Văn hóa - Giáo dục
Sách và văn hóa đọc của phạm nhân
Các tin liên quan |
(Congannghean.vn)-Với những người đang thụ án trong các trại giam, đọc sách với họ không đơn thuần là giải trí mà đó là kênh thông tin quý giá để hiểu thêm về chế độ, quyền lợi mà mình được thụ hưởng, qua đó có thêm động lực, để phấn đấu cải tạo tốt. Sách còn là cánh cửa mở lối tương lai, định hướng nghề nghiệp cho họ ngay sau khi mãn hạn tù, trở về tái hòa nhập cộng đồng để không giẫm lên “vết xe đổ” của quá khứ.
Từ nhiều năm nay, cứ đến thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, tại thư viện và nhà văn hóa phạm nhân của các trại giam trong cả nước nói chung và ở Trại giam số 6 nói riêng, phạm nhân lại tìm đến sách để nắm bắt thông tin, tiếp thêm nghị lực và niềm tin thắp sáng ước mơ hoàn lương từ những trang sách cuộc đời. Thông qua đó, phong trào đọc sách trong trại giam thực sự đã được khơi dậy.
Ghi từ Hội thi “Phạm nhân giới thiệu, tuyên truyền và kể chuyện theo sách”
Ngày 18/3, tại Trại giam số 6 (Tổng cục VIII, Bộ Công an) đóng chân tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương đã diễn ra Hội thi “Phạm nhân giới thiệu, tuyên truyền và kể chuyện theo sách”. 24 phạm nhân được chia làm 4 đội đến từ 4 phân trại, đại diện cho hơn 3.500 phạm nhân đang thụ án tại đây đã biến sân khấu trở thành ngày hội sách thực sự.
Hoạt cảnh giới thiệu sách của phạm nhân tham gia Hội thi “Phạm nhân, giới thiệu, tuyên truyền và kể chuyện theo sách” ở Trại giam số 6 |
Trải qua 3 phần thi, những câu chuyện cảm động, những tấm gương vượt qua số phận, đứng lên làm lại cuộc đời và cả những cuốn sách chuyên về chính sách, pháp luật mới, liên quan đến quyền lợi của phạm nhân đã được chuyển tải một cách sáng tạo, dí dỏm, lôi cuốn và hấp dẫn.
Bằng hoạt cảnh vui nhộn, hài hước, phạm nhân Bùi Xuân Lâm (37 tuổi), hiện đang thụ án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã giới thiệu đến cho mọi người những cuốn sách có giá trị về mặt tư tưởng như “Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Vũ, NXB Thanh niên ấn hành năm 2008. Dù cuốn sách chỉ dày 95 trang nhưng qua lời giới thiệu của phạm nhân này thì đó “thực sự là một di sản vô cùng quý giá”.
Từng là giáo viên, rồi chuyên viên phòng giáo dục, phạm nhân Nguyễn Chính Biên (40 tuổi), thụ án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy, đã tiếp xúc với hàng trăm đầu sách khi còn ở ngoài xã hội. Song khi vào trại giam, anh không khỏi ngỡ ngàng trước tủ sách pháp luật mà mình chưa từng quan tâm đến.
Chính vì vậy, đến với Hội thi này, phạm nhân Biên đã tranh thủ giới thiệu cho hơn 400 phạm nhân có mặt tại Hội trường những điều khoản mới trong Bộ luật Hình sự 2015, Hiến pháp năm 2013 và những văn bản, chính sách pháp luật mới liên quan đến phạm nhân trong quá trình thụ án và khi mãn hạn tù.
Cũng thông qua Hội thi này, nhiều phạm nhân đã được biết đến các đầu sách về những tấm gương hướng thiện, vượt qua lầm lỗi để đứng dậy, làm lại cuộc đời như “Sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng” của nhiều tác giả, NXB CAND ấn hành năm 2013; “Những người từng một thời lầm lỡ” của nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học, NXB CAND; “Khát vọng hoàn lương”, “Gửi lời xin lỗi”…
Thông qua những cuốn sách này, nhiều tấm gương tự mình đứng dậy, làm lại cuộc đời sau vấp ngã và hiện đang thành đạt ngoài xã hội đã trở thành gương sáng, động lực thôi thúc các phạm nhân trên con đường tìm về nẻo thiện.
Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội Giáo dục, hồ sơ Trại giam số 6 cho biết: Thông qua Hội thi góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống thư viện, tủ sách trong trại giam mà Thư viện tỉnh Nghệ An đã có kế hoạch phát triển, luân chuyển đưa sách đến phục vụ phạm nhân.
Qua đây, góp phần hỗ trợ phạm nhân trong quá trình cải tạo có thêm kênh thông tin, giải trí hữu ích, giúp phạm nhân tự học, tự tu dưỡng, chấp hành nghiêm nội quy trại giam, cải tạo tốt để sớm tái hòa nhập cộng đồng.
Văn hóa đọc của phạm nhân
Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6 tâm sự, mấy năm gần đây, nhận thấy hiệu quả của việc đọc sách trong trại giam, Ban giám thị đã kêu gọi các cá nhân, tổ chức ngoài xã hội quyên góp, hỗ trợ để mang sách vào trại. Đồng thời, khuyến khích phạm nhân đọc sách để qua đó, vừa biết được các chế độ, chính sách, quyền lợi liên quan để phấn đấu, vừa tiếp thêm động lực từ những tấm gương sáng hoàn lương. Ngoài giờ lao động, cải tạo, phạm nhân đều có thể đến thư viện đọc sách.
Cùng với đó, những phạm nhân có nhu cầu đều được cán bộ phân trại tạo điều kiện để đăng ký mượn sách về đọc tại buồng giam. Cứ như vậy, dần dà đã tạo nên phong trào đọc sách. Đặc biệt, vào hai ngày cuối tuần, tại các nhà văn hóa phạm nhân ở mỗi phân trại, phạm nhân đến đọc và mượn sách rất nhộn nhịp.
Phạm nhân đọc sách tại Thư viện của Trại giam số 6 |
Cũng theo Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, hiện nay, Trại giam số 6 đang giam giữ, cải tạo hơn 3.500 phạm nhân, với nhiều thành phần, mức án khác nhau. Có nhiều phạm nhân có tư tưởng bi quan, chống đối; một số phạm nhân khác là người dân tộc thiểu số, mù chữ và hoàn toàn không nhận thức, nắm bắt được những quy định, chế độ, liên quan.
Tùy theo từng thành phần mà Ban giám thị có hình thức, giáo dục, dạy chữ và làm công tác giáo dục tư tưởng để phạm nhân yên tâm cải tạo. Hỗ trợ đắc lực cho việc này, ngoài công sức của cán bộ giáo dục, hướng phạm nhân tiếp cận với sách báo cũng là một cách để giúp họ tự soi rọi lại bản thân, qua đó có chí hướng cải tạo tốt.
Với hơn 3.000 đầu sách các loại, bước đầu Trại giam số 6 đã thành công trong việc xây dựng thư viện cho phạm nhân, trong đó chủ yếu được chia làm 3 mảng: Sách hướng nghiệp, giáo dục đạo đức, pháp luật, rèn luyện kỹ năng sống và dòng sách tiểu thuyết, văn học.
Hàng tháng, hàng quý, đơn vị đều phối hợp với Thư viện tỉnh luân chuyển, bổ sung các đầu sách mới. Việc tạo điều kiện cho phạm nhân đọc sách đã góp phần vào việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.
Phạm nhân Lê Văn Thái (44 tuổi) cho biết: Bản thân anh phạm tội liên quan đến ma túy, vào trại mới được hơn 2 tháng. Ban đầu, anh đọc sách theo kiểu chiếu lệ và chủ yếu đọc tiểu thuyết ngôn tình. Tuy nhiên, được bạn tù giới thiệu, bản thân đã thay đổi trong văn hóa đọc, khi hướng đến các loại sách giáo dục, hướng nghiệp và những tấm gương đứng dậy sau vấp ngã.
Còn với phạm nhân Hà Tuấn Duyệt (27 tuổi), phạm tội cưỡng đoạt tài sản, thụ án 15 năm tù, cầm trên tay cuốn “Những người từng một thời lầm lỗi” (NXB CAND) xúc động cho biết: “Bản thân em đã đánh mất tuổi thanh xuân chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật. Ngày đầu vào trại, tư tưởng hoang mang, dao động lắm. Nhưng chính những tấm gương làm lại cuộc đời được nhắc đến trong cuốn sách này đã nhắc nhở em phải biết phấn đấu để ngày về với gia đình, xã hội được ngắn lại”.
Với phạm nhân Trần Thị Hiền (24 tuổi), phạm tội liên quan đến ma túy, còn khoảng 2 tháng nữa là trở về với xã hội thì phấn khởi: “Biết ngày về đang đến gần, em đã tranh thủ đọc các loại sách hướng nghiệp và quyết định lựa chọn cho mình nghề làm đẹp. Em chọn nghề ngay từ trong trại giam để trở về không bỡ ngỡ và không sa vào con đường tội lỗi của quá khứ chỉ vì không có công ăn, việc làm”.
“Hãy cầm cuốn sách lên và đọc. Sách như một người bạn đồng hành, là tấm gương phản chiếu để chúng ta soi rọi lại bản thân mình, qua đó quay đầu để làm lại, bởi cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp phía trước”. Đó là thông điệp của phạm nhân Bùi Xuân Lâm, cũng là tiếng nói của phạm nhân ở Trại giam số 6 khi họ, qua những lầm đường lỡ bước trong lối rẽ phận người, đã kịp nhận ra giá trị thực của cuộc sống.
Có được điều ấy, một phần nhờ sách và văn hóa đọc mà những người làm công tác giáo dục ở đây đã dày công tạo dựng, vì một ngày mai tươi sáng.
Thiên Thảo - Phương Thủy