An ninh trật tự
Vạch mặt kẻ lợi dụng bói toán để lừa đảo
08:20, 03/03/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thế kỷ 21, dù khoa học có những bước tiến vượt bậc, nhiều kẻ vẫn dùng những chiêu trò đơn giản để lừa đảo. Nhiều người vẫn tin vào các trò bói toán nhảm nhí để đến nỗi tiền mất, tật mang.
Những ngày đầu năm 2015, Công an huyện Diễn Châu nhận được thông tin: Có một đôi nam nữ hành nghề mê tín dị đoan đến các gia đình làm lễ yểm tà ma, trừ yêu quái. Họ kết hợp bói toán, xem tướng, bắt bài, xem chỉ tay, khám bệnh và bán những loại thuốc không rõ nguồn gốc với giá cắt cổ. Nhiều gia đình mất oan hàng chục triệu đồng. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, vì tâm linh và mê tín còn lẫn lộn. Muốn nghiêm trị phải bắt tại trận, tại nhà trong lúc gia chủ lại “thành kính khẩn cầu”. Nếu làm không khéo, người dân sẽ dựa vào quyền tự do tín ngưỡng để phản đối. Nhưng không kiên quyết nghiêm trị thì sẽ gây mất ANTT.
Quyết không để kẻ xấu tự do hoành hành, dù Tết đến, xuân sang với bao công việc bộn bề, đồng chí Thượng tá Trần Khang, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an huyện Diễn Châu đã tung những trinh sát dày dạn kinh nghiệm xuống địa bàn cùng Công an các xã nắm bắt tình hình, bí mật theo sát di, biến động, tìm hiểu quy luật và thủ đoạn hoạt động của đối tượng. Khi được gia đình nào mời, chúng thường chọn thời gian 22h mới bắt đầu hành lễ, kéo dài đến 2h hôm sau. Mỗi lễ, gia chủ phải mua đủ 3 mâm chia làm 3 tầng. Tầng một đặt trên bàn giữa nhà gồm: Hoa quả, bánh kẹo, chỉ ngũ sắc, vàng mã, xôi gà, rượu bia. Tầng hai là chiếc bàn thấp hơn gồm: 1 kg thịt sống, 10 quả trứng sống, 1 kg nếp sống, gương, lược, tiền thật loại 1, 2 nghìn đồng.
Hai đối tượng lừa đảo trong vụ việc |
Theo thầy giải thích, đây là lễ cho “Cô Chín” vì tính “cô” ngúng nguẩy, thích chải chuốt và mang đồ sống đi tự nấu ăn. Mâm còn lại bày xuống đất cúng ngoài trời gồm: Gạo, muối, cháo hoa, bỏng ngô, nổ nếp dành cho tiểu sinh, tiểu lạc, cúng xong thì rải ra đường. Khi làm lễ, tất cả người trong nhà phải chắp tay ngồi trước bàn thờ, những người đến chờ xem bói ngồi bên cạnh. Gã đàn ông mặc áo cà sa, gõ mõ, đọc kinh. Người phụ nữ tự xưng “Thánh cô” làm lễ bằng cách lên bốn giá, gọi đủ ông Hoàng Mười, ông Bảy, cô Chín, cậu Ba Thoại, mỗi giá thay một bộ quần áo xanh, đỏ, tím, vàng. Cô vừa nhảy nhót vừa đọc bài cúng: “Con xin hội đồng thánh cô, hội đồng thánh cậu, hội đồng tam bảo phật, tam bảo thánh, tam bảo thần, phù hộ độ trì của son, con đậu…” rồi vung kiếm, bắt quyết hò hét đuổi tà ma.
Tiếp theo, “cô” giao cho chủ nhà 4 bình tròn màu vàng lóng lánh đựng nước “Thánh” buộc chỉ ngũ sắc, bảo các thành viên uống một nửa nước trong bình rồi đem chôn ở 4 góc khu đất ở để yểm “tà ma ngoại đạo”. Người bị ma ám hay có bệnh, “cô” bán cho một toa thuốc gồm: 3 gói bột, 5 gói dạng viên nhỏ xíu màu vàng, giá từ 450.000 - 700.000 đồng/lần. Nhiều người phải lấy 5, 6 lần. Bí mật đào bùa lên, trinh sát phát hiện đây là vỏ chai nước giải khát C2 được bọc giấy vàng, trong đựng một loại nước lờ lợ. Còn các viên thuốc chỉ là bột nghệ vo viên. Mỗi lần cúng lễ, ngoài các chi phí, tiền công là 4.000.000 đồng.
Sau một thời gian theo dõi, trinh sát nắm bắt: Tối 27/2/2015, “thánh” sẽ cúng tại nhà ông Ngô Văn Đình ở xóm Kim Liên, xã Diễn Kim. Thượng tá Trần Khang phát lệnh hành động. 22h, trong vai những người dân, Trưởng Công an xã Trần Thành Lộc cùng Trung tá, ĐTV Trần Thanh Mạc ngồi lẫn lộn trong những người chờ “bắt quẻ”. Phó Công an xã Nguyễn Văn Trung, trinh sát Trần Đình Hiếu ém quân bên ngoài sẵn sàng hỗ trợ.
Một số đồ nghề lừa đảo bị Công an thu giữ |
Sau khi “thánh cô” làm lễ, thì “thầy” “bốc quẻ” cho đồng chí Mạc. “Thầy” phán: “Con có tướng làm quan”. Đồng chí Mạc vận dụng vốn hiểu biết của mình hỏi “thầy” về nguyên tắc xem tướng, số như “Can chi cung mệnh, căn sát địa chí”, “thầy” chẳng hiểu gì, miệng há hốc rồi bất ngờ phán “Con có căn duyên với… người âm”. Cùng lúc, chủ nhà mang ra 4.700.000 đồng tiền công, “cô” vừa đưa tay nhận thì trinh sát ập vào. Các “bùa yểm” được đào lên. Bà con yêu cầu “thầy”, “cô” uống thử nước thánh nhưng họ từ chối. Lớp giấy vàng được bóc ra lộ rõ trước mặt mọi người vỏ chai C2. Trinh sát thu tại chỗ 1 xe máy, 2 điện thoại, 1 kiếm lưỡi thép vỏ gỗ khảm rồng, 1 bộ đồ cà sa giả Phật; rất nhiều vỏ chai C2, viên thuốc vo nhỏ, 2 bộ bài túlơkhơ, 1 bộ bài tam cúc, 15 cuốn sách nhảm nhí in lậu, 1 chuỗi hạt màu nâu, 1 chuỗi màu vàng, 1 chuỗi màu ngọc, 1 bộ mõ gõ loại nhỏ…
Tại cơ quan điều tra, chúng khai nhận: “thánh cô” tên là Nguyễn Thị Loan (SN 1963) trú tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu, có 2 con. Từ khi chồng mất, thị bỗng “phát mả” trở thành “thánh cô” đi “cứu nhân độ thế” rồi gặp “thầy” Lưu Văn Hoàng (SN 1958) đã có 3 con và 4 cháu nội, ngoại. Họ kết thành vợ chồng hành nghề mê tín dị đoan. Ai bị “người âm”, họ đến trừ, nhà nào bị “tà” xâm nhập, họ đến “yểm”. Ai bị bệnh nan y, họ “cúng”. Ai muộn vợ, ế chồng, họ cho đội mâm “cầu duyên”. Ai muộn con, họ bán cho “nước thánh” pha từ dấm, nhọ nồi và… nước lã. Thuốc là những dược liệu rẻ tiền như nghệ, cam thảo, lạc tiên, tỏi tán nhỏ, vo viên. Chúng đi nhiều nơi “làm phúc”, nay nhớ không xuể.
“Có bệnh vái tứ phương”, “đầu năm giải hạn, cuối năm cầu yên”, lợi dụng tâm lý này, nhiều đồng cô, bóng cậu đã hành nghề một cách công khai, lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin. Lạ lùng hơn, từ những người có học đến gia đình có chức quyền đều mời những kẻ trình độ thấp hơn mình về cúng, để đến nỗi tiền mất, tật mang. Tiếp xúc với một bị hại là quan chức, có bằng thạc sĩ, đã “nướng” 10 triệu đồng vào trò nhảm nhí này. Ông ta vô tư nói: “Tôi cũng có tin đâu, nhưng vợ thích thì cho làm, còn mình giả vờ đi… công tác”.
Hiện, cơ quan Công an đang mở rộng điều tra vụ việc. Ai là người bị hại đề nghị đến Công an huyện Diễn Châu trình báo.
Nguyễn Đình