An ninh cơ sở

Người dân vẫn còn xem nhẹ lối thoát nạn ở các chung cư

09:23, 07/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lối thoát nạn, thoát hiểm, cầu thang bộ ở các chung cư, nhà cao tầng được coi là vị trí an toàn nhất của tòa nhà khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu được tác dụng và công năng của lối thoát nạn. Vì vậy, ở nhiều chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, lối thoát nạn được sử dụng với những mục đích khác. Điều này đã gây ra nhiều trở ngại, khó khăn trong việc thoát nạn cũng như công tác triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng khi có sự cố xảy ra.

Thực tập chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại 1 căn hộ được gia cố theo kiểu “chuồng cọp” tại chung cư Tràng An
Thực tập chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tại 1 căn hộ được gia cố theo kiểu “chuồng cọp” tại chung cư Tràng An

Lỗi vi phạm phổ biến đều liên quan đến lối thoát nạn

Theo chân đoàn kiểm tra PCCC của Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 (Cảnh sát PC&CC Nghệ An) tại các chung cư, nhà cao tầng và trung tâm thương mại trên địa bàn TP Vinh, chúng tôi ghi nhận một số cơ sở còn vi phạm về lối thoát nạn. Lối thoát nạn bị chiếm dụng làm nơi để vật dụng, đồ dùng không dùng đến của các hộ gia đình, thậm chí là các dụng cụ vệ sinh của nhân viên vệ sinh tòa nhà được dựng chắn hết lối đi của cầu thang bộ khiến lối thoát nạn trông như một nhà kho của tòa nhà. Hầu hết những chung cư, nhà cao tầng đều được nhà đầu tư trang bị đầy đủ các công trình, hạng mục PCCC, đặc biệt là những chung cư mới xây dựng sau này. Tuy nhiên, sau một thời gian không chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng thì những trang thiết bị này cũng không phát huy được tác dụng của nó, thậm chí bị hỏng hóc. Ngoài các hệ thống trang thiết bị PCCC hiện đại thì phía ban công của mỗi căn hộ đều có cửa thoát hiểm. Đây là lối thoát hiểm an toàn khi đám cháy bùng phát phía trong tòa nhà.

Trung úy Nghiêm Mạnh Tuấn, cán bộ Đội Kiểm tra, Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 cho biết: “Hiện nay, các tòa nhà đều được trang bị cửa thoát hiểm, được dùng khi tòa nhà xảy ra các sự cố khẩn cấp, là lối đi an toàn để mọi người có thể thoát ra khỏi những sự cố đó. Bên cạnh đó, nó còn ngăn không cho khói lan lên khu vực tòa nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được điều đó”.

Trên thực tế, hầu hết người dân sống ở các khu chung cư cao tầng mới chỉ xem cầu thang bộ là lối lên xuống khi cầu thang máy không hoạt động mà chưa xem đây là lối thoát nạn quan trọng nhất khi xảy ra cháy. Vì thế mà lối thoát nạn đang được sử dụng sai mục đích. Nhiều khu chung cư, cửa chống khói, quạt tăng áp ở lối thoát hiểm cầu thang bộ đều bị hỏng. Nếu xảy ra cháy, tính mạng hàng trăm hộ dân sẽ bị đe dọa. Sự xem nhẹ của các hộ dân sống trong tòa nhà cùng sự buông lỏng quản lý của Ban quản lý tòa nhà khiến cho công tác đảm bảo an toàn PCCC ở những tòa nhà này vẫn còn nhiều bất cập.

Bên cạnh một số bộ phận người dân còn xem nhẹ công tác PCCC thì vẫn có rất nhiều người dân đặt tiêu chí đảm bảo an toàn PCCC khi lựa chọn các chung cư cao tầng. Đối với anh Trần Văn  Nhân, khu chung cư Tân Phát, phường Vinh Tân, TP Vinh, điều anh quan tâm khi chọn mua chung cư đó là vấn đề an toàn PCCC, nhất là lối thoát hiểm của tòa nhà. Anh Nhân cho biết, khi quyết định mua căn hộ chung cư, ngoài tìm hiểu các điều kiện cơ bản thì việc đảm bảo an toàn PCCC là một tiêu chí bắt buộc. Qua khảo sát, anh lựa chọn chung cư Tân Phát vì chung cư này đáp ứng cơ bản các tiêu chí của anh. Anh Nhân cũng bày tỏ mong muốn được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng PCCC để bản thân và gia đình hiểu biết và trang bị các kiến thức cơ bản về thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Bên cạnh lỗi vi phạm về lối thoát nạn, hiện nay nhiều chung cư, nhà cao tầng còn cơi nới, xây dựng thêm phần ban công bằng cách gia cố, lắp đặt các khung sắt bằng bê tông, sắt thép. Đây được coi là cách để các hộ gia đình chống trộm và bảo vệ sự an toàn, nhất là những gia đình có trẻ con. Tuy nhiên, chính những “chuồng cọp” trên cao như thế vô tình đã ngăn lối thoát nạn duy nhất của căn nhà, khiến công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Vụ cháy tại nhà số 48, ngõ 41, phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội vào ngày 19/7 vừa qua, làm 2 người chết đã khiến cho không ít người giật mình khi sống ở những ngôi nhà kiểu chuồng cọp, không có lối thoát nạn. Phải mất rất nhiều thời gian, lực lượng Cảnh sát PC&CC chuyên nghiệp mới cắt được khung sắt kiên cố để cứu được 1 người. Đó là chưa nói đến việc này gặp nhiều khó khăn khi thực hiện ở trên cao.

Hiện nay, tại các chung cư cũ ở TP Vinh không khó để bắt gặp những “chuồng cọp” như thế. Chung cư Quang Trung được xây dựng rất lâu đời, nay đã xuống cấp nghiêm trọng và biến dạng, thay đổi so với thiết kế ban đầu do các hộ gia đình cơi nới. Hiện, khu chung cư này có 19 tòa nhà với hơn 4.000 hộ dân sinh sống nhưng đã có hơn 90% hộ cơi nới, xây dựng thêm một cách kiên cố bằng bê tông và sắt thép, chỉ duy nhất có 1 cửa ra vào phía trước. Nếu xảy ra cháy ở khu vực cầu thang thì người dân phía trong không còn lối thoát nào.

Ông Phạm Đình An, Khối trưởng khối 7, phường Quang Trung, TP Vinh cho biết: “Do điều kiện chật chội nên hơn 90% hộ dân ở đây cơi nới căn hộ. Vẫn biết như thế là rất nguy hiểm, không có lối thoát nạn nào cả, khi có cháy thì không thể chạy đi đâu, lực lượng cứu hộ cũng khó tiếp cận. Chúng tôi cũng rất lo ngại, nhất là sau khi nghe thông tin về vụ cháy mới đây ở Hà Nội, cũng vì nhà bao bọc kiên cố quá nên lực lượng cứu hộ mới không vào cứu người được. Chúng tôi cũng tuyên truyền, nhắc nhở người dân phòng cháy là chính”.

Mạnh tay xử phạt

Theo số liệu thống kê, 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 49 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản khoảng 11,2 tỉ đồng, giảm 13 vụ so với cùng kỳ. Mặc dù Nghệ An chưa ghi nhận vụ cháy chung cư, nhà cao tầng nào nhưng chúng ta không được phép chủ quan khi mà các cơ sở này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Trong khi đó, do nhu cầu phát triển của xã hội, số lượng chung cư, nhà cao tầng ngày càng được xây dựng nhiều hơn. Theo báo cáo của Cảnh sát PC&CC tỉnh, trong 7 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã tiến hành kiểm tra tại 5.468 cơ sở, lập 531 biên bản vi phạm, xử phạt gần 1 tỉ đồng; trong đó đã tiến hành kiểm tra theo chuyên đề, thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường; chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại.

Cán bộ PC&CC hướng dẫn Ban quản lý chung cư Tràng An sử dụng các phương tiện chữa cháy
Cán bộ PC&CC hướng dẫn Ban quản lý chung cư Tràng An sử dụng các phương tiện chữa cháy

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 57 cơ sở thuộc diện nhà, công trình cao tầng, siêu cao tầng và trung tâm thương mại, trong đó có 25 tòa nhà chung cư có độ cao trên 9 tầng. Từ đầu năm 2017 đến nay,  Phòng Cảnh sát PC&CC số 1 đã tiến hành kiểm tra 35 chung cư, nhà cao tầng thuộc diện quản lý về PCCC. Qua kiểm tra, đã phát hiện các vi phạm và lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực PCCC đối với 4 trường hợp, với tổng số tiền gần 12 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong tháng cao điểm về PCCC tại các nhà cao tầng, siêu cao tầng, trung tâm thương mại, các đoàn kiểm tra của Cảnh sát PC&CC tỉnh đã kiểm tra 57/57 cơ sở; qua đó, phát hiện và kiến nghị 27 hành vi vi phạm quy định về an toàn PCCC, xử phạt 10/27 hành vi với số tiền gần 30 triệu đồng.

Tại buổi làm việc của đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an với Cảnh sát PC&CC tỉnh, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, điều quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn PCCC đó chính là ý thức tự giác, tự phòng ngừa của người dân, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp. Dù công tác kiểm tra có được tăng cường, siết chặt và xử lý nghiêm nhưng nếu bản thân người dân không có ý thức tuân thủ và phòng ngừa thì công tác đảm bảo an toàn PCCC sẽ khó đạt hiệu quả như mong đợi. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng thì rất cần ý thức tự giác của mỗi người dân.

Huyền Thương - Vương Linh

Các tin khác