An ninh cơ sở
Hiệu quả từ mô hình 'Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người'
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, trên địa bàn miền núi Nghệ An nói chung và huyện Tương Dương nói riêng, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, trở thành vấn nạn nhức nhối và gây ra nhiều hệ lụy. Xác định tính chất nguy hiểm và hậu quả do loại tội phạm này gây ra, Công an tỉnh và Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm mua bán người, trong đó có mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người” ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Công an tỉnh và Hội LHPN tỉnh sơ kết 2 năm thực hiện mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người” ở xã Tam Quang |
Tam Quang là xã biên giới rẻo cao có diện tích tự nhiên trên 37.523 ha, dân số 1.870 hộ, 7.399 nhân khẩu với 5 dân tộc sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,45%, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, sự nỗ lực của địa phương, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn xã có bước chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, Tam Quang vẫn được xác định là một trong những xã nghèo của huyện Tương Dương, đời sống dân cư, nhất là khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức về chính trị, pháp luật của người dân còn hạn chế; tập tục lạc hậu; tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động còn nhiều, đặc biệt là trong độ tuổi thanh niên… Đây là những nguyên nhân mà bọn tội phạm mua bán người lợi dụng để hoạt động.
Tháng 4/2015, Công an tỉnh và Hội LHPN tỉnh cho ra mắt mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống tội phạm mua bán người” tại xã Tam Quang.
Đến nay, sau 2 năm đi vào hoạt động, mô hình đã đạt được những kết quả nổi bật như: Tập trung chỉ đạo Ban Công an xã đẩy mạnh các hoạt động tăng cường phòng, chống tội phạm mua bán người gắn với công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, phối hợp với các tổ tự quản ở các bản làng đảm bảo ANTT cơ sở và tổ chức tuần tra nhân dân; tham mưu xây dựng hòm thư tố giác tội phạm tại 12/12 thôn, bản; làm tốt công tác quản lý cư trú tại địa bàn, hàng năm tiến hành tổng rà soát số công dân trên địa bàn đi lao động bất hợp pháp hoặc đi khỏi địa phương không rõ lý do; số gia đình có con em lấy chồng nước ngoài; số đối tượng có hoạt động dụ dỗ, lôi kéo người đi tìm việc làm trong và ngoài nước…
Qua đó phục vụ tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.
Để thực hiện mô hình, Công an xã và Hội LHPN xã phối hợp chọn bản Tam Bông làm điểm và nhân rộng ra toàn xã Tam Quang. Theo đó, câu lạc bộ (CLB) ra mắt và hoạt động hiệu quả, thu hút trên 70 hội viên tham gia.
Cùng với Ban chỉ đạo mô hình, Ban chủ nhiệm CLB thành lập và duy trì có hiệu quả các đợt sinh hoạt theo định kỳ với nhiều nội dung phong phú như: Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, xem phóng sự, giao lưu văn nghệ, đánh giá về kết quả hoạt động của CLB, trong đó tập trung vào công tác rà soát số hội viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình nhằm ổn định cuộc sống.
Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm, Ban chỉ đạo mô hình đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các thành viên tổ chức tuyên truyền tại các bản làng, các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chú trọng. Lực lượng Công an xã đã chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người. Thường xuyên nắm chắc số đối tượng nghi hoạt động liên quan đến mua bán người hoặc đưa người đi lao động bất hợp pháp, thống kê số đối tượng nghi phạm tội mua bán người để theo dõi.
Kết quả sau 2 năm thực hiện, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, làm rõ 2 vụ, 4 đối tượng phạm tội mua bán người, qua đó giải cứu 6 nạn nhân.
Xuân Thống - Trần Nhung