Văn hóa - Giáo dục

Bảo tồn trang phục dân tộc gắn với phát triển du lịch

07:17, 21/01/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của  ngành “công nghiệp không khói”, việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được coi là hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng. 
Phụ nữ dân tộc Thái huyện Kỳ Sơn trưng bày sản phẩm               dệt thổ cẩm truyền thống
Phụ nữ dân tộc Thái huyện Kỳ Sơn trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống
Bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc để trở thành sản phẩm du lịch, là một trong những nội dung quan trọng được Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đặt ra trong thời gian qua. Có thể thấy, trang phục truyền thống là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số, mang dấu ấn lịch sử, thể hiện giá trị nghệ thuật và tín ngưỡng riêng. 
 
Ngược lên miền Tây xứ Nghệ, nơi còn lưu giữ được sắc màu thổ cẩm. Những tấm khăn choàng, những chiếc váy mềm mịn, màu sắc bắt mắt với họa tiết hoa văn phong phú chiếm được tình cảm của khách miền xuôi cũng như các nước bạn. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, xu hướng thương mại hóa trong hoạt động du lịch cũng khiến nhiều nét đẹp văn hóa không còn được bảo tồn nguyên gốc. Trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc vốn là sản phẩm được làm thủ công bằng vải tự dệt, thêu tay tỉ mỉ, nay đã được thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hay trang phục may sẵn; không ít sản phẩm lưu niệm được gọi là đặc trưng vùng, miền lại được nhập về từ nơi khác.
 
Bên cạnh đó, một điều đáng lo ngại là các nghệ nhân biết dệt, may các bộ trang phục truyền thống ít dần. Nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số cùng với sự tác động của giao lưu văn hóa và hội nhập kinh tế nên các bộ trang phục mới hiện nay đã dần thay thế các bộ trang phục truyền thống. Thực trạng này đòi hỏi cần có những chính sách định hướng đi kèm giải pháp cụ thể để phát triển du lịch ở những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên cơ sở gìn giữ, tôn trọng những giá trị văn hóa vốn có.
 
 Mới đây, tại buổi tập huấn, hỗ trợ năng lực cho nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tỉnh Nghệ An năm 2019 do Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức, các học viên được tiếp nhận các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn văn hóa các dân tộc, những biến đổi trong trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số. Từ đó, nắm bắt kết quả đạt được, xu hướng biến đổi và tồn tại, hạn chế trong công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống. Trong đó, nhấn mạnh trang phục là tài nguyên du lịch nhân văn, cần nghiên cứu, bảo tồn, phát huy để trở thành sản phẩm du lịch.
 
Bên cạnh đó, thông qua buổi tập huấn, các học viên được trang bị kiến thức về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, những cơ hội và thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ngoài việc đang dần đánh mất đi ngôn ngữ truyền thống, linh hồn của văn hóa dân tộc là nguy cơ thất truyền của bản sắc âm nhạc, trang phục, không gian văn hóa. Từ đó, triển khai các giải pháp, trong đó phát huy bản sắc trong môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng; phát huy các yếu tố tích cực của thiết chế xã hội truyền thống các dân tộc. Đặc biệt, tập trung phát huy vai trò của người có uy tín như già làng, trưởng bản, người đứng đầu các dòng họ trong việc vận động con cháu, thành viên trong cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
 
Thiết nghĩ, trước mắt, muốn bảo tồn trang phục dân tộc để phát triển du lịch cần phải có những chính sách cụ thể thông qua các chương trình, dự án, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, hỗ trợ kết nối, xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm...                    

Phan Tuyết

Các tin khác