyễn Cảnh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Hình sự, Kinh tế và Ma túy: Những biểu hiện bất minh của Lý và Cảnh đều nằm trong “tầm ngắm” của các trinh sát. Ngay khi 2 đối tượng thực hiện hành vi trên với bà Lai, bọn chúng đã bị bắt giữ về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Vào mùa thu hoạch lúa năm 2016, Đội cũng đã điều tra làm rõ hành vi “bảo kê” máy gặt của một số đối tượng trên địa bàn.
Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Mai Hậu