Phóng sự
Luận chuyện 'thư ngỏ' việc xây dựng tượng đài Lênin
Mới rồi, thấy trên mạng Internet, một số người có ý kiến về việc tỉnh Nghệ An xây dựng tượng đài Lênin, đặt tại trung tâm TP Vinh. Trong những ý kiến đó, tôi thấy luồng ý kiến tỏ ý băn khoăn, cả ý kiến thể hiện sự phản đối, nhất là có cả “thư ngỏ”, “kiến nghị”…Vậy nên hiểu như thế nào?
Thứ nhất, khi nói về Lênin, nói về chủ nghĩa Mác – Lênin, về CNXH, tự lâu nay, hồi thế kỷ XIX và xuyên suốt thế kỷ XX, khi CNXH trở thành hiện thực trên thế giới, cùng với chính kiến ủng hộ thì vẫn còn đó ý kiến đưa ra các lý lẽ phản bác, đối lập. Một hệ tư tưởng đối lập với chủ nghĩa tư bản, việc hình thành và xây dựng nó đã khó thì hiển nhiên cũng sẽ và phải đối mặt với tư tưởng ngược lại, đó là điều thường tình. Tuy nhiên, với phương pháp luận và tính khoa học, dù ở thái cực nào, chúng ta cũng phải tôn trọng quy luật khách quan, tôn trọng những lẽ hiển nhiên của thế giới này, không thể vì quan điểm ngược, yêu ghét một chủ nghĩa, một tư tưởng, một cá nhân mà nói và làm điều phi lý.
Trên cách tiếp cận đó, tôi đã đọc nhiều ý kiến, bài viết xung quanh việc xây dựng tượng đài Lênin ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tôi muốn nghe, muốn đọc ngay cả phía ngược lại nhưng với cách lập luận khoa học, dựa trên luận cứ, luận điểm, dẫn chứng chắc chắn và phải tôn trọng sự thật khách quan. Đáng tiếc, trong nhiều bài viết có nội dung phản đối, tôi đã không tìm được điều đó. Có người nhân danh trí thức, nhân danh nhà cải cách, viết “thư ngỏ”, “kiến nghị” – một hình thức dễ nhầm lẫn với ý tưởng khoa học, nhưng nội dung lại không phải như vậy.
Xung quanh vấn đề này, ngày 20-2, ông Kha Văn Tám, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Được sự đồng ý của Trung ương, tỉnh Nghệ An đang triển khai xây dựng tượng đài Lênin tại thành phố Vinh, ở khu đất bên cạnh ngã 5, nơi giao nhau của các tuyến đường Lênin, Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Phong, Trường Thi, Phong Định Cảng. Tượng có chiều cao 3 mét, được đúc tại tỉnh Ulyanovsk (Liên bang Nga) và do tỉnh Ulyanovsk tặng tỉnh Nghệ An. Công trình này thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa tỉnh Nghệ An - quê hương Bác Hồ kính yêu và tỉnh Ulyanovsk - quê hương của Lênin, vị lãnh tụ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như thể hiện tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Nga nói chung.
Thứ hai, trên trang mạng cá nhân, một số người viện dẫn sự việc này rồi viết bài, bình luận, tỏ ý mỉa mai, dè bỉu. Đáng chú ý, một số trang facebook chia sẻ bài viết lấy mũ “thư ngỏ” của người có học vị. Họ cho rằng, khắp nơi trên thế giới đập bỏ tượng Lênin đã từ 30 năm nay và “ngay tại nước Nga, nhân dân Nga đã nhiều lần đòi hỏi phải đưa Lênin ra khỏi lăng”. Thư viết: “Nước Nga đã hoàn toàn loại bỏ Lênin ra khỏi đời sống đã từ 30 năm nay. Hơn thế nữa, người Nga hiện thời xem Lênin là nguyên nhân đau thương cho nước Nga”… Đồng thời, chỉ trích: Việc chính quyền tỉnh Ulyanovsk tặng tượng Lênin cho chính quyền tỉnh Nghệ An “không đại diện cho ý nguyện của nhân dân hai tỉnh Ulynovsk và Nghệ An”. Bài viết nói rằng, các nước XHCN trước đây ở Đông Âu đã đập phá hết tượng Lênin, 14 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây cũng đập bỏ tượng Lênin. Từ đó, đặt vấn đề: “Không có lý do gì để chính quyền Nghệ An lại đi ngược với toàn thế giới – đặt mới tượng đài Lênin ở Vinh. Ngay cả tại nước Nga, không nơi nào, kể cả tỉnh Ulyanovsk đặt mới tượng đài Lênin”.
Sự thực, có phải nước Nga đã đập bỏ và không còn chuyện xây dựng, đặt tượng đài Lênin?
Tượng đài Lênin tại thị trấn Myshkin, LB Nga. Ảnh Lê Kiên |
Mới đây, phóng viên Lê Kiên, Báo Tuổi trẻ có chuyến đi thực tế tại Nga và đã ghi lại bằng hình ảnh, video, dữ liệu sinh động về tình cảm của người dân Nga đối với Lênin. Anh viết: “Trên hành trình 1.700km từ Moskva đến Saint Petersburg theo dòng Volga huyền thoại, chúng tôi đã bắt gặp nhiều hình ảnh Lênin qua những tượng đài của ông ở nhiều làng quê, thị trấn nước Nga… Đi qua hệ thống kênh đào Moskva, đi vào nhánh chính sông Volga, dừng lại ở thị trấn nhỏ Myshkin, đã thấy tượng đài Lênin rất sống động, gần khu Quảng trường tưởng niệm chiến sĩ Hồng quân, hàng ngày có nhiều khách du lịch ghé thăm. Tại các làng quê, thị trấn nhỏ, tượng đài Lênin còn rất nhiều. Như ở thị trấn nhỏ Vytergra, một trong những trung tâm đóng tàu thời Xô Viết, ngay trước hồ nước ngọt lớn thứ 2 thế giới Onega, chúng tôi thấy đến 3 tượng đài Lênin trong bán kính chỉ 2km”…
Đó là sự thực những gì đang tồn tại trên đất nước Nga hôm nay. Vậy mà, trong “thư ngỏ” cũng như một số bài viết lại nói rằng, ngay chính người Nga, đất nước Nga cũng không còn đặt tượng Lênin!?
Một câu hỏi nữa: Tình cảm người dân Nga với Lênin hiện nay ra sao, có phải như “thư ngỏ” viết: Nước Nga đã loại bỏ Lênin ra khỏi đời sống?
Thực tiễn, gần 30 năm sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, CNXH lâm vào thoái trào nhưng tại Nga cũng như tại nhiều nơi trên thế giới, người dân vẫn luôn dành tình cảm, sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với Lênin. Các hoạt động thăm viếng, bày tỏ lòng biết ơn cũng như việc tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước khẳng định quan điểm, lập trường kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lênin, các đảng cộng sản tiếp tục hoạt động trên nền tảng lý luận này và giành được những kết quả quan trọng.
Năm ngoái, nhân kỷ niệm 149 năm ngày sinh Lênin (22-4-1870/22-4-2019), đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên bang Nga cùng đông đảo người dân đã tới đặt hoa tưởng niệm tại Lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ, Thủ đô Moscow. Đoàn đại biểu do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Nga Gennady Zyuganov dẫn đầu đã long trọng đặt vòng hoa tại Lăng Lênin, tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới. Trả lời báo chí tại buổi lễ, ông Zyuganov khẳng định: “Lênin là nhà tư tưởng và lý luận vĩ đại, người đã dự đoán được sự phát triển của nhân loại và tạo lập ra một thế giới mới, thế giới mà ở đó nơi mọi người được lao động, được hưởng sự công bằng, nhân văn và được tôn trọng; thế giới mà người lao động là trung tâm của chính sách quốc gia”.
Còn tại thành phố Ulyanovsk, quê hương của Lênin, đại diện chính quyền, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên cùng đông đảo người dân đã tới đặt hoa tại tượng đài Lênin ở Quảng trường Nhà thờ Ulyanovsk. Lãnh đạo TP Ulyanovsk, ông Sergey Panchin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ những ký ức lịch sử. Ông nói: “Chúng ta tôn vinh ký ức về V.I. Lênin và nhiệm vụ chính của chúng ta là gìn giữ lịch sử và sự liên tục của các thế hệ”.
Đó là sự thực khách quan, tình cảm người dân Nga với vị lãnh tụ phong trào cộng sản, công nhân quốc tế như thế, vậy mà trong “thư ngỏ” lại nói “nước Nga đã hoàn toàn loại bỏ Lênin ra khỏi đời sống đã từ 30 năm nay”!
Thế giới ngày nay đã biến đổi quá nhiều. Việc chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu không còn, theo các nhà nghiên cứu, các chính trị gia đã chỉ rõ, đó chỉ là sự sụp đổ của mô hình Nhà nước XHCN cụ thể tại Liên Xô và Đông Âu, do những sai lầm có tính chủ quan trong lãnh đạo, vận hành của cá nhân và tổ chức đảng. Việc sụp đổ đó hoàn toàn không phải do nguyên lý Chủ nghĩa Mác – Lênin sai lầm, không thuộc vấn đề nền tảng tư tưởng, lý luận.
Trong hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với Chủ nghĩa Mác – Lênin và khẳng định, đây là chủ nghĩa cách mạng nhất, chân chính nhất, triệt để nhất. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định lập trường, vận dụng sáng tạo lý luận và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Với sự kiên định và vận dụng sáng tạo đó, cách mạng nước ta đã giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng đất nước quá độ lên CNXH.
Câu hỏi cuối cùng: Việc phản ứng xây dựng tượng đài Lênin có phải quyền của cá nhân không?
Chúng ta hiểu rằng, mỗi cá nhân có thể có suy nghĩ, quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ hệ tư tưởng, lý luận hay một vấn đề cụ thể. Thế giới mấy tỉ người, sao có thể giống nhau? Nhưng hãy nhớ rằng, bằng cách nào, quan điểm nào cũng phải tôn trọng hiện thực khách quan, tôn trọng những giá trị thuộc về lịch sử và cái gì đã thuộc khoa học, giá trị văn minh nhân loại thì chớ nên phỉ báng, coi thường, bởi một ý chí cá nhân thông thường làm sao tỏ khôn hơn trí tuệ nhân loại. Hiển nhiên, trong thời đại ngày nay, nói về CNXH, nói về Mác, Lênin, chúng ta không rập khuôn máy móc. Tuy nhiên, không thể phiến diện chỉ nhằm những sai lầm, sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu để phê phán, quy kết lỗi với những người đã sản sinh tư tưởng, chủ nghĩa đó. Người dân Nga và thế giới tiến bộ, dù hoàn cảnh nào vẫn trân trọng, giữ gìn những sản phẩm lý luận, tư tưởng tinh hoa của Lênin; nhiều đảng cộng sản kiên định và vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể.
Một dân tộc dựa vào những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong đấu tranh giành độc lập, giải phóng áp bức và đã thành công như Việt Nam thì việc xây dựng, đặt tượng đài của V.I Lênin cũng là hợp lẽ trong dòng chảy lịch sử.
Nguồn: Đăng Trường/Báo CAND