An ninh cơ sở

Mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP Vinh

Hiểm họa chực chờ!

09:17, 19/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, TP Vinh có 3.255 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó có 37 chợ, trung tâm thương mại, 7 khu công nghiệp, gần 100 tòa nhà cao từ 10 tầng trở lên… Do lịch sử để lại và sự phát triển không đồng bộ nên kết cấu hạ tầng đô thị có những ảnh hưởng nhất định đến công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh những vi phạm về công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh những vi phạm về công tác Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp

Theo khảo sát của Cảnh sát PCCC, trên địa bàn TP Vinh cần phải có ít nhất 6.000 trụ nước chữa cháy công cộng, lắp đặt dọc theo các tuyến phố. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có chưa đến 200 trụ; việc quản lý, bảo dưỡng, sử dụng nguồn nước chữa cháy còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chưa đầu tư xây dựng các bể nước dự trữ chữa cháy trong các khu dân cư tập trung (mà hệ thống giao thông nhỏ hẹp, xe chữa cháy không vào được); tình trạng san lấp ao, hồ để xây dựng các công trình và quy hoạch khu dân cư diễn ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến nguồn nước chữa cháy nên chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác chữa cháy.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn tồn tại nhiều nhà tập thể cũ, cao từ 2 - 5 tầng, được xây dựng từ hàng chục năm trước, không có hệ thống PCCC, hệ thống điện cũ, nát; đằng sau căn hộ đều bị người dân làm "chuồng cọp", lồng sắt để sử dụng. Hiện tại, trên địa bàn có khoảng 5.000 ngôi nhà ống và gần 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke (hầu hết các cơ sở này không đảm bảo các yêu cầu về PCCC); trong đó có khoảng 2.000 nhà liền kề mặt phố vừa làm nơi sinh hoạt, kết hợp làm nơi kinh doanh, nhà kho, xưởng sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao; nếu xảy ra cháy thì khả năng cháy lan các hộ lân cận và bùng phát cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản là khó tránh khỏi, do chỉ có 1 lối thoát nạn mặt tiền là cửa ra vào.

Bên cạnh đó, tình trạng người dân tự ý xây dựng các cọc, ụ bê tông, ba-rie kiên cố, cổng chào trên các tuyến đường vào các khu dân cư, khu đô thị nhằm ngăn các phương tiện giao thông có tải trọng lớn đi vào. Cùng với đó là hệ thống dây cáp điện và viễn thông trên nhiều tuyến đường được kéo chằng chịt, không đảm bảo chiều cao, chiều rộng thông thủy cho các phương tiện chữa cháy hoạt động.

Thực trạng trên là một trong những bất cập về giao thông chữa cháy hiện nay, làm chậm thời gian tiếp cận đám cháy của các xe chữa cháy (thậm chí có những vụ cháy, xe chữa cháy không thể vào tiếp cận đám cháy); gây khó khăn, làm giảm hiệu quả của công tác tổ chức chữa cháy và làm tăng thiệt hại do cháy gây ra.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 20 chợ tạm đã xuống cấp, không đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện PCCC. Tình trạng thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã bừa bãi, tự ý điều chỉnh, thay đổi kết cấu đường điện gây chập, cháy còn khá phổ biến; nhiều hộ kinh doanh cơi nới thêm quầy, sạp, sử dụng cửa tôn cuốn che kín toàn bộ quầy sạp, sắp xếp hàng hóa để các vật dụng như tủ kệ, ghế, bao bì lấn chiếm lối đi chung, làm giảm khoảng cách an toàn, tạo điều kiện cho đám cháy phát triển lớn và gây khó khăn trong việc cứu chữa, thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chợ trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập
Công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chợ trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập

Để chủ động khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Nghệ An đã tập trung làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an toàn PCCC&CNCH; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt.

Chủ động phối hợp với các ban, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác PCCC&CNCH. Kiến nghị các chủ đầu tư khi thực hiện các dự án đô thị, các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phải đưa vào các giải pháp PCCC&CNCH như trụ nước chữa cháy, bến lấy nước chữa cháy, nguồn hỏa các loại, cáp, dây điện... Củng cố, duy trì các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC&CNCH ở khu dân cư, khu công nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, kịp thời khen thưởng, biểu dương các đơn vị làm tốt, nhất là tháo dỡ các trụ bê tông và che chắn, cản trở hoạt động tổ chức chữa cháy và CNCH. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh - truyền hình tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên đài, báo, mạng internet về hiểm họa của cháy, nổ, tai nạn.

Tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sỹ chữa cháy chuyên nghiệp, lực lượng làm công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH ở Công an các huyện, thành, thị theo quy định mới của Bộ Công an; huấn luyện kết hợp với thực hành tại chỗ đối với các tổ, đội dân phòng, PCCC tại chỗ trên địa bàn TP Vinh theo phương châm 4 tại chỗ. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm PCCC&CNCH. Tổ chức tốt công tác thực hiện sẵn sàng chiến đấu từ lực lượng chuyên nghiệp đến các đội dân phòng cơ sở, đảm bảo khi có cháy, nổ xảy ra thì cứu chữa kịp thời, có hiệu quả.

Lê Quốc Phúc

Các tin khác