Quốc tế

Thế giới tuần qua: Quan hệ Mỹ - Iran gia tăng căng thẳng do sự cố vịnh Oman

15:34, 16/06/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Quan hệ Mỹ - Iran gia tăng căng thẳng do sự cố vịnh Oman, hơn 600 công ty Mỹ kiến nghị chính quyền giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc, Tổng thống V.Putin nhận định mối quan hệ Nga - Mỹ đang xấu đi, Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo có thể diễn ra trong tháng 6/2019...

Quan hệ Mỹ - Iran gia tăng căng thẳng do sự cố vịnh Oman

Mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đang gia tăng căng thẳng sau khi Washington cáo buộc Tehran tấn công hai tàu chở dầu trên vịnh Oman, còn phía Iran lại coi đây là một “sự cố đáng ngờ” diễn ra vào đúng thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang có chuyến thăm lịch sử tới Iran để làm trung gian hòa giải cho căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông.

Một trong hai tàu bị cháy trên vịnh Oman ngày 13/6. (Ảnh: Reuters)
Một trong hai tàu bị cháy trên vịnh Oman ngày 13/6. (Ảnh: Reuters)

Sáng 13/6, tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy, và tàu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo vận hành được cho là đã "bị tấn công" trên vịnh Oman, có thể bằng ngư lôi hoặc bằng mìn từ tính. Được biết tàu Front Altair chở 75.000 tấn naphtha, một loại nhiên liệu hydrocarbon dạng lỏng, trong khi tàu Kokuka Courageous chở 25.000 tấn methanol. Các thủy thủ trên hai con tàu này đều được cứu sống và chỉ có 1 người bị thương.

Sau sự việc trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã quy kết trách nhiệm cho Iran mà không đi kèm theo bằng chứng cụ thể.

Tháng trước, 4 tàu chở dầu khác cũng bị tấn công ở ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Mỹ cũng đã cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công trên. Tuy nhiên, Iran đã lên tiếng bác bỏ.

Ngày 14/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập để xác minh sự việc trên. Ông cho rằng “thế giới không thể chấp nhận một cuộc đối đầu nghiêm trọng ở vùng Vịnh.”

Hơn 600 công ty Mỹ kiến nghị chính quyền giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc

Hơn 600 công ty Mỹ ngày 13/6 đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump giải quyết các tranh chấp thương mại với Trung Quốc, cảnh báo thuế quan mà chính quyền của ông đặt ra đang làm tổn hại lớn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi rất lo ngại về sự leo thang của các hành động áp thuế trả đũa lên nhau. Chúng tôi bước đầu nhận thấy rằng việc áp thuế bổ sung sẽ gây ra những tác động lâu dài, tiêu cực và to lớn lên các doanh nghiệp Mỹ, người nông dân, gia đình và cả nền kinh tế Mỹ”, các công ty cho hay.

“Thuế quan được áp dụng rộng rãi không phải là một công cụ hiệu quả nhằm thay đổi các hoạt động thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc. Các áp thuế được áp dụng sẽ là hình phạt trực tiếp lên các công ty Mỹ chứ không phải Trung Quốc”, các công ty này cho biết thêm.

Đây là một trong những bức thư mới nhất của chiến dịch “Tariffs Hurts the Heartland” (Thuế quan làm hại đất nước), một chiến dịch quốc gia phản đối các hoạt động áp thuế, được sự ủng hộ của hơn 150 doanh nghiệp đại diện cho ngành nông nghiệp, chế tạo sản xuất, bán lẻ và công nghệ Mỹ đã được gửi lên chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Bức thư được gửi đến trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ diễn tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 28-29/6 tại Osaka, Nhật Bản.

Tổng thống V.Putin nhận định mối quan hệ Nga - Mỹ đang xấu đi

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mir TV, ngày 13/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định mối quan hệ Nga-Mỹ đang ngày càng xấu đi, đồng thời chỉ rõ một thực tế rằng chính quyền đương nhiệm của Mỹ đang áp đặt hàng chục lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Tổng thống Vladimir Putin nhận định mối quan hệ Nga - Mỹ đang ngày càng xấu đi. (Ảnh: Sputnik/Grigory Sysoev)
Tổng thống Vladimir Putin nhận định mối quan hệ Nga - Mỹ đang ngày càng xấu đi. (Ảnh: Sputnik/Grigory Sysoev)

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Putin bày tỏ hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) sắp diễn ra ở Nhật Bản sẽ mở ra cơ hội để Nga và Mỹ đạt được những giải pháp nhằm thiết lập môi trường phù hợp cho các hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước.

“Chúng tôi thực sự hy vọng rằng hai bên sẽ cùng đưa ra một nhận thức chung. Tôi hy vọng rằng, cùng với những đối tác của tôi, trong đó có cả các đối tác Mỹ, chúng tôi sẽ có thể đưa ra một số giải pháp như là một phần kết quả trong Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới, đóng vai trò xây dựng và thiết lập những điều kiện ổn định cho các hoạt động hợp tác kinh tế… Các mối quan hệ đang ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu. Trong những năm qua, chính phủ đương nhiệm của Mỹ đã đưa ra một số quyết định liên quan tới biện pháp cấm vận nhằm vào Nga” – ông Putin nói.

Đây là thông điệp được người đứng đầu điện Kremlin đưa ra chỉ ít ngày trước khi ông và Tổng thống Mỹ D.Trump sẽ có cơ hội gặp gỡ trực tiếp khi hai nhà lãnh đạo cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng này. Cách đây ít lâu, Tổng thống Mỹ D.Trump cũng đã khẳng định ông sẽ gặp gỡ người đồng nhiệm Nga bên lề sự kiện này.

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo có thể diễn ra trong tháng 6/2019

Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư trong tháng 6/2019 không phải là “điều bất khả thi” và điều này phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong tháng 6/2019 không phải là điều
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều trong tháng 6/2019 không phải là điều "bất khả thi" (Ảnh: Yonhap)

Đây là thông điệp được Tổng thống Moon Jae-in đưa ra trong cuộc Họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nauy Erna Solberg tại Oslo, ngày 13/6.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về cơ hội gặp lại giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bối cảnh nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang chuẩn bị tiến hành Hội nghị thượng đỉnh với người đồng nhiệm Mỹ D.Trump tại Seoul trong tháng này, ông Moon Jae-in cho biết: “Đây là điều mà ông không thể biết trước. Song kinh nghiệm cho thấy, hai miền Triều Tiên có thể thu xếp tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh một cách nhanh chóng. Và thời điểm cụ thể sẽ do nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quyết định”.

Nhận định về triển vọng nối lại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được Tổng thống Moon Jae-in đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang có dấu hiệu “nguội lạnh trở lại” sau một năm ghi nhận nhiều diễn biến tích cực.

“Thỏa thuận Brexit là hiệp ước duy nhất để rút lui có trật tự”

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU) Michel Barnier ngày 14/6 tái khẳng định thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, do Thủ tướng Anh Theresa May đàm phán với Brusels, là “hiệp ước duy nhất có thể rút lui một cách có trật tự”.

Ông Michel Barnier (Ảnh: AFP)
Ông Michel Barnier (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Thượng viện châu Âu, ông Barnier tuyên bố nêu rõ: “Tôi nhắc lại rằng nếu Vương quốc Anh vẫn muốn rời Liên minh châu Âu (...) thì hiệp ước hiện đang trên bàn đàm phán này là hiệp ước duy nhất có thể rút lui một cách trật tự”.

Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU cho biết đang chờ đợi Anh bổ nhiệm Thủ tướng mới, đồng thời bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo Anh sẽ chú trọng tới vai trò của các quốc gia thành viên EU.

Ban đầu dự kiến vào ngày 29/3 song việc Anh rời khỏi EU đã bị hoãn hai lần vì sự phản đối của Nghị viện đối với thỏa thuận rút lui do Thủ tướng Theresa May đàm phán. Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu đã nhất trí trì hoãn thời điểm Anh rời khỏi khối này tới 31/10/2019 là muộn nhất.

Các phe phái tại Sudan nhất trí nối lại đàm phán

Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan (TMV) và Các lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) đối lập đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán về Hội đồng Chủ quyền và việc chấm dứt căng thẳng leo thang.

Hòa giải viên người Ethiopia - ông Mohamoud Dirir phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: Sudan Tribune)
Hòa giải viên người Ethiopia - ông Mohamoud Dirir phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: Sudan Tribune)

Trong cuộc họp báo tổ chức ngày 11/6, đặc phái viên của Thủ tướng Ethiopia – ông Mohamoud Dirir, người giữ vai trò trung gian hòa giải cho biết, ông đã có các cuộc thảo luận riêng với người đứng đầu TMC và các thủ lĩnh của FFC để tạo điều kiện nối lại các cuộc đàm phán.

Ông cho biết, hai bên đã nhất trí “kiềm chế các tuyên bố có tính kích động” và tạo một môi trường thuận lợi trước khi nối lại các cuộc đàm phán. Theo đó, TMC nhất trí thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, bao gồm việc thả các tù nhân chính trị và FFC nhất trí bãi bỏ chiến dịch “bất tuân dân sự”.

Sau cuộc tấn công của lực lượng chức năng nhằm vào địa điểm biểu tình chính vào ngày 3/6 làm hơn 100 người thiệt mạng, các nhà lãnh đạo phe biểu tình ngày 8/6,  ã phát động chiến dịch “bất tuân dân sự” trên quy mô cả nước. Trong 3 ngày diễn ra chiến dịch “bất tuân dân sự”, thủ đô Khartoum gần như tê liệt khi hầu hết doanh nghiệp tại Sudan đã dừng hoạt động và người dân không tham gia vào bất cứ một hoạt động xã hội nào./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Các tin khác