Văn hóa - Giáo dục
Nhớ về mùa thu Cách mạng Tháng Tám...
(Congannghean.vn)-Đã 74 năm trôi qua nhưng dấu ấn về những ngày Cách mạng Tháng Tám quật khởi vẫn mãi in đậm trong tâm trí mỗi người dân. Tháng Tám năm 1945 - Tháng Tám của mùa thu cách mạng. Mùa thu năm ấy, cả dân tộc Việt Nam muôn người như một nhất tề đứng lên chống lại thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Cách mạng Tháng Tám là dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam |
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðã 74 năm trôi qua (19/8/1945 - 19/8/2019) nhưng mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mãi là niềm tự hào của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Theo đó, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta đã nhất tề vùng dậy giành chính quyền. Ngày 17/8/1945, Xứ ủy Bắc kỳ cùng với Thành ủy TP Hà Nội quyết định tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi vào ngày 19/8. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ các địa phương trong cả nước nổi dậy giành chính quyền. Ngày 23/8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhân dân đã nổi dậy chiếm các công sở và triều đình Huế, buộc vua Bảo Đại phải thoái vị. Ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam bộ, hàng triệu người của TP Sài Gòn xuống đường tỏa ra chiếm các vị trí quan trọng, thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn tạo khí thế cho các tỉnh Nam bộ vùng lên giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ thực dân nửa phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
73 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến nay, cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt và vượt qua nhiều thử thách lớn, giành thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước phát triển. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước hàng chục vạn nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Từ tổng kết kinh nghiệm lịch sử dân tộc, ngay từ năm 1942, trong cuốn sách nổi tiếng “Lịch sử nước ta”, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta”. Sử ta dạy cho ta bài học, khi nào dân ta đoàn kết thì độc lập nước nhà được giữ vững, nếu không đoàn kết thì độc lập nước nhà có nguy cơ bị xâm phạm. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri và những giá trị làm người cơ bản, mà giá trị số một là quyền được sống trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng cao đẹp, là kết quả của sự phát huy các nguồn lực con người, trí tuệ và của cải của chính nhân dân, nhằm giải phóng bản thân.
Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng, lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc". Thực tế là, việc chuẩn bị lực lượng đã được tiến hành từ 15 năm trước, kể từ ngày Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) và đảm nhận sứ mạng lãnh đạo cách mạng. Qua 15 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện về đường lối cách mạng đúng đắn, từng bước vận động, giáo dục và tổ chức tập hợp quần chúng, qua ba cao trào cách mạng lớn (1930-1931, 1936-1939, 1939-1945) như là những cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị lực lượng. Bước chuẩn bị đầy đủ tiếp theo và có ý nghĩa quyết định nhất là cao trào cứu nước 1939-1945.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi nhanh chóng là nhờ sự tài tình của Đảng và Bác Hồ trong nghệ thuật chỉ đạo và lãnh đạo cách mạng; sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, căn cứ địa, lực lượng cách mạng và việc dự đoán thời cơ, chớp lấy thời cơ... Với lực lượng đông đảo được tập hợp và rèn luyện đấu tranh trong tổ chức Việt Minh, với một Lãnh tụ dẫn đường xuất sắc, nhân dân Việt Nam đã đứng lên tự giải phóng mình chứ không hề ngồi yên trông mong, chờ đợi một “chỗ dựa chính trị” nào. Đảng, Bác Hồ đã nhận định đúng tình hình, đón đúng và tận dụng triệt để thời cơ lịch sử “ngàn năm có một” để giành thắng lợi trọn vẹn.
Thực tiễn lịch sử dân tộc nước ta trong suốt thời kỳ từ 1930-1945 và cao trào là Cách mạng Tháng Tám hoàn toàn trái ngược với luận điệu như một số người cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử rêu rao: “Cách mạng Tháng Tám thành công là một sự ăn may”… Những luận điệu hết sức thâm hiểm trên đều có chung mục đích nhằm phủ nhận thành quả, ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một sự ngụy tạo lịch sử, không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào.
Những ngày tháng Tám, trong niềm xúc động thiêng liêng, chúng ta lại được sống lại không khí hào hùng của những ngày lịch sử về “Mùa thu Tháng Tám”:
“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày
Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai
Mười chín tháng Tám khi quốc dân căm hờn kêu thét
Đứng lên cùng hô mau diệt tan hết quân thù chung…”
Càng trân trọng quá khứ hào hùng và âm vang lịch sử từ mùa thu lịch sử năm 1945, chúng ta càng thêm tin yêu vững vàng trên con đường hội nhập và phát triển bền vững, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. 74 năm nhìn lại,chúng ta càng hiểu hơn về sự kiện vĩ đại nhất của những ngày mùa thu Tháng Tám, càng thấy rõ hơn giá trị của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất để thấy rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ là giữ vững và phát huy tinh thần hào hùng ấy vào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuệ Trang