Văn hóa - Giáo dục
Lan tỏa chương trình 'Phòng giúp phòng, trường giúp trường'
08:53, 05/11/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Dù mới thực hiện 1 năm, song bằng nhiệt huyết, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của các đơn vị với nhau cho thấy hiệu quả bước đầu của chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” tại Nghệ An. Sự giúp đỡ của các đơn vị đã tạo nên động lực, đem lại luồng gió mới, không khí mới cho các đơn vị được giúp đỡ phấn đấu vươn lên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền.
Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh) hỗ trợ Trường THPT Tương Dương 1 (huyện Tương Dương) |
Các đơn vị đã hỗ trợ cả về cơ sở vật chất và chuyên môn giáo dục. Cụ thể, giúp đỡ các đơn vị khó khăn về đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nâng cao năng lực và vai trò của người hiệu trưởng trong trường học… Tổ chức được nhiều giờ thao giảng để trao đổi về nội dung, cách thức đổi mới phương pháp; tổ chức các buổi làm việc trao đổi phương pháp, cách thức dạy học, ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học...
Đơn cử như: Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng giúp đỡ TrườngTHPT Kỳ Sơn (2 giáo viên Sinh học, 1 giáo viên Vật lý được giúp đỡ đạt giáo viên giỏi tỉnh năm 2019); Trường THPT Lê Viết Thuật giúp Trường THPT Tương Dương 1 (2 giáo viên đạt giáo viên giỏi tỉnh, đạt tỉ lệ 100%); Trường Nguyễn Xuân Ôn giúp đỡ Trường THPT Mường Quạ; Trường THPT Hà Huy Tập giúp đỡ Trường THPT Quỳ Châu đạt nhiều kết quả tốt. Hay như Trường THPT Hà Huy Tập tặng 10 suất học bổng cho Trường THPT Quỳ Châu trị giá 5 triệu đồng và nhiều đồ dùng dạy học khác; Trường THPT Lê Viết Thuật hỗ trợ Trường THPT Tương Dương 10 triệu đồng cùng nhiều sách vở, xe đạp, bảng chống lóa; Trường THPT Nguyễn Duy Trinh hỗ trợ Trường THPT Tương Dương 2 nhiều đồ dùng phục vụ dạy học, sinh hoạt và 15 triệu đồng…
Trong một năm qua, bằng nội lực của các đơn vị và nguồn lực xã hội hóa đã huy động được gần 800 triệu đồng để hỗ trợ các đơn vị mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ dùng giáo viên, học sinh và hàng chục suất học bổng dành cho học sinh nghèo, khó khăn. Sự giúp đỡ giữa các đơn vị với các đơn vị khác đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của các giáo viên, người lao động trong toàn ngành. Đồng thời, chương trình đã tạo được sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục toàn diện; khơi dậy, phát huy được nguồn lực tinh thần, vật chất trong toàn ngành, tạo động lực thúc đẩy, góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Để nâng cao hiệu quả của chương trình, tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường" giai đoạn 2019 - 2022 vừa qua, các đơn vị bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về công tác chuyên môn, bởi hiện nay khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng miền núi và đồng bằng còn chênh lệch rất nhiều. Ngoài ra, các đơn vị nhận giúp đỡ cần tiếp tục hỗ trợ về việc đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học, xây dựng các chương trình tăng cường kỹ năng sống, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục trong việc giúp đỡ về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, hỗ trợ dạy học và sinh hoạt của học sinh và giáo viên vùng cao…
Trong thời gian tới, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song tin rằng, bằng nghị lực, lòng nhiệt huyết, tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng, mạnh mẽ và gặt hái được nhiều “quả ngọt” hơn nữa.
THU THỦY