Văn hóa - Giáo dục
Thu hút sinh viên theo học nghệ thuật truyền thống
16:19, 02/03/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Có đam mê nhưng môi trường học tập cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm hạn chế đã khiến cho các bạn trẻ không mấy mặn mà với các ngành nghệ thuật truyền thống. Đó cũng là một thực trạng khiến cho các trường nghệ thuật loay hoay tìm giải pháp thu hút học sinh, sinh viên.
Mấy năm trở lại đây, giới trẻ dự thi vào các trường nghệ thuật có ngành đào tạo về nghệ thuật truyền thống không nhiều mà ngày càng có xu hướng giảm. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An cho biết: Năm học này, trường có khoảng 800 học sinh, sinh viên, học viên (học văn bằng 2) theo học. Tuy nhiên, các em theo học bộ môn nghệ thuật truyền thống là rất ít và giảm dần so với các năm học trước. Hiện, 3 khóa học có khoảng 30 em, chủ yếu là các ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống bao gồm đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, sáo trúc... và biểu diễn nghệ thuật hát dân ca, múa...
Một buổi học đàn tranh của các học sinh tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An |
Một thực tế, hiện nay nhu cầu việc làm và giải quyết việc làm luôn là yêu cầu quan trọng và bức thiết. Nếu như không chọn con đường vào đại học bằng những ngành, nghề “hot” như kinh tế, ngân hàng, công nghệ thông tin... thì các bạn trẻ sẵn sàng từ bỏ giấc mơ giảng đường để theo học các trường đào tạo nghề, mong sau này có một việc làm đem lại thu nhập cao. Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ 4.0, giới trẻ đang ngày càng quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Với những học sinh, sinh viên, học viên theo học những ngành này đòi hỏi phải có niềm đam mê và năng khiếu. Thế nhưng, các trường lại yêu cầu cao về năng khiếu nghệ thuật. Bên cạnh đó, cơ hội tìm kiếm việc làm là không hề đơn giản.
Để trở thành một diễn viên, nhạc sĩ, nhạc công..., ngoài năng khiếu nổi bật cần có một sự kiên trì để trải qua quá trình học tập bài bản. Một số bạn sau khi tốt nghiệp ra trường không có “đất” diễn để thể hiện mình, nếu có xin được việc làm lại phải kiêm nhiệm những mảng, lĩnh vực khác chứ không thể chỉ hoạt động nghệ thuật nên phần nào bị mai một nghề. Đây cũng là thực trạng chung của các trường nghệ thuật trong cả nước.
Để góp phần giải quyết những khó khăn cho các bạn trẻ theo học các bộ môn nghệ thuật truyền thống, những năm trở lại đây, các trường nghệ thuật thực hiện Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 2/10/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Theo đó, giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật công lập và ngoài công lập. Đó là các ngành nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống; học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc...
Bộ VH-TT&DL cũng đã có những chính sách, hành động cụ thể nhằm tìm ra những người trẻ có đam mê nghệ thuật truyền thống để tuyển sinh, đào tạo. Theo đó, “Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2020” của Bộ VH-TT&DL đã được thực hiện.
Bên cạnh đó, các trường nghệ thuật cần thấy được những khó khăn mà mình đang gặp phải để đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của trường mình. Đối với Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, hiện nay chưa có ký túc xá dành cho các học sinh, sinh viên, tạm thời nhà trường phải bố trí phòng ở của giảng viên để ưu tiên cho các bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc ở các huyện xa xôi đến theo học.
Thời gian qua, nhà trường phối hợp với Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ tìm kiếm các “hạt nhân” thông qua các phong trào văn hóa, văn nghệ từ dưới cơ sở ở các câu lạc bộ dân ca ví, giặm. Ngoài ra, liên kết đào tạo diễn viên kịch hát dân ca nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường sẽ có việc làm ổn định, phù hợp với năng lực của bản thân.
Ngoài chương trình cứng của Bộ, nhà trường cũng đã có sự điều chỉnh chương trình một cách linh động nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của trường và yêu cầu đặt ra hiện nay của xã hội đối với các ngành nghệ thuật truyền thống. Tất nhiên, sự điều chỉnh này phải được Hội đồng Khoa học thẩm định, có ý kiến tham khảo của các đơn vị trường bạn và đặc biệt là ý kiến của các đơn vị sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh.
Song song với đó, nhà trường đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, tăng cường quảng bá về trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hàng năm, nhà trường trích từ quỹ thi đua khen thưởng để nâng mức học bổng và các chế độ nhằm động viên, khuyến khích các bạn học sinh, sinh viên. “Ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đầu tư các cơ sở vật chất, trang thiết bị, chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều trung tâm thực hành biểu diễn dành cho các bạn học sinh, sinh viên, học viên”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Đức cho biết thêm.
Nghệ thuật truyền thống luôn ẩn chứa nhiều giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại. Vì vậy, cần phải được bảo tồn, phát huy và phát triển. Hơn ai hết, giới trẻ chính là người “giữ lửa” nghệ thuật truyền thống. Và để thu hút những người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống cần phải có những chính sách đãi ngộ cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm từ phía các cấp, ban, ngành có liên quan.
Phan Tuyết