An ninh cơ sở

Những 'chiến binh' thầm lặng của rừng nguyên sinh quốc gia Pù Mát

09:26, 10/12/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong vòng 1 năm, gần 100 cá thể động vật bị chết do bẫy của những kẻ săn bắt trộm tại rừng nguyên sinh quốc gia Pù Mát. Chúng bị tàn sát một cách vô tội vạ. Khi những động vật hoang dã tiếp tục bị sát hại, các loại động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, hệ sinh thái mất cân bằng và môi trường sống bị đe dọa. Điều này đã kéo theo sự biến đổi của khí hậu và chính con người phải gánh chịu.

Mọi nỗ lực tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã của con người đưa ra vẫn còn hạn chế; công tác chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã vẫn chưa thể dừng lại. Vì vậy, vấn đề đặt ra rất cấp bách là Pù Mát phải thiết lập các khu bảo vệ đặc biệt nhằm mục tiêu khôi phục lại các quần thể động vật hoang dã.

Cuộc hành trình của những “chiến binh” thầm lặng để giữ bình yên cho cuộc sống rừng xanh cũng là bình yên cho con người
Cuộc hành trình của những “chiến binh” thầm lặng để giữ bình yên cho cuộc sống rừng xanh cũng là bình yên cho con người

Rừng nguyên sinh quốc gia Pù Mát có diện tích khoảng 94.000 ha, trải dài ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương. Đây là khu rừng nguyên sinh không chỉ được biết đến là khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, có hệ thực vật và động vật phong phú của thế giới, được tổ chức UNESSCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Đặc biệt, các loại động vật ưu tiên quý hiếm được bảo vệ cấp quốc tế và cấp quốc gia tại Pù Mát như: sao la, voi, gấu, các loài linh trưởng và tê tê… bởi chúng đang bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tháng 6/2018, tổ chức Save Viet Nam’s Wildlife lập ra một Đội Anti poaching Team (đội bảo vệ rừng), với mong muốn được mang tiếng nói của Việt Nam đóng góp vào hoạt động bảo tồn động vật rừng trên thế giới. Ban đầu thành lập, Đội chỉ có 7 thành viên, nay đã lên tới 16 thành viên tham gia, có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát triển khai các tuyến tuần tra bảo vệ rừng, truy quét, ngăn chặn cũng như gỡ bỏ các loại bẫy, lán trại, tịch thu súng săn, đẩy đuổi con người ra khỏi khu vực cấm khai thác động thực vật tại Vườn quốc gia Pù Mát. Mỗi tháng tuần tra 2 đợt, mỗi đợt 7 - 10 ngày. Đây là đội bảo vệ rừng duy nhất của tổ chức Save Viet Nam Wildlife thuộc Dự án phi chính phủ từ các nước có tổ chức bảo vệ động vật hoang dã trên thế giới hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề bảo vệ các động vật hoang dã. 

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết: Với tình hình biên chế của lực lượng kiểm lâm không đủ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng ở diện tích rừng rộng lớn nên chúng tôi đưa ra giải pháp cần có một nhóm chuyên trách về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là tuần tra bảo vệ các loài động vật. Chúng tôi gọi là nhóm chống săn trộm. Đây là nhóm đầu tiên được thiết lập ở Việt Nam. Họ là những cán bộ được đào tạo bài bản, có tâm huyết trong bảo vệ động vật. Tất cả mọi con suối, tất cả các khu vực của Vườn quốc gia Pù Mát đều được bảo vệ.

Các thành viên của Đội còn rất trẻ, có sức khỏe tốt, có kỹ năng, kinh nghiệm sống sót khi gặp sự cố trong rừng, kỹ năng xử lý số liệu thông tin qua các thiết bị chuyên dụng như một đội “đặc nhiệm trong rừng”. Bởi họ phải tồn tại trong điều kiện sống vô cùng gian khổ giữa rừng già. Đội chia thành 4 nhóm, lội khe, băng rừng, vượt ghềnh thác và trèo vách đá để vào nơi từng là “điểm nóng” về săn bắt trái phép động vật hoang dã. Quãng đường tuần tra rất hiểm trở, thực sự nguy hiểm đến tính mạng; chỉ một chút sơ sểnh cũng có thể rơi xuống vách đá, nguy cơ thương tật rất cao, chưa kể đến sự chống trả của các đối tượng vi phạm ngay trong rừng. Vì vậy, mỗi thành viên phải có sự nỗ lực kiên trì, đam mê,  yêu thiên nhiên, yêu rừng mới có thể làm được công việc này.

Anh Lê Thành, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Pù Mát cho biết: Đội hoạt động với nguyên tắc “4 không: Không nhận tiền và vật chất khác từ đối tượng vi phạm, không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm, không sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm bắt được và không đánh bắt động vật hoang dã... Để đảm bảo cho việc đi rừng, Đội phải chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thực phẩm đi vào rừng sâu ở vùng lõi rừng nguyên sinh Pù Mát. 

Anh Nguyễn Hữu Trung, Đội phó Đội bảo vệ rừng chia sẻ: Hầu hết các thành viên tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã phải xa vợ con nên cũng chịu rất nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ chung nên gia đình phải thông cảm hy sinh. Vất vả nhất là những ngày trời mưa rét mướt, giữa rừng củi ướt nên không thể nấu cơm, thường xuyên phải ăn mỳ tôm sống và lương khô. Có những ngày tuần tra trên đồi hết nước, cả đội đành phải tìm vùng nước bẩn lóng qua áo để uống… Tuy nhiên, mọi thành viên vẫn yêu đời đến lạ, dường như mọi người đã coi không gian bình yên trong rừng là điều quen thuộc, như là một phần cuộc sống của họ. Mọi khó khăn trong rừng đều bị coi nhẹ và cảm giác vui nhất của các thành viên đó là được thả các động vật quay về với ngôi nhà thiên nhiên của chúng.

Chỉ hơn 1 năm hoạt động, Đội đã có 65 lượt thành viên tham gia tuần tra, bảo vệ rừng với gần 571,43 km  đường bộ, tương đương khoảng 500 ngày đêm. Nhiệm vụ đặt ra cho mỗi nhóm phải thực hiện đó là: Thông tin số lượng khi phát hiện và xử lý bẫy, lán trại, súng, đối tượng vi phạm, số lượng động vật chết từ săn bắt, giết thịt và lập bản đồ vị trí mỗi trường hợp, số lượng kích cá ở các khe suối; thông tin về khai thác gỗ và lập vị trí bản đồ về khai thác gỗ, phát hiện các dấu vết tác động của con người; thông tin về vấn đề theo dõi, quan sát trực tiếp các động vật hoang dã và thông qua dấu vết, lập danh sách cung cấp về Vườn quốc gia Pù Mát, lập vị trí trên bản đồ để nắm rõ, danh sách nguyên nhân động vật rừng bị chết... Trong hành trình tuần tra, Đội đã gỡ bỏ, tịch thu 4.580 chiếc bẫy, phá hủy 488 lán trại, cứu hộ và tái thả được 18 động vật, tịch thu 48 khẩu súng săn và lập biên bản xử lý 314 đối tượng săn bắt động vật hoang dã trái phép (số liệu từ tháng 6/2018 đến tháng 9/2019).

Những vụ việc nổi cộm khiến cộng đồng bức xúc, đó là vào tháng 6/2019, Đội phát hiện 5 lán trại dựng trái phép trong khu rừng từ Khe Kèm đi Khe Choăng, bắt giữ 1 đối tượng trú tại bản Trung Chính, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, thu giữ 1 khẩu súng thể thao, 11 viên đạn và nhiều viên đạn tự chế cùng một nồi thịt động vật rừng đã bị chế biến. Cùng thời điểm trên, Tòa án nhân dân huyện Con Cuông đưa ra xét xử 5 đối tượng đã giết hại 2 con voọc xám thuộc động vật nguy cấp quý hiếm nhóm IB, với tổng mức án cho các đối tượng là 13 năm 6 tháng tù giam.

Cũng trong tháng 7, nhóm Anti-boaching đã phát hiện và đẩy đuổi 2 nhóm người ở bản Tung Hương, huyện Tương Dương lập lán trái phép và đưa 4 khẩu súng tự chế vào rừng Khe Thơi, xã Lạng Khê; bắt giữ 1 nhóm người săn bắt 1 cá thể rùa quý hiếm; đồng thời thu giữ nhiều dây bẫy phanh, 3 cá thể tắc kè hoa còn sống và đã tái thả ngay trong rừng...

Qua hơn 1 năm thực hiện, có thể thấy hiệu quả rất rõ rệt. Hiện nay, trong Vườn quốc gia Pù Mát gần như không có hiện tượng đặt bẫy như những năm trước. Với những hoạt động tích cực của Đội chống săn trộm đã góp phần mang lại sự bình yên cho đại ngàn xanh Pù Mát, góp phần tái sinh lại 2 khu bảo vệ đặc biệt ở Pù Mát. Từ đó,  các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã trong nước đã chọn rừng quốc gia Pù Mát làm nơi tái thả. Riêng trong tháng 9, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã tái thả 3 con mèo rừng, 52 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc, 57 rùa đầu to và 3 rùa sa nhân vào Vườn quốc gia Pù Mát. 

Với tình yêu thiên nhiên, Đội “đặc nhiệm” của rừng quốc gia Pù Mát đã lặng lẽ âm thầm thực hiện nhiệm vụ vô cùng gian nan. Những bước chân của các anh đi qua mỗi khu rừng là nơi đó trở nên xanh thắm hơn. Sự dũng cảm và tâm huyết của mỗi thành viên đã mang lại bình yên cho muôn loài động vật trong rừng. Chính việc làm của họ khiến mỗi chúng ta cũng phải suy ngẫm.

Tường Vi

Các tin khác