Văn hóa - Giáo dục

Lo ngại cạnh tranh không lành mạnh trong việc lựa chọn sách giáo khoa

10:31, 07/12/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Việc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam chi tiền thù lao cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam thuộc lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã dấy lên lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh trong việc chọn SGK.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các NXB có tiềm lực mạnh về tài chính “bắt tay” với các cơ quan quản lý giáo dục địa phương thì sẽ rất dễ nảy sinh “lợi ích nhóm”. Điều này dẫn đến quyền được chọn SGK của các trường sẽ bị hạn chế bởi những chỉ thị miệng, hoặc phải chịu nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý cấp trên.
 
Để chuẩn bị cho việc biên soạn, xuất bản SGK mới sau năm 2015, ngay từ cuối năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam đã có Quyết định số 778 về việc chi thù lao cho Ban Chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, 11 người của Sở, trong đó có ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở (Trưởng ban), Phó Giám đốc Sở (Phó Trưởng ban) và các ủy viên là Chánh văn phòng, Phó Chánh văn phòng, Trưởng phòng giáo dục phổ thông, Trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của hai phòng chuyên môn này.
 
Mức chi được áp dụng theo tháng cho Trưởng ban là 6 triệu đồng, Phó trưởng ban 5 triệu đồng, Ủy viên thường trực 4 triệu đồng và Ủy viên là 3,5 triệu đồng. Nguồn chi từ quỹ đầu tư xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam. Đến năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam có tiếp Quyết định số 04 về việc thành lập Ban Chỉ đạo và mức chi thù lao Ban Chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam.
 
Theo đó, số thành viên của ban chỉ đạo này vẫn là 11 người của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh; ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở vẫn là Trưởng ban. Ngoài ra, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên như năm 2015, đối với nhóm hỗ trợ thì mức thù lao là 2,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Thông tin với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: Từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, NXB đã tiến hành chuẩn bị về nhiều mặt để tổ chức biên soạn SGK mới.
 
Theo đó, NXB phối hợp với Sở GD&ĐT TPHồ Chí Minh tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam, bộ SGK được biên soạn bởi hầu hết các tác giả tại khu vực phía Nam. Do các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên, trên cơ sở đó, NXB Giáo dục Việt Nam đã cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.
 
 
Cần quy định rõ những điều các NXB được làm và không được làm trong việc chọn SGK.
Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cũng khẳng định việc nỗ lực đảm bảo chất lượng SGK mới là cách cạnh tranh lành mạnh, tôn trọng pháp luật, tôn trọng người dạy và người học. Vì việc lựa chọn SGK nào lệ thuộc vào việc các trường, các địa phương thấy bộ SGK nào phù hợp hơn, chất lượng hơn. Các nhà trường và địa phương sẽ lựa chọn SGK trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các NXB trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy-học.
 
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, với quy mô học sinh ba cấp (tiểu học, THCS, THPT) là 4,2 triệu/ 16,5 triệu học sinh cả nước, TP Hồ Chí Minh thực sự là nguồn cung SGK khổng lồ. Và từ việc “đi tắt, đón đầu” của NXB Giáo dục Việt Nam đối với các thị trường tiềm năng như TP.Hồ Chí Minh cho thấy, những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh trong việc lựa chọn SGK mới mà dư luận đặt ra không phải là không có cơ sở.
 
Nguyên Hiệu trưởng một trường đại học sư phạm từng chia sẻ với chúng tôi rằng, khi thực hiện một chương trình, một bộ sách thì không có cạnh tranh nhưng khi thực hiện nhiều SGK thì sẽ có cạnh tranh mà đã cạnh tranh thì cũng dễ phát sinh tiêu cực. Chẳng hạn, các NXB có tiềm lực về tài chính, quan hệ sẽ thuận lợi, chiếm ưu thế hơn trong chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình. Thậm chí, cũng có thể chi mạnh cho các hoạt động tiếp thị, chiết khấu mạnh tay hơn để thu hút các đối tác; chấp nhận bán SGK dưới giá thành để loại bớt đối thủ…
 
Trong cuộc cạnh tranh này, nếu bộ SGK nào ít được sử dụng hơn thì nhóm tác giả, NXB đó cũng sẽ dễ thua lỗ và sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Câu chuyện độc quyền SGK lại có nguy cơ tiếp tục tái diễn trong một hình thức mới.
 
Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho rằng: Cần phải làm rõ việc NXB Giáo dục Việt Nam trả thù lao cho lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh bản chất của nó là gì? Điều này có vi phạm các quy định pháp luật hiện hành hay không?
 
Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong dự thảo hướng dẫn chọn SGK mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận hiện nay chưa có quy định về việc các NXB được làm gì và không được làm gì? Do vậy, để hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh trong việc chọn SGK, Bộ GD&ĐT cần bổ sung thêm quy định cụ thể về những điều các NXB được làm và không được làm để đảm bảo thông tin trung thực về chất lượng sách, sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực SGK.
 
Bên cạnh đó, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ, Quốc hội giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt SGK, ban hành Thông tư hướng dẫn chọn SGK, chỉ đạo triển khai chương trình, SGK mới… Bộ GD&ĐT phải có động thái chấn chỉnh kịp thời đối với các NXB, các Sở GD&ĐT nếu để xảy ra vi phạm.
 
Ngoài ra, để tăng cường tính công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình chọn SGK, Bộ GD&ĐT cũng cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc công khai hồ sơ thẩm định SGK để các trường có thêm căn cứ lựa chọn. Các NXB cũng cần công bố chế bản SGK trên mạng để người đọc, đặc biệt là giáo viên, học sinh thuận lợi trong việc tiếp cận sách, từ đó có thể đưa ra các nhận xét, góp ý, so sánh giữa các cuốn sách và đỡ tốn tiền mua sách mẫu. Công nghệ thông tin hoàn toàn có thể ngăn chặn việc in lậu sách từ những chế bản này.

Nguồn: CAND

Các tin khác