Quốc tế

Cuộc chiến chống IS ở Iraq

Chiến thắng hay thất bại đau đớn của Mỹ?

09:58, 31/01/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã tuyên bố chiến thắng trước Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 9/12/2017. Trong khi vẫn còn các cuộc giao tranh, thì cuộc chiến tranh thực sự đã kết thúc.

Không có các cuộc diễu hành, không có tượng đài bị kéo đổ, không có những khoảnh khắc “Nhiệm vụ hoàn thành”. Một sự kiện mà vài năm trước có thể đặt Mỹ ở trang nhất nhộn nhịp lại chẳng có lấy một dòng đăng tải trên trang cá nhân của Tổng thống.

cuoc chien chong is o iraq chien thang hay that bai dau don cua my hinh 1
Người Iraq ăn mừng chiến thắng trước IS tại quảng trường Tahrir ngày 10/12/2017. Ảnh: Reuters

Đó là bởi ở Washington, chẳng có gì nhiều để mà ăn mừng. Mốc quan trọng lớn tiếp theo cho Iraq sẽ là các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018. Khi đó, con đường của Iraq thời hậu IS trở nên rõ ràng hơn. Trong khi đó, điều còn chưa rõ ràng sẽ là liệu chiến lược đánh bại IS có thành công và liệu các cuộc chiến của Mỹ ở Iraq cuối cùng có kết thúc hay không.

Ảnh hưởng không còn như xưa

Điều nhận thấy rõ nhất là tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq đã không còn như trước. Hai ứng cử viên chính cho cuộc bầu cử là đương kim Thủ tướng Abadi, và cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki. Cả hai đều xuất phát từ đảng Dawa theo dòng Shi’ite và cả 2 đều có mối quan hệ gần gũi với Iran.

Cựu Thủ tướng Maliki, từng là “niềm hy vọng” của Mỹ trong các cuộc bầu cử Iraq năm 2006 và 2010. Tuy nhiên, ông không làm được gì nhiều trong việc đoàn kết người Sunni-Shi'ite-Kurd khắp Iraq và lại có vai trò lớn trong việc Mỹ rút các lực lượng tại đây vào năm 2011.

Với sự thao túng của Mỹ, năm 2014, Thủ tướng Abadi lên nắm quyền thay ông Maliki - một đồng minh thân cận của Iran vốn bị chỉ trích mạnh mẽ vì sự thất bại của quân đội trước IS.

Bất chấp sự kỳ vọng từ Mỹ khá lớn, ông Abadi lại có ít nỗ lực nhằm hội nhập người Sunni (vốn thân Mỹ) vào hệ thống pháp luật Iraq chủ yếu của người Shi’ite, nền tảng tối thiểu cho một Iraq thống nhất. Ông không tạo ra các cơ hội kinh tế cho người Sunni. Ông Abadi cũng có những đường hướng cứng nhắc và mối quan hệ thân hơn với Iran (do người Shi’ite đứng đầu).

Không quá mặn mà

Mỹ vẫn bắt tay với chính quyền của Thủ tướng Abadi để tiêu diệt IS. Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ ở Iraq là tiêu diệt cho đến khi không còn bóng dáng của IS bên trong Iraq, sau đó để cho Iran và người Shi’ite tại Iraq làm điều mà họ muốn với người Sunni. Đây là phần khác đi so với cuộc chiến Iraq 2003-2011. Mỹ sẽ không để tâm tới chính trị nội bộ Iraq, ngay cả khi đó là là một chính phủ Shi’ite ở Baghdad dưới cánh của Tehran.

Chính sách này của Mỹ cũng được áp dụng với người Kurd. Tháng 9/2017, người Kurd ở Iraq trưng cầu ý dân về độc lập. Nhưng Washington chỉ đứng bên lề khi các lực lượng Shi'ite đẩy lực lượng người Kurd khỏi các khu vực tranh chấp, trong đó có cả thành phố giàu dầu mỏ Kirkuk.

Sau hàng thập kỷ những hứa hẹn của Mỹ về độc lập, người Kurd bị bỏ rơi với mong muốn tự trị của mình. Theo các nhà phân tích, trong năm 2018, người Kurd dường như sẽ không còn chỗ trong chính sách ngoại giao của Wasshington nữa.

Không giống cuộc chiến 2003-2011, khi Mỹ chi tới 60 tỷ USD vào cuộc chiến này, lần này Mỹ không có ý định cố chi cho công cuộc tái thiết ở Iraq.

Ước tính phải cần tới 100 tỷ USD để tái thiết hầu hết các khu vực Sunni ở Iraq bị phá hủy, cùng với việc trợ giúp cho 2,78 triệu người Suuni mất nhà ở. Chính quyền Shi’ite ở Baghdad tuyên bố thiếu nguồn ngân sách để hỗ trợ người Sunni.

Hai thời chính quyền Mỹ chỉ đóng góp chỉ 265 triệu USD để tái thiết Iraq kể từ 2014 (so với 150 triệu chỉ riêng trong năm 2017 để tài trợ tiền mua vũ khí cho Iraq -  một trong 10 nước mua vũ khí hàng Mỹ nhất thế giới).

Không muốn từ bỏ

Tổng thống Mỹ Donald Trump không có vẻ gì muốn rút hoàn toàn quân khỏi Iraq. Mỹ muốn để lại một lực lượng quy mô nhỏ hơn để đối phó với sự nổi dậy của IS, đóng vai trò đứng sau bảo vệ, tránh làm mất vai trò chính trị ở Iraq như chính quyền Obama đã gặp phải năm 2011 khi rút hoàn toàn quân khỏi quốc gia Trung Đông này.

Bên cạnh đó, việc để lại một lực lượng tại đây cũng đóng vai trò “trọng tài” giữa các nhóm vũ trang ở phía Tây Iraq và Syria mà Mỹ đã hỗ trợ vũ khí để đánh bại IS. Các nhóm vũ trang này đã tạm gạt bỏ bất đồng để cùng chống IS, nhưng về bản chất, đó là những bất đồng tồn tại từ lâu và khó xóa bỏ.

Mỹ đã trả một cái giá đắt – khoảng 4500 lính Mỹ thiệt mạng và hàng nghìn tỷ USD tiền đóng thuế của người Mỹ vào Iraq. Ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq là hạn chế.

Trong khi đó, Iran đang từng bước một gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Chừng nào chính quyền Donald Trump còn không cởi mở trong quan hệ ngoại giao với Tehhran, Mỹ sẽ ít có cách để gia tăng ảnh hưởng của mình trong khu vực. Bởi các nước khác ở Trung Đông cũng sẽ tìm các đa dạng hóa quan hệ quốc tế (mở rộng ra các cường quốc khác như với Trung Quốc và Nga) chứ không chỉ xoay quanh Mỹ./.

Nguồn: vov.vn

Các tin khác