Quốc tế
Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ ông Puigdemont trên toàn châu Âu
Chính quyền Tây Ban Nha tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý khi phát lệnh bắt giam cựu lãnh đạo chính quyền vùng Catalonia, Carles Puigdemont.
Lệnh bắt giữ ông Carles Puigdemont trên toàn châu Âu được Công tố viên nhà nước Tây Ban Nha đưa ra trong chiều ngày thứ Năm, 2/11, sau khi ông Carles Puigdemont không xuất hiện trước Uỷ ban điều trần thuộc Toà cấp cao Madrid trong sáng ngày 2/11 theo yêu cầu từ chính phủ Tây Ban Nha.
Cùng bị phát lệnh bắt giữ như ông Carles Puigdemont là 4 cựu quan chức khác của chính quyền vùng Catalonia, hiện cũng đang lưu trú tại Bỉ cùng với ông Puigdemont.
Ông Carles Puigdemont đòi độc lập cho Catalonia. (Ảnh: Getty) |
Tuy lệnh bắt giữ này cần phải được thẩm phán của Toà cấp cao Madrid thông qua nhưng đây gần như là điều khó tránh đối với ông Puigdemont bởi cũng trong ngày 2/11, 8 cựu quan chức khác của vùng Catalonia dưới thời ông Puigdemont đã bị tạm giam sau phiên điều trần tại Madrid.
Một quan chức khác cũng bị ra lệnh tạm giam nhưng cho phép được tại ngoại nếu đóng 50.000 euro tiền bảo lãnh là ông Santi Villa, cựu Bộ trưởng phụ trách kinh tế vùng Catalonia, do ông này đã từ chức ngay trước thời điểm chính quyền Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập.
Trong một thông cáo gửi đến giới truyền thông Catalonia trong tối 2/11 từ một địa điểm bí mật ở Brussels, ông Puigdemont yêu cầu chính phủ Tây Ban Nha trả tự do cho các cựu quan chức Catalonia vừa bị tạm giam, đồng thời kêu gọi quốc tế can thiệp vì cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Catalonia không còn là chuyện nội bộ của Tây Ban Nha.
Trước đó, trong buổi họp báo bất ngờ vào trưa ngày 1/11 tại Brussels, ông Puigdemont tuyên bố từ chối trở về Tây Ban Nha điều trần nếu không có sự đảm bảo pháp lý. Luật sư của ông Puigdemont cũng cho biết ông Puigdemont không có ý định xin tị nạn chính trị tại Bỉ nhưng sẽ đấu tranh chống lại mọi yêu cầu dẫn độ.
Tuy nhiên, việc Tây Ban Nha phát lệnh bắt giữ ông Puigdemont trên toàn châu Âu đang đặt ra một tình huống khó xử cho Bỉ, quốc gia mà ông Puigdemont đang lưu trú. Theo một thoả thuận được các nước Liên minh châu Âu ký năm 2004 nhằm thay thế cho các Hiệp định dẫn độ, bất kỳ một nước thành viên nào của Liên minh cũng có quyền phát đi các lệnh bắt giữ trong toàn khối đối với một công dân nước mình, và quốc gia nơi đang tiếp nhận người đó phải có nghĩa vụ trao trả người bị truy bắt trong thời hạn 60 ngày.
Trước mắt, dù chưa bị phía Bỉ trao trả lại Tây Ban Nha nhưng gần như chắc chắn ông Puigdemont sẽ không đủ điều kiện pháp lý để tham gia vào cuộc bầu cử vùng trước thời hạn tại Catalonia vào ngày 21/12.
Các đồng minh chính trị của ông Puigdemont tại vùng Catalonia cũng khó tránh kết cục tương tự. Ngoài 8 quan chức đang bị tạm giam, nhiều nghị sĩ trong Nghị viện vừa bị giải tán của vùng Catalonia cũng đối mặt với nguy cơ bị bắt giam vì các tội danh kích động ly khai.
Tuy nhiên, do các nghị sĩ này có quyền miễn trừ nên sẽ chỉ bị xét xử bởi Toà án tối cao Tây Ban Nha. Phiên điều trần của các nghị sĩ này được Toà tối cao Tây Ban Nha ấn định vào ngày 9/11./.
Nguồn: VOV.VN