An ninh trật tự
27886
Cảnh giác với những kẻ đội lốt "sư thầy"
14:00, 28/04/2013 (GMT+7)
Khoác trên mình bộ quần áo nhà chùa màu nâu đục, đầu trọc lóc, không mũ nón, trên tay luôn cầm một cái bát bằng đồng hoặc bát nhựa, đi chân đất, bước những bước chậm rãi. Đó là hình ảnh quen thuộc được người dân gọi với cái tên “sư thầy” một cách thành kính. Suốt cuộc hành trình khất thực, sư thầy không được phép nói, họ đi dọc các con đường vào các ngõ phố rồi dừng lại một lát nơi nhà dân. Chỉ nhìn thấy vậy, người dân cứ theo thói quen mang những đồng tiền lẻ, những thức ăn chay có sẵn mang ra bỏ vào chiếc bát.
Lợi dụng lòng tin của người dân, không ít kẻ lười biếng đã giả mạo cải trang làm “sư thầy” để che mắt người dân nhằm trục lợi cho riêng mình. Nghĩ công việc đơn giản lại hái ra tiền, rất nhiều kẻ đã không từ thủ đoạn để sắm cho mình những hành trang giống thầy tu trong chùa để hành nghề. Từ việc cắt tóc, đi chân trần, mặc đồ tu hành rảo bước qua từng con phố xin tiền, đến thủ đoạn đội lốt nhà sư để buôn bán các mặt hàng như tăm, đũa, nhang... với giá gấp ba lần so với giá thị trường, đồng thời kiêm luôn cả việc xúi dục dân quyên góp tiền “Ủng hộ nhà chùa”.
Người dân trên địa bàn thành phố Vinh quá quen thuộc với cảnh tượng “sư thầy” có dáng người cao to, bụng phệ khoác trên mình chiếc áo thầy tu màu nâu, tóc cắt ngắn đến không thể ngắn hơn được nữa. Đầu đội mũ lá rộng vành, chân đi đôi dép lê cũ, trên tay luôn cầm một chiếc giỏ lớn bên trong đựng đầy tăm, nhang, đũa...
Cứ thế, “sư thầy” rảo bộ qua các khu phố, đến từng nhà dân để chào hàng. Mỗi lần gặp khách, “sư thầy” không quên chào bằng cách ra dấu để thay cho lời giới thiệu “Mình là người của nhà chùa”. Sau khi giới thiệu xong, “sư thầy” đi vào nội dung chính là giới thiệu sản phẩm, mong muốn nhận được sự “thành tâm” nhiệt tình của người dân đối với đức phật. Song song với màn chào hàng, “sư thầy” không quên đưa ra một tấm bìa cứng, bên trong cặp sẵn một tờ giấy có ghi tên, địa chỉ, số tiền ủng hộ và chữ ký của những hộ gia đình mà theo lời “sư thầy”, đó là số tiền ủng hộ, quyên góp cho nhà chùa mà “sư thầy” kia thay mặt nhận giúp.
Chị Trần Ngọc Hà, một tiểu thương bán quần áo ở phường Hưng Dũng cho biết: Trong vòng nửa tháng đã có hàng chục nhà sư tay xách nách mang ghé thăm cửa hàng. Điều này đồng nghĩa với việc, chị phải chi số tiền gần triệu bạc để mua đũa, nhang và ủng hộ cho các nhà chùa theo lời kêu gọi của các “sư thầy”.
Khi hỏi đến lý do thì chị chỉ cười: “Nghe các “sư thầy” nói đi bán nhang, đũa với mục đích cao đẹp là tu bổ và xây dựng lại đền chùa. Danh sách ủng hộ của người dân mà tôi được xem từ cuốn sổ của thầy rất nhiều. Tôi lại là người sùng đạo Phật nên...”. Những độc chiêu thuyết phục khách như thế được các “sư thầy” giả mạo đưa ra diễn đi diễn lại hàng trăm lần, vậy mà người dân vẫn nhiệt tình tin, nhiệt tình mua và nhiệt tình ủng hộ...
Để rồi trong phút chốc, họ tự biến mình thành người bị hại mà không hề hay biết. Người dân đâu nghĩ được rằng, danh sách đóng góp tiền công đức có thể ghi khống. Điều mà họ biết đó là giá mỗi bó đũa, nhang được “sư thầy” bán gấp ba lần so với giá thị trường mà vẫn vui vẻ mua với quan niệm, mua đồ của nhà sư như mua phúc lộc về cho gia đình.
Thủ đoạn lừa đảo để trục lợi của các “sư thầy” không dừng lại ở đó, hàng ngày, không ít lượt kẻ cải trang giống nhà sư từ quần áo, cử chỉ đến cả việc cố tạo cho mình một khuôn mặt từ bi, phúc hậu hơn để đánh lừa con mắt của người dân.
Các sư khi đi khất thực phải thực hiện nghiêm chỉnh các nguyên tắc như không được vào chợ, đứng ở góc chợ hoặc chen lấn vào những chỗ đông người qua lại. Ấy vậy mà không ít “sư thầy” chưa một lần đọc qua hay cố tình phớt lờ các nguyên tắc của nhà chùa rồi phạm vào nguyên tắc định sẵn.
Hiện tại, người đi đường không mấy xa lạ với cảnh rất nhiều nhà sư đứng rải rác ở những nơi đông người qua lại như cổng chợ, dọc các ngã tư. Thậm chí “sư thầy” còn vào cả hàng tạp hóa, tiệm cắt tóc, nhà hàng, quán nhậu... để xin tiền. Điều này nói lên một điều, tất cả những “sư thầy” khất thực chỗ đông người đều là “sư thầy” giả mạo.
Điều đáng quan tâm là số tiền kiếm được từ sự giả tạo, lợi dụng lòng tin của người dân trong một ngày không chỉ là thức ăn chay, là những đồng tiền lẻ. Trái lại, số tiền ấy có thể từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Một “nghề” quá đơn giản, nhẹ nhàng mà thu nhập lại cao khiến cho không ít kẻ lười lao động bất chấp đạo lý, nhân cách, bất chấp pháp luật theo chân nhau hành nghề bát nháo.
Chị Nguyễn Thị C., một chủ quán ăn ở phường Bến Thủy kể lại, khi đang chuẩn bị đồ ăn cho khách thì chị thấy một “sư thầy” đi khất thực bước vào quán. Mới đầu, những người trong quán đều ngạc nhiên nhưng khi nghe thầy tỏ ý muốn nhờ nhà vệ sinh nên ai cũng cho là chuyện bình thường. Nhưng cũng chỉ vài phút sau đó, điều khiến cho tất cả mọi người ngạc nhiên là người bước từ phòng vệ sinh ra không phải là “sư thầy” lúc nãy mà ngược lại, đó là một người đàn ông cũng khuôn mặt ấy nhưng lại mang dáng vẻ bụi bặm, ông ta khoác trên người một bộ quần áo của những người dân bình dị khác. Càng ngạc nhiên hơn khi chị nghe “sư thầy” tới gọi món ăn mặn và ngang nhiên ngồi ăn ngay giữa quán.
Đó là chưa kể đến trường hợp nhiều “sư thầy” sau một lúc giới thiệu sản phẩm cho người dân mua mới phát hiện ra khách hàng mà mình đang tiếp xúc lại là đồng hương, là bạn học cũ... Rồi cảnh người dân đứng lặng khi nhận ra “sư thầy” tôn kính mới gặp hôm qua, hôm nay lại ngồi chén chú chén anh trong quán nhậu.
Giả mạo nhà sư để mưu cầu lợi ích cá nhân không chỉ là một hành vi phạm pháp mà còn gây mất trật tự an ninh xã hội. Không những là nhân tố xấu ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo mà còn ảnh hưởng xấu đến những người tu hành chân chính.
Để ngăn chặn hành vi giả mạo nhà sư nhằm lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi cá nhân, ngoài việc các cấp, ban, ngành cần có những biện pháp hợp lý để xóa bỏ triệt để tệ nạn thì đòi hỏi hơn nữa ý thức cảnh giác cao của người dân. Nhằm tránh trường hợp chính bản thân nhiều lần trở thành nạn nhân mà không hề hay biết.
Đoàn Hoàng