Trong nước

Thủ tướng chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế-Xã hội lần thứ 3

07:52, 05/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tại phiên họp này, các thành viên Tiểu ban nghe, cho ý kiến, thông qua các nội dung quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị, gồm chủ đề, kết cấu, đề cương sơ bộ và một số trọng tâm của Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chiều 4/3, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII của Đảng họp phiên thứ 3 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.

Cách đây một tháng, ngày 19/1, Tiểu ban đã họp phiên thứ 2. Tại phiên họp này, Thủ tướng đã kết luận một số nội dung, gồm chương trình, kế hoạch hoạt động của Tiểu ban; chủ đề của Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm; kết cấu của Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm; một số nội dung trọng tâm của Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm; phân công, đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các chuyên đề nghiên cứu; quy chế hoạt động của Tiểu ban.

Ngay sau cuộc họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Tiểu ban cùng Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao theo kết luận của Thủ tướng, Trưởng Tiểu ban. Đến nay, về cơ bản, các công việc Thường trực Tiểu ban, đặc biệt là cơ quan thường trực và tổ biên tập đã hoàn thành để bảo đảm tiến độ. Cụ thể, Thủ tướng, Trưởng Tiểu ban đã có quyết định ban hành kế hoạch quy chế hoạt động của Tiểu ban; giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định phân công, đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với 41 chuyên đề nghiên cứu cho 58 bộ, ngành, địa phương, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, đồng thời rà soát, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của Tiểu ban.

Tại phiên họp này, các thành viên Tiểu ban nghe, cho ý kiến, thông qua các nội dung quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị, gồm chủ đề, kết cấu, đề cương sơ bộ và một số trọng tâm của Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm.

Về chủ đề Chiến lược, tại phiên họp thứ 2, Tiểu ban đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Thường trực Tổ biên tập đã thảo luận, rút gọn từ 10 phương án còn 5 phương án. Mặc dù trong quá trình nghiên cứu, tổng kết, xây dựng Chiến lược, chủ đề của Chiến lược vẫn sẽ tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận. Thủ tướng đề nghị tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban cho ý kiến, lựa chọn các phương án để trình Bộ Chính trị.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về kết cấu Chiến lược 10 năm, tại phiên họp lần trước, các thành viên Tiểu ban đã thảo luận, cơ bản thống nhất phương án gồm các phần về tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế, quan điểm phát triển, mục tiêu chiến lược, các đột phá chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và đặc biệt là phần tổ chức thực hiện. Nhiều ý kiến cho rằng, đột phá chiến lược cần được tách ra thành một phần riêng để nhấn mạnh tính đổi mới, sáng tạo, bứt phá quyết liệt. Tại phiên họp này, các thành viên Tiểu ban tiếp tục đóng góp ý kiến về kết cấu này.

Lắng nghe các phát biểu của các thành viên Tiểu ban, kết luận phiên họp, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ biên tập, trực tiếp chỉ đạo bộ phận thường trực Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, trình Bộ Chính trị. Sau đó, chuẩn bị đề cương chi tiết một cách bài bản, khoa học, hệ thống, chất lượng.

Nhấn mạnh ý nghĩa, trách nhiệm của việc xây dựng các văn kiện của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu xây dựng các văn kiện tốt nhất về định hướng phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về kết cấu đề cương sơ bộ, Thủ tướng nhất trí, cần chỉ ra tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế với các thời cơ, điểm nghẽn nội tại, xu hướng, yếu tố mới ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển trong giai đoạn tới. Theo Thủ tướng, cần làm rõ hơn, bổ sung nội hàm mới cho phù hợp với tình hình mới về các đột phá chiến lược như thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cần bổ sung đột phá phát triển khoa học công nghệ hay đổi mới sáng tạo, coi đây là nền tảng quan trọng để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phải làm nổi bật việc thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu như kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, huy động các nguồn lực cho phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Con người được coi là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu, là mục tiêu của phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ sáng tạo cá nhân. Chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là những quan điểm cần đặt ra.

Nhấn mạnh phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng của kết cấu nội dung, Thủ tướng đặt vấn đề, giải pháp nào mang nội hàm sâu sắc nhất. Đối với nội dung về tổ chức thực hiện, cần quán triệt tinh thần tư tưởng chiến lược, kế hoạch đến các tổ chức Đảng, Đảng viên, quần chúng nhân dân mà còn giao nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đôn đốc, theo dõi và tổ chức đánh giá, kiểm tra.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, viện, trường đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu 41 chuyên đề phải hoàn thành đúng hạn, bảo đảm chất lượng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp các tư liệu, dữ liệu liên quan, làm cơ sở, căn cứ xây dựng văn kiện. Tổng cục Thống kê sớm tổng hợp bộ số liệu chung về kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2020, bảo đảm độ xác thực, làm cơ sở cho xây dựng các văn kiện của Đại hội Đảng XIII, trong đó có Tiểu ban Kinh tế-Xã hội.

Nguồn: Đức Tuân/Chinhphu.vn

Các tin khác