An ninh trật tự
Khốn đốn vì sa 'bẫy lừa' xuất khẩu lao động đi Canada
(Congannghean.vn)-Sau khi nộp tiền để làm thủ tục xuất ngoại sang Canada kiếm việc làm, người lao động được đào tạo về tiếng của nước bản địa, đưa ra Hà Nội và vào TP Hồ Chí Minh, chờ bay nhiều lần nhưng không thành, mặc dù visa đã được cấp. Sau khi biết mình bị sa bẫy lừa vào đường dây làm visa giả, hàng chục người đã đòi lại tiền nhưng chỉ được trả “nhỏ giọt” nên đã đâm đơn tố cáo đến cơ quan Công an.
Vay lãi ngân hàng để đi XKLĐ… giả
Theo đơn tố cáo của anh Nguyễn Văn Cảnh (SN 1981) trú tại xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), vào năm 2012, khi có ý định xuất khẩu lao động (XKLĐ) ra nước ngoài, thông qua một người bạn, anh đã được kết nối với Hoàng Thị Lan Chi (SN 1971) trú tại khối 19, phường Hưng Bình, TP Vinh. Lúc bấy giờ, bà Chi giới thiệu bản thân đang là người đại diện của Công ty CP Việt Hà - Hà Tĩnh (Vihatico). Bà Chi “nổ” rằng mình có khả năng đưa người đi XKLĐ tại Canada với chi phí thấp (500 triệu đồng) nên anh Cảnh đã đồng ý. “Bà Chi đã thu 63 triệu đồng tiền mặt của tôi vào tháng 12/2012.
Người lao động khốn khổ vì sa “bẫy lừa” XKLĐ sang Canada |
Tiếp đó, tháng 11/2013, sau khi nói rằng sắp đến ngày bay, thủ tục visa đã hoàn tất nên bà Chi tiếp tục “vay” của tôi số tiền 194 triệu đồng. Tổng số tiền mà bà này đã thu của tôi là 257 triệu đồng. Khi biết không thể sang Canada để làm việc theo cam kết, tôi nhiều lần đòi lại tiền nhưng bà Chi cứ khất lần. Đến ngày 15/9/2014, bà Chi cam kết sẽ trả hết nợ, đồng thời trả thêm cho tôi 30 triệu đồng tiền lãi. Nhưng đến nay, tôi vẫn chưa lấy lại hết số tiền này”, anh Cảnh cho biết. Được biết, để có được số tiền trên, gia đình anh đã phải vay nặng lãi, vay ngân hàng đưa cho bà Chi để mong được bay sớm.
Thông qua một người bạn, anh Nguyễn Duy Hoành (SN 1980) trú tại thị trấn Cày, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) được giới thiệu đi XKLĐ tại Canada với chi phí 25.000 USD. Sau khi nộp 6.000 USD tiền đặt cọc, anh Hoành được cấp một visa và được thông báo học tiếng để chờ ngày bay. Đi cùng đợt với anh Hoành còn có 2 lao động ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và một người khác ở tỉnh Quảng Bình. Tất cả cùng đi lao động ở Canada và cùng nộp số tiền tương tự cho bà Chi.
Tuy nhiên, chờ mãi mà vẫn không thể bay nên anh Hoành đã gửi visa này cho chú ruột đang ở Mỹ để xác thực thì được biết, đó là visa giả. Lúc bấy giờ, bà Chi mới thừa nhận đó là visa giả và sở dĩ bà có được là nhờ một người cũng làm lĩnh vực XKLĐ, thông qua một công ty hoạt động môi giới XKLĐ có địa chỉ tại tỉnh Sơn La. Từ đó đến nay, anh đã nhiều lần ra TP Vinh “đòi nợ” nhưng mỗi lần như vậy, bà Chi chỉ trả cho anh mỗi đợt 10 triệu đồng, đến nay vẫn còn hơn 10 triệu đồng chưa lấy được.
Chây ì nợ, vẫn lén lút môi giới XKLĐ?
Theo thông tin chúng tôi có được, đã có hàng chục người lao động là nạn nhân của trò lừa đảo XKLĐ mà bà Chi thực hiện. Hiện nay, bà Chi đã đóng cửa văn phòng trên đường Lê Hồng Phong, TP Vinh nên tại địa chỉ nhà riêng ở khối 19 thuộc phường Hưng Bình, TP Vinh, vào ngày cao điểm, có từ 6 - 7 lao động đến “chầu chực” để đòi trả lại tiền.
Bản cam kết đưa người đi XKLĐ Canada (2013) và giấy hẹn trả lại tiền (2015) của bà Chi viết cho người lao động |
Tìm đến Chi nhánh Công ty CP Việt Hà - Hà Tĩnh tại Nghệ An đóng tại số 8, ngõ 1, đường Trần Nhật Duật thuộc khối 7, phường Đội Cung, TP Vinh, đại diện Công ty cho biết, bà Chi trước đây có làm việc cho văn phòng của Công ty, nhưng thông qua một người khác chứ không hề có chức danh trong văn phòng. “Tuy nhiên, sau thời gian thấy bà Chi có những việc làm ảnh hưởng đến uy tín Công ty, chúng tôi đã chấm dứt việc cộng tác từ nhiều năm nay.
Bà Chi không còn là người của Công ty nữa”, đại diện Công ty CP Việt Hà - Hà Tĩnh tại Nghệ An cho biết. Sau rất nhiều lần hẹn, bà Hoàng Thị Lan Chi mới đồng ý gặp để trao đổi với phóng viên về các vấn đề liên quan. Theo đó, bà này thừa nhận, tính đến thời điểm hiện tại, bà không còn là người của Công ty CP Việt Hà - Hà Tĩnh. Tuy vậy, bà Chi vẫn đang tham gia hoạt động môi giới, đưa người đi XKLĐ tại các nước Malaysia, Đài Loan, dù vẫn chưa khắc phục xong những hậu quả để lại trong thời gian qua.
“Visa cung cấp cho người lao động có thời hạn 2 năm, nhưng đó là visa giả. Người lao động sang Canada tìm việc làm có thể đi theo kiểu con đường tiểu ngạch nhưng cũng giả chứ không thật”, bà Chi nói. Cũng theo bà này, nguyên nhân dẫn đến sự việc là do bản thân bà Chi có liên quan đến một số người hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ rồi bị họ lừa gạt, vay tiền dẫn đến “lỗi hẹn” với người lao động chứ bản thân bà không hề lừa đảo.
Tính đến thời điểm hiện nay, bà Chi thừa nhận, còn nợ tiền của nhiều người lao động nhưng chưa có khả năng trả một lần mà xin thương lượng, khất lần để có thời gian xoay xở, thậm chí chấp nhận trả lãi ngân hàng cho người lao động để họ không gửi đơn tố cáo. Được biết, liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền người lao động của bà Chi, từ tháng 11/2014, cơ quan CSĐT Công an TP Vinh đã nhận được đơn tố cáo của người lao động và hiện đang trong quá trình xem xét, thụ lý.
Thiện Thành