Thứ Ba, 15/10/2024, 15:18 [GMT+7]

Hoàn thiện pháp luật về dữ liệu, giúp người dân thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số

Chiều 14/10/2024, tiếp tục Phiên họp thứ 38, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu. Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tham dự phiên họp, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án luật.

    Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, chuyển đổi số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
     

    Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày Tờ trình tại phiên họp.
    Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày Tờ trình tại phiên họp.


    Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định có tính định hướng quan trọng về phát triển dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin trong chuyển đổi số ở nước ta như: Chiến lược dữ liệu quốc gia; Đề án xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    "Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số" - Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

    Về cơ sở thực tiễn, theo Bộ trưởng, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; Đạo luật dữ liệu Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu…, qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

     

    Các đại biểu tham dự phiên họp.
    Các đại biểu tham dự phiên họp.


    Ở nước ta, quán triệt, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như, một số bộ, ngành không có hoặc có nhưng chưa đầy đủ hạ tầng để triển khai các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi phục vụ cho các công tác nghiệp vụ; nhiều cơ sở dữ liệu được thu thập, lưu trữ trùng lặp, chồng chéo, chưa thống nhất về danh mục dữ liệu dùng chung gây khó khăn khi kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu; các trung tâm dữ liệu đầu tư thiếu đồng bộ, không đồng nhất về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không thường xuyên được kiểm tra, bảo trì, nâng cấp dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống...

    Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay, ví dụ như: Đan Mạch, Nhật Bản, Trung Quốc... Do vậy, việc định hướng xây dựng, phát triển Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia với vai trò là trụ cột dữ liệu chính để tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ số, thúc đẩy kinh tế số và hình thành xã hội số ở nước ta là rất cần thiết; giúp tạo lập, hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước, từ đó triển khai các giải pháp kết nối để chia sẻ, sử dụng lại và phát triển các mô hình/ứng dụng phân tích dữ liệu chuyên sâu để tạo ra nhiều giá trị mới, sản phẩm dịch vụ mới và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển đổi số.

     

    Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận.
    Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận.


    Thêm vào đó, việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng, lưu trữ thông tin trong Cơ sử dữ liệu tổng hợp quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều so với việc đầu tư các hệ thống riêng biệt để lưu trữ các thông tin này. Các thông tin được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia cũng sẽ được chia sẻ phục vụ để việc khai thác chung cho các bộ, ngành, địa phương; cơ quan quản lý dữ liệu không phải thiết lập thêm các kênh kết nối, chia sẻ riêng đối với các thông tin đã được bổ sung, lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia...

    Do vậy, việc xây dựng Luật Dữ liệu là hết sức quan trọng, cần thiết để bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý Nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

    Dự thảo luật gồm 7 chương, 67 điều, trong đó quy định về nguyên tắc xử lý và bảo vệ dữ liệu; nội dung quản lý nhà nước về dữ liệu; người làm công tác dữ liệu trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; hợp tác quốc tế về dữ liệu; các hành vi bị nghiêm cấm. Xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu...

    Tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu

     

    Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp.
    Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại phiên họp.


    Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Uỷ ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước để đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tăng cường sự thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả dữ liệu trong phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.

    UBQPAN nhận thấy, nội dung của dự thảo luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để xác định nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất phương án xử lý để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

    Dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là nguồn lực, vừa là động lực để phát triển sản xuất

    Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc khẩn trương, tích cực xây dựng, hoàn thiện dự án luật, kỳ vọng dự án luật này khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tạo nên một hệ thống dữ liệu tập trung, thống nhất, đồng bộ, rất khổng lồ, trở thành "kho tài sản vô giá" của Nhà nước ta.

     

     Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại phiên họp.
    Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại phiên họp.


    Đề cập việc nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác và sử dụng dữ liệu; quản lý, khai thác, vận hành dữ liệu không phải là vấn đề mới đối với nước ta, nhưng quy định tập trung, thống nhất trong một đạo luật là vấn đề mới trong hoạt động lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những nước có thể chế chính trị, kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam.

    Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ đồng tình, đánh giá cao Cơ quan soạn thảo đã tích cực, khẩn trương hoàn thành dự án luật khó, chuẩn bị kỹ lưỡng, dày dặn, đủ điều kiện trình Quốc hội; nhất trí với các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN).

     

     Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
    Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp.


    Theo ông, trước đây Chính phủ đề nghị thông qua dự án Luật Dữ liệu tại 2 kỳ họp, song ngày 5/10/2024, Ban Cán sự Đảng Chính phủ có văn bản gửi Văn phòng Trung ương đề xuất việc báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến để Quốc hội xem xét, thông qua Luật Dữ liệu theo quy trình 1 kỳ họp do đây là dự án luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số, tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin..."Chính phủ có đề nghị như vậy, tôi báo cáo thêm để UBTVQH cho ý kiến về vấn đề này, trên cơ sở cấp có thẩm quyền cho ý kiến chúng ta sẽ triển khai".
     

    Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy thảo luận tại phiên họp.
    Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Lê Quang Huy thảo luận tại phiên họp.


    Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của Cơ quan chủ trì soạn thảo đối với một dự án luật khó. Đồng ý với sự cần thiết và mục đích việc xây dựng dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT cho rằng, đáng lẽ luật này nên được ban hành từ lâu, tạo cơ sở pháp lý quan trọng đẩy mạnh việc xây dựng và quản lý dữ liệu.

    "Dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là nguồn lực, vừa là động lực để phát triển sản xuất và rất cần có một đạo luật chung để có thể điều chỉnh thống nhất tất cả các hoạt động liên quan đến dữ liệu", ông nêu quan điểm, đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo có thêm quy định về dữ liệu mở để huy động được nhiều nguồn lực của xã hội, cá nhân, cộng đồng; làm rõ các nội hàm về quản lý trao đổi dữ liệu xuyên biên giới...

    Luật Dữ liệu không mâu thuẫn, chồng chéo với các dự án luật khác

    Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Dữ liệu, Bộ trưởng Lương Tam Quang chân thành cảm ơn các ý kiến của UBTVQH, khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp UBQPAN, Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, đảm bảo cả về nội dung và kỹ thuật.
     
    Về ý kiến băn khoăn dự án Luật Dữ liệu mâu thuẫn, chồng chéo với một số dự án luật khác, Bộ trưởng Lương Tam Quang lý giải: Luật Giao dịch điện tử chủ yếu tập trung quy định về kết nối, liên thông, ứng dụng dữ liệu trong các giao dịch điện tử, còn Luật Dữ liệu tập trung quy định các nội dung mang tính cụ thể về hoạt động xử lý dữ liệu, chiến lược dữ liệu, quản trị và điều phối dữ liệu và việc áp dụng chung đối với tất cả các dữ liệu ở cơ quan Nhà nước. Luật này cũng sẽ góp phần hoàn thiện, bổ sung đầy đủ những quy định pháp luật, điều chỉnh các hoạt động liên quan đến dữ liệu.

    Liên quan Luật Công nghiệp công nghệ số, chủ yếu tập trung về hoạt động của công nghiệp công nghệ số, sử dụng dữ liệu số để phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số; trong khi Luật Dữ liệu sẽ điều chỉnh toàn diện đối với việc khai thác, phát triển các sản phẩm, dịch vụ và dữ liệu liên quan phân tích, tổng hợp dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, sàn giao dịch dữ liệu. "Các sản phẩm, dịch vụ này không trùng lặp với sản phẩm của Luật Công nghiệp công nghệ số mà sẽ là công cụ quan trọng để thúc đẩy hoạt động công nghiệp công nghệ số. Trong quá trình xây dựng luật, Cơ quan soạn thảo cũng sẽ tiếp tục rà soát, đối chiếu với các pháp luật có liên quan để chỉnh lý làm sao bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật", Bộ trưởng khẳng định.
     
    Liên quan vấn đề phát triển và quản trị dữ liệu, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý để quy định rõ việc quản lý, sử dụng đối với các dữ liệu do các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, và sẽ xử lý dữ liệu do các cá nhân hoặc các tổ chức khác thu thập, tạo lập, tạo thuận lợi cho việc kết nối và chia sẻ dữ liệu.

    Cần thiết hình thành Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia

    Về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng thông tin, ngân sách Nhà nước (NSNN) bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển dữ liệu còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc lập quỹ nhằm thúc đẩy ứng dụng dữ liệu, mức độ chuyển đổi số ở các vùng, miền, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt là việc nghiên cứu giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu. Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ có những quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động được nguồn lực xã hội cho xây dựng và phát triển dữ liệu quốc gia.

    "Khi tôi được Bộ Chính trị phân công làm Chủ tịch Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, làm việc với các nước trên thế giới, họ sẵn sàng ký kết, chia sẻ những vấn đề về an ninh mạng và những vấn đề mới nổi. Hoạt động của hiệp hội hoàn toàn từ kêu gọi xã hội hoá, các nguồn lực khác. Việc hình thành quỹ này là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Chúng tôi sẽ rà soát, chỉnh lý, quy định rõ nguyên tắc hoạt động của quỹ, đảm bảo không vì mục đích lợi nhuận, quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng, triển khai, khai thác, ứng dụng quản trị dữ liệu mà ngân sách Nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu" - Bộ trưởng nêu thực tế và cho rằng, hoạt động của Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia cũng sẽ không trùng lặp với các loại quỹ khác.

     

    Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.
    Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.


    Về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 25), Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo luật để đồng bộ, thống nhất với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết các quy trình để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật...

    Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu; đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án luật của Chính phủ và Cơ quan soạn thảo, dù thời gian gấp nhưng hồ sơ cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; UBQPAN tích cực phối hợp ngay từ đầu và đã tổ chức thẩm tra với nhiều ý kiến phân tích, phản biện rất toàn diện và cụ thể.

    "UBTVQH thấy rằng đây là một dự án luật khó, tác động sâu sắc đến quá trình chuyển đổi số, nhiều vấn đề mới đang hình thành, phát triển, chưa có cơ sở thực hiện, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, báo cáo thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 theo quy định. Trong trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định thông qua trong 1 kỳ họp thì tập trung dồn sức để có thể thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục rút gọn của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

     

    .

    Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an