Bài 1: Bắt giữ 3 đối tượng tàn phá rừng trên biên giới
(Congannghean.vn)-Trước lãnh đạo huyện Tương Dương, Kha Văn Moong nhận mình đã tìm thuê 3 đối tượng “lâm tặc” để tời và chuyển một số lượng lớn gỗ ra khỏi cửa rừng theo chỉ đạo của 1 đối tượng tên Phú trú tại huyện Con Cuông. Và trước đó, chính “ông chủ” Phú đã tặng cho Moong một ngôi nhà gỗ tại xã Mai Sơn. Dư luận cho rằng, vì vụ lợi cá nhân, Moong đã bất chấp tất cả để tiếp tay cho “lâm tặc”.
Bài 2: Kha Văn Moong “nhận tội” như thế nào?
Nhận được thông tin về vụ phá rừng, sáng 16/11, Thường trực Huyện ủy Tương Dương đã phân công đồng chí Trịnh Minh Châu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện vào làm việc tại xã Mai Sơn để xử lý các vấn đề liên quan đến vụ phá rừng tại bản Piêng Cọoc.
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, các cơ quan chức năng huyện Tương Dương, chính quyền xã Mai Sơn, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã đề nghị Kha Văn Moong trình bày lại toàn bộ sự việc liên quan đến vụ “lâm tặc” tàn phá rừng tại bản Piêng Cọoc, bị cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường bắt quả tang vào chiều 15/11. Moong thừa nhận số gỗ trên do mình thuê người đốn hạ từ một cây gỗ lớn tại khu rừng đầu nguồn thuộc bản Piêng Cọoc, xã Mai Sơn.
Lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương báo cáo vụ việc với Chủ tịch UBND huyện tại buổi làm việc ở xã Mai Sơn ngày 16/11 |
Thời điểm đó là vào tháng 6/2015, Moong vào gặp Ban quản lý bản Piêng Cọoc đặt vấn đề mua một cây gỗ săng vì với giá 3 triệu đồng để làm nhà ở tại địa phương. Nhưng sau đó, Moong lại bán cây gỗ này cho 1 đối tượng tên Phú, trú tại huyện Con Cuông với giá 4 triệu đồng. Biết Moong là cán bộ xã có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn, Phú đã đưa tiền cho Moong tìm thuê người vào bản Piêng Cọoc để chặt cây gỗ trên. Và chính Moong đã cùng các đối tượng “lâm tặc” trực tiếp đốn hạ trái phép cây săng vì có đường kính trên 1 m, dài hàng chục mét.
Sau khi xẻ ra thành hàng chục phiến gỗ, Moong đã thuê La Bốn Tưởng trú tại bản Sơn Hà, xã Tam Quang; Lữ Văn Hùng và Lô Văn Thủy đều trú tại bản Na Kha, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương vào rừng để tời hàng chục phiến gỗ từ cửa rừng ra khe Bén, thuộc bản Piêng Cọoc, xã Mai Sơn theo chỉ đạo của Phú.
Tổ công tác phát hiện máy tời tự tạo |
Liên quan đến việc tuần tra, bảo vệ rừng, báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương cho biết, trước đó, từ ngày 20 - 21/10/2015, UBND xã Mai Sơn đã thành lập đoàn kiểm tra, bảo vệ rừng tại bản Piêng Cọoc do ông Lô Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng cùng các thành viên liên quan, gồm: Ông Lương Văn Thanh, cán bộ Trạm Kiểm lâm xã Mai Sơn (đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ huyện); ông Nguyễn Viết Kiên, cán bộ kiểm lâm địa bàn (đại diện Hạt Kiểm lâm huyện); ông Hồ Xuân Liêm, cán bộ Trạm Biên phòng khe Bén (đại diện Đồn Biên phòng 523) cùng Ban quản lý bản Piêng Cọoc tiến hành kiểm tra, bảo vệ rừng tại khu vực rừng đầu nguồn ở bản Piêng Cọoc, giáp ranh với khu vực rừng biên giới nước bạn Lào.
Tại đây, sau 2 ngày kiểm tra, đoàn công tác phát hiện 2 cây săng vì đã bị đốn hạ và 60 tấm gỗ đã được xẻ thành các phiến, tổng khối lượng gỗ là trên 17 m3, trong đó có gần 20 tấm đã được cắt xẻ, bị tổ công tác Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Nghệ An phát hiện vào ngày 15/11, nằm rải rác gần các gốc cây bị đốn hạ. Điều đáng nói là, mặc dù xác định toàn bộ số gỗ trên là do “lâm tặc” đốn hạ trái phép, nhưng đoàn công tác chỉ ghi số thứ tự bằng sơn đỏ rồi ra về mà không có động thái gì khác!?
Trước những việc làm của Kha Văn Moong và đoàn công tác kiểm tra, bảo vệ rừng xã Mai Sơn, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện và UBND xã Mai Sơn phối hợp với tổ công tác của Phòng Cảnh sát Môi trường tiến hành khám nghiệm hiện trường, nơi xảy ra việc khai thác lâm sản trái phép tại khu rừng đầu nguồn bản Piêng Cọoc.
Từ lán trại của “lâm tặc” tại bản Piêng Cọoc, lực lượng chức năng đi bộ vào cửa rừng khoảng 30 phút thì phát hiện một gốc cây bị đốn hạ, đường kính 1,7 m. Xung quanh gốc cây còn có nhiều phiến gỗ có khối lượng trên 3 m3. Đây là gốc cây đã bị “lâm tặc” xẻ ra thành hàng chục phiến gỗ vừa bị bắt giữ. Đi sâu vào rừng đầu nguồn khoảng 100 m, tổ công tác và lực lượng chức năng phát hiện thêm một gốc cây khác cũng bị đốn hạ, xung quanh có 16 tấm gỗ có kích thước tương tự các tấm gỗ được phát hiện trước đó.
Tổng khối lượng gỗ thu giữ được tại hiện trường là trên 26 m3. Nếu chiếu theo “lý lịch” gỗ đã được kiểm tra, ghi số thứ tự với số lượng gỗ kiểm tra thực tế thì có hàng chục tấm gỗ to, nhỏ “vuông thành sắc cạnh” do “lâm tặc” đốn hạ từ một cây. Đó là chưa kể đến việc một cây khác tại khu vực này đã bị “lâm tặc” đốn hạ nhưng do rỗng ruột nên không bị cưa xẻ, nhưng không hiểu vì sao đoàn kiểm tra, bảo vệ rừng liên ngành của xã lại bỏ ngoài sổ sách mà không nói rõ lý do?.
Qua vụ việc bất minh trên, dư luận cho rằng, nhiều khả năng đây là những động thái mang tính tiêu cực để tiếp tay cho “đầu nậu” mua bán lâm sản trái phép và đối phó với cơ quan điều tra khi bị phát hiện. Ngày 17/11, 3 đối tượng “lâm tặc” và tang vật trong vụ phá rừng trên đã được chuyển giao cho cơ quan CSĐT Công an huyện Tương Dương tiếp tục điều tra, mở rộng, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Vụ việc trên là bài học trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như quản lý cán bộ không chỉ ở xã Mai Sơn mà còn đối với các địa phương khác.