Văn hóa - Giáo dục

Luân chuyển giáo viên: Giải pháp xử lý thừa, thiếu cục bộ

09:01, 28/08/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Thực hiện luân chuyển, điều chuyển giáo viên như là một cách để cân đối tỉ lệ giáo viên và điều kiện công tác giữa các trường trong vùng. Đây là một giải pháp tối ưu trong bối cảnh đang thực hiện tinh giản biên chế để giữ cho giáo viên không bị mất việc. Thế nhưng, điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các giáo viên cũng như nhà trường.
Thừa, thiếu giáo viên cục bộ diễn ra ở nhiều địa phương                                         gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học
Thừa, thiếu giáo viên cục bộ diễn ra ở nhiều địa phương gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học
Năm học này cũng là năm thứ 4 thầy Nguyễn Duy Quang công tác tại Trường Mầm non Thạch Ngàn, huyện Con Cuông. Thầy Quang nguyên là giáo viên môn Toán, từng công tác tại Trường THCS Cam Lâm, sau đó là THCS Yên Khê. Năm 2016, thầy được điều về dạy tại Trường Mầm non Thạch Ngàn. Cùng chung với hoàn cảnh của thầy Quang, thầy Phạm Văn Chung đã có 15 năm dạy môn Lịch sử tại Trường THCS Thạch Ngàn. Năm 2018, thầy cũng được chuyển xuống dạy mầm non. Lạ lẫm, bỡ ngỡ nhưng rồi sau 1 năm học, thầy Chung được các cô khen “cho trẻ ăn rất khéo” lại còn hát hay, múa dẻo, tổ chức các nội dung học vận động cho trẻ rất hiệu quả.
 
Cô Nguyễn Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Ngàn cho biết, mặc dù mới đầu còn bỡ ngỡ, nhưng bản thân 2 thầy là những giáo viên có tâm huyết, nhiệt tình, yêu mến trẻ nên cũng không khó thích nghi. Được sự quan tâm từ phía nhà trường, hỗ trợ từ các giáo viên khác, đã giúp đỡ các thầy trong chăm và dạy trẻ. Ngoài chuyên môn, các thầy còn giúp đỡ nhà trường trong việc sửa chữa cơ sở vật chất, phụ trách các chương trình ngoại khóa, vận động… Dù vậy, nguyện vọng của 2 thầy vẫn là mong được trở lại THCS dạy học trong thời gian tới. Bởi theo các thầy, mỗi bậc học có đặc thù riêng, các thầy được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm ở bậc THCS. “Chúng tôi không muốn lãng phí năng lực chuyên môn của mình”, thầy Nguyễn Duy Quang chia sẻ.
 
Nói về việc bố trí giáo viên nam về công tác tại các trường mầm non, ông Lê Thanh An, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho hay, đó là cách làm bất đắc dĩ nhưng để đảm bảo giáo viên không bị mất việc. Đây là những giáo viên nằm trong diện hợp đồng của UBND huyện. Trong bối cảnh dôi dư giáo viên, họ có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng, cho nên năm 2016, Phòng đã lên phương án chuyển một số giáo viên THCS xuống dạy mầm non. Đây cũng là phương án nhằm tạo điều kiện cho những giáo viên hợp đồng lâu năm được biên chế vì bậc mầm non mới có thêm định biên. Theo đó, 3 năm qua, huyện Con Cuông đã giải quyết được 15 trường hợp giáo viên dôi dư bậc THCS. Trong đó, điều chuyển 6 giáo viên nam dạy THCS về dạy trường mầm non tại các xã: Thạch Ngàn, Chi Khê, Mậu Đức, Lạng Khê, Lục Dạ…
 
Cũng giống như các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu…, tại huyện Nghi Lộc, chủ trương điều động biệt phái giáo viên được triển khai từ nhiều năm nay, chủ yếu áp dụng cho giáo viên cùng bậc học từ vùng thuận lợi đến khó khăn. 2 năm gần đây, huyện phải điều động giáo viên ở bậc THCS xuống bậc tiểu học và biệt phái cả đối với giáo viên mầm non. Năm nay, toàn huyện có 82 giáo viên nằm trong diện biệt phái với nhiều đối tượng ở cả 3 bậc học. Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết, hiện huyện đang thiếu gần 300 giáo viên, trong đó riêng tiểu học thiếu hơn 200 giáo viên. Theo kế hoạch, số giáo viên biệt phái năm nay của huyện Nghi Lộc sẽ đi tăng cường trong 1 năm. Song, đây cũng chỉ là dự kiến và theo quy chế của huyện, giáo viên biệt phái có thể kéo dài từ 12 đến 36 tháng tùy nhu cầu từng đơn vị.
 
Như vậy, có thể thấy, việc điều động giáo viên nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ, đảm bảo cân bằng tỉ lệ giáo viên và điều kiện công tác giữa các trường trong vùng. Tuy nhiên, việc thường xuyên điều chuyển, luân chuyển khiến các nhà trường “bị động” trong bố trí công việc, bồi dưỡng giáo viên và cả về xây dựng kế hoạch dài hạn. 

Gia Khánh

Các tin khác