Văn hóa - Giáo dục

Hà Tĩnh: Chi trả tiền dạy vượt giờ theo kiểu tùy thích

08:28, 31/07/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, nhiều giáo viên tiểu học trên địa bàn Thành phố Hà Tĩnh bức xúc việc thực hiện chế độ trả lương dạy vượt giờ của Phòng Tài chính kế hoạch. Họ cho rằng việc chi trả như hiện nay trên địa bàn thành phố là chưa hợp lý, còn làm theo kiểu tùy thích.

Mập mờ trong việc tính tiền phụ cấp dạy vượt giờ cho giáo viên

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trung bình tỷ lệ giáo viên (GV) tại trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày ở là 1,42 GV/lớp (còn thiếu 0,8 so với quy định 1,5GV/lớp), định mức của GV tiểu học 23 tiết/tuần. Thế nhưng, đa số các trường tiểu học trên địa bàn Thành phố (TP) Hà Tĩnh chưa đạt mức 1,42 GV/lớp. Cụ thể, trường TH Nam Hà (1,29 GV/lớp) thiếu 5 GV; Trường TH Hà Huy Tập (1,13 GV/lớp) thiếu 5,5 GV; Trường TH Nguyễn Du thiếu 2 GV; Trường TH Thạch Trung thiếu 2 GV; Trường TH Văn Yên thiếu 3 GV…

Dẫu vậy, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đảm bảo 100% HS tiểu học được học buổi 2 thì tất cả các trường trên địa bàn thành phố cũng như tỉnh Hà Tĩnh vẫn thực hiện chương trình dạy buổi 2. Trước kia, nguồn kinh phí chi trả dạy vượt giờ cho GV được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, huy động từ phụ huynh HS. Thế nhưng, từ năm 2015, sau khi cấm việc thu tiền buổi 2 thì  ngân sách tỉnh sẽ cấp đủ bù kinh phí chi trả cho GV theo tỷ lệ 1,5 GV/lớp.

Hàng năm dù UBND tỉnh đã có nguồn kinh phí cấp bổ sung về để chi trả tiền vượt giờ cho giáo viên, tuy nhiên phòng Tài chính Kế hoạch TP Hà Tĩnh lại tính toán tiền vượt giờ cho giao viên theo cách “riêng” cho các trường chưa hợp lý, khiến cho nhiều giáo viên bức xúc.

Cách tính tiền vượt giờ cho giáo viên 3 năm trở lại đây của phòng Tài chính kế hoạch chưa đúng theo thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính.

Cụ thể, theo thông tư liên tịch (TTLT) 07/2013: Tiền lương dạy thêm giờ/năm học bằng số giờ dạy thêm/năm học nhân với tiền lương 1 giờ dạy thêm; tiền lương 1 giờ dạy thêm bằng tiền lương 1 giờ dạy nhân với 150%. Tiền lương 1 giờ dạy đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề được tính theo công thức: (Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học/định mức giờ dạy trong năm) nhân với (số tuần dành cho giảng dạy hoặc dạy trẻ/52 tuần).

Thông tư 07/2013 đã quy định rõ là số tiền vượt giờ phải căn cứ trên mức lương cụ thể của giáo viên để tính toán. Thế nhưng, phòng tài chính lại có “luật” riêng. Mỗi năm, 2 lần lại chuyển về cho các trường một số tiền nhất định mà không hề căn cứ vào mức lương của các đơn vị khác nhau.

“Đúng ra, phòng tài chính phải căn cứ vào mức lương của giáo viên và số tiết vượt giờ cụ thể các trường để cân đối . Đằng này, phòng Tài chính lại tự quyết. Trong các cuộc họp tại phòng Giáo dục, tôi đã nhiều lần đề xuất ý kiến phòng Tài chính nên phối hợp phòng Giáo dục nên mời các hiệu trưởng và kế toán lên để tính toán mức lương của từng trường. Vì có trường GV trẻ nhiều, có trường giáo viên thâm niên nhiều rồi cân đối thì tỉ lệ nó sẽ chênh không đáng kể. Còn hiện nay, sự phân bố tiền vượt giờ  phụ thuộc hoàn toàn vào phòng tài chính. Thôi thì hàng năm họ phân về bao nhiêu thì chúng tôi chia cho anh em GV bấy nhiêu” – một hiệu trưởng bức xúc nói.

“Khi chúng tôi thắc mắc về cách tính tiền dạy vượt giờ chưa phù hợp với thông tư 07/2013 thì hiệu trưởng bảo anh chị em thông cảm do trên phân bổ về được chừng đó nên nhà trường cũng chỉ biết cân đối như thế. Cũng dạy số giờ tăng tiết giống nhau, mức lương giống nhau nhưng bạn tôi ở trường khác nhận chế độ cao hơn tôi gần 15.000 đồng/tiết” – một giáo viên chia sẻ.

Mặc dù đã có nhiều ý kiến của GV gửi UBND TP Hà Tĩnh về việc chi trả tiền tăng giờ nhưng vẫn chưa được giải quyết
Mặc dù đã có nhiều ý kiến của GV gửi UBND TP Hà Tĩnh về việc chi trả tiền tăng giờ nhưng vẫn chưa được giải quyết

Cũng theo thông tư 07/2013, đối tượng áp dụng của thông tư này là nhà giáo (kể cả nhà giáo làm công tác quản lý, kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội) thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Thế nhưng, theo phản ánh trên địa bàn TP Hà Tĩnh các nhà giáo làm công tác quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) lại không được nhận số tiền tăng giờ này. Một hiệu trưởng chia sẻ: “Số tiền được cấp về là trường chia hết cho giáo viên, hiệu trưởng và hiệu phó cũng không được hưởng số tiền đó. Đúng ra theo thông tư quy định thì làm quản lý cũng được hưởng số tiền thêm giờ nhưng thành phố không cho quản lý được nhận. Trên địa bàn Thành phố không trường nào quản lý được nhận, nếu nhận phòng tài chính họ xuống phạt . Vẫn biết là không đúng nhưng bọn chị cũng phải tuân theo tránh  bị trên làm khó, hay trù dập”.     

Tiền vượt giờ chia theo hình thức “cào bằng”

Thời gian qua, câu chuyện về việc chi trả trợ cấp dạy vượt giờ giữa các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Tĩnh đang là đề tài gây xôn xao. Các trường trên địa bàn có mức chi trả cao thấp khác nhau, tuy nhiên tất cả đều có một điểm chung giống nhau là được lãnh đạo trường chia theo hình thức "cào bằng”, không căn cứ vào chế độ được hưởng của từng người, chưa phản ánh đúng năng lực khiến cho nhiều GV bức xúc, không có động lực phấn đấu.

Mức chia bình quân trên địa bàn TP Hà Tĩnh là 52.000 đồng/tiết. Trong đó, có nhiều trường được hơn 50.000 đồng/tiết, có trường chưa được 50.000 đồng/tiết. Việc chia theo hình thức “cào bằng” này ở các trường là sai nguyên tắc trả tiền lương dạy thêm giờ. Theo thông tư liên tịch số 07/2013 nói rõ : Lấy tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo bao gồm: Mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Việc chi trả lương dạy vượt giờ nhằm đảm bảo quyền lợi cho GV. Tuy nhiên, cách tính toán của phòng Tài chính kế hoạch là chưa hợp lý nên gây ra nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên. Cho nên, để làm minh bạch sự việc trên , đề nghị UBND TP Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá lại quy trình và cách thực hiện của Phòng tài chính kế hoạch để cán bộ GV được đảm bảo quyền lợi, yên tâm công tác.

Thu Hường

Các tin khác