Văn hóa - Giáo dục

Văn hóa trong quảng cáo

09:03, 11/07/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Quảng cáo là một trong những yếu tố cần thiết trong việc kinh doanh và quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tạo nên giá trị văn hóa trong quảng cáo đòi hỏi một hệ thống những chuẩn mực xã hội, đảm bảo tính nhân văn, biểu hiện trong nội dung và hình thức biểu đạt của quảng cáo, tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Đại diện thương hiệu Coca - Cola đã có sự điều chỉnh sau chiến dịch quảng cáo mới đây
Đại diện thương hiệu Coca - Cola đã có sự điều chỉnh sau chiến dịch quảng cáo mới đây

Giữa tháng 4/2019, Công ty Masan sử dụng sản phẩm tương ớt Chinsu để “tạo hình” thành mô hình Lăng Bác cho quầy trưng bày sản phẩm khuyến mại tại siêu thị Lotte Liễu Giai (Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận, xuất hiện nhiều ý kiến, phần lớn không đồng tình với cách làm của doanh nghiệp này. Liên quan đến vụ việc có dấu hiệu vi phạm Khoản 5, Điều 8, Luật Quảng cáo về những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: “Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Trả lời trên một tờ báo, đại diện Masan cho biết, sản phẩm tương ớt Chinsu đã được các bạn PG sắp xếp mô phỏng theo hình Lăng Bác với tinh thần tưởng nhớ nhưng lại gây hiệu ứng ngược với người tiêu dùng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Hà Nội đã khẩn trương kiểm tra, làm rõ sai phạm và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan. Ngay sau đó, doanh nghiệp đã xử lý nhanh theo hướng “gỡ ngay mô hình trưng bày”.

Mấy ngày gần đây, dư luận đang xôn xao, gây nhiều ồn ã xung quanh slogan của Coca - Cola, hãng đồ uống có tiếng lâu năm này. Trước đó, vào dịp AFF Cup 2018, Coca - Cola Việt Nam tung bộ sưu tập lon nước ngọt phiên bản đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trong quảng cáo, nhãn hàng tiếp tục đưa hình ảnh những “chàng trai vàng” lồng ghép trong thông điệp “Mở lon Việt Nam”. Chiến dịch quảng cáo này đã nhận không ít chỉ trích của cộng đồng về việc sử dụng cụm từ này. Theo các nhà chuyên gia, thì đây là một câu tối nghĩa và lạm dụng tên quốc gia.

Trước vụ việc này, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL đã ban hành văn bản, trong đó nêu rõ việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại Khoản 3, Điều 8 và Khoản 1, Điều 19, Luật Quảng cáo. Để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo nêu trên, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các Sở VHTT&DL, VHTT kiểm tra, rà soát hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo Coca - Cola đã tiếp nhận và yêu cầu chỉnh sửa cụm từ trên. Đồng thời, yêu cầu tháo dỡ sản phẩm quảng cáo trong trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo đối với quảng cáo trên các phương tiện khác.

Tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng, đại diện thương hiệu Coca - Cola đã nhanh chóng làm việc cùng với các bộ phận liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính tuân thủ cao trong các nội dung quảng cáo sản phẩm của mình. Theo đó, Công ty đã nhanh chóng thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho chương trình khuyến mãi của sản phẩm Coca - Cola Việt Nam trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác.

Có thể thấy rằng, quảng cáo là một bộ phận hữu cơ của văn hóa trong phát triển. Bên cạnh những giá trị văn hóa phù hợp, mang bản sắc dân tộc, xuất hiện các giá trị văn hóa mới, hiện đại nảy sinh từ quảng cáo. Dù là chiến dịch quảng cáo với mục đích gì thì nội dung quảng cáo phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo. Đồng thời, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Điều đó được thể hiện ở trên nội dung, phương tiện quảng cáo, người dân đề cao giá trị thẩm mỹ, từ hình ảnh, màu sắc, âm thanh quảng cáo đến slogan quảng cáo.

Đứng trước thực trạng quảng cáo thiếu thẩm mỹ, thiếu đạo đức, tạo áp lực với công chúng và làm mất mỹ quan đô thị thì chủ các doanh nghiệp cần phải trang bị những kiến thức văn hóa thẩm mỹ, văn hóa truyền thống và tâm lý dân tộc; đặc biệt, cần có nhận thức về những sản phẩm quảng cáo phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức, lối sống của người Việt Nam, có như vậy nó mới tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Phan Tuyết

Các tin khác