Phóng sự
Nhận diện hoạt động lợi dụng dịch bệnh COVID-19 chống phá Đảng, Nhà nước
Ngay khi phát hiện có dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), lây lan sang hàng loạt quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, mặc dù đang trong những ngày Tết Nguyên đán nhưng Chính phủ đã xác định tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, chủ động lên phương án phòng ngừa. Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành và chính người dân đã, đang làm hết sức mình để phòng ngừa, kiểm soát tốt nhất.
Tuy nhiên, thật đáng trách khi cả nước đang chung tay chống dịch thì vẫn còn không ít người đăng tải, chia sẻ trên không gian mạng những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến cuộc sống người dân.
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước nhiều nguồn tin trên mạng xã hội. |
Liên quan đến bệnh nhân số 21, các đối tượng đăng tải hàng nghìn bài viết, tung tin thất thiệt nhằm hạ uy tín, danh dự của bệnh nhân nói trên. Dựng chuyện không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bệnh nhân số 21 mà còn cả diễn viên M.L và phụ nữ tên Ch. ở Royal City, thậm chí lấy hình M.L. đang đóng phim với cháu bé để gán ghép. Quá bất ngờ và “sốc” trước các thông tin dựng chuyện, cả hai người phụ nữ này đều gửi đơn đề nghị cơ quan Công an vào cuộc làm rõ thông tin và xử lý các đối tượng đã đăng tin sai sự thật.
Gia đình và bản thân M.L. đã rất vui mừng khi đúng vào ngày tổ chức lễ dạm ngõ (13/3/2020) thì nhận được tin Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an TP Hà Nội xác minh, làm rõ và đấu tranh xử lý 3 đối tượng (Nguyễn Thị Vân, Võ Thị Thanh Thủy, Doãn Thị Kim Phượng) đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật nêu trên và sẽ tiếp tục xác minh, xử lý.
Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng đã tung tin bịa đặt có công nhân bị nhiễm bệnh COVID-19 mà không bị cách ly, kích động công nhân đình công tập thể tại các công ty, khu công nghiệp có yếu tố người nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đòi quyền lợi, phản đối người nước ngoài vào làm việc, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của một số công ty, khu công nghiệp như Công ty TNHH Regis (Ninh Bình), Công ty TNHH JY (Hà Nam), Khu công nghiệp Hoàng Long (Thanh Hóa), Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (Quảng Nam)..
Một số đối tượng phản động, chống đối khác đưa ra các thông tin xuyên tạc tình hình dịch bệnh, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; công kích chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các ban, ngành trong công tác chống dịch, lên án lực lượng Công an trong xử phạt các hành vi sai phạm.
Trong đó xuyên tạc nhiều tuyến phố ở TP Hồ Chí Minh bị cách ly, cô lập, cắt điện hoàn toàn; Việt Nam có hơn 500 người mắc dịch bệnh ở 12 tỉnh, thành phố và hàng chục người đã tử vong, chính quyền đã chuẩn bị lò hỏa thiêu cho các địa phương; Việt Nam “giấu” sự thật số người bị nghi nhiễm, mắc bệnh COVID-19 ít hơn thực tế nhằm che mắt cộng đồng quốc tế, sau đó đưa ra thông tin bệnh nhân N17 để nhận tiền tài trợ chống dịch từ nước ngoài…
Đáng chú ý, một số tổ chức phản động, số đối tượng chống đối còn lợi dụng chính sách quảng cáo của Facebook, chi ra hàng chục nghìn đô la Mỹ để mua quảng cáo chính trị, tạo thành những chiến dịch tuyên truyền, “phủ thông tin sai lệch” đến đông đảo quần chúng nhân dân, xuyên tạc sự thật về tình hình dịch bệnh, bịa đặt số lượng người chết vì dịch bệnh để công kích Chính phủ “bưng bít thông tin”, yếu kém trong phòng ngừa dịch bệnh v.v…
Những thông tin này đều đi ngược lại nhận xét đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia trên thế giới rằng Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua.
Có thể thấy, những nguồn tin giả này hết sức nguy hiểm, không chỉ gây nhiễu loạn thông tin khiến người dân không phân biệt được thật giả mà còn gây xáo trộn cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Nó tạo ra một thứ “dịch fake new” (tin giả) nguy hiểm không kém dịch COVID-19 mà chúng ta cần tập trung cảnh giác, đối phó. Những thông tin này đa số được bắt nguồn từ chính tổ chức phản động lưu vong, các đối tượng chống đối trong nước lợi dụng dịch bệnh để thực hiện những chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc với mục đích chống phá Đảng và nhà nước ta.
Bình tĩnh và tin tưởng, thực hiện các biện pháp tích cực trong phòng, chống dịch hiện nay; cùng cộng đồng lên án các hành vi, số đối tượng tán phát tin giả chính là biện pháp hữu hiệu giúp ổn định xã hội, đẩy lùi dịch bệnh mà còn góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng dịch bệnh để xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Xin mượn lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch COVID-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng”.
Nguồn: Thành Lợi – Khánh Hòa/Báo CAND