Phóng sự

Khi bác sĩ điều trị cũng thiệt mạng vì Covid-19

16:27, 19/02/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
6 nhân viên y tế ở Trung Quốc đã thiệt mạng vì chủng mới của virus Corona (Covid-19). Zeng Yixin, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, cho biết trong Ủy ban Y tế “rất quan tâm đến vấn đề này”, đã ban hành các hướng dẫn về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng trong các tổ chức y tế.
 
Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt mặt nạ, khẩu trang và đồ bảo hộ đã gây ra một cuộc khủng hoảng cho các nhân viên y tế khi họ phải đối phó với số người nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng.
 
Nguy cơ lây nhiễm chéo
 
Ning Zhu là một y tá ở Vũ Hán, ổ dịch Covid-19 của Trung Quốc. Thay vì làm việc trong bệnh viện cùng các đồng nghiệp khác, giờ đây Ning Zhu phải tự cách ly và kiểm tra sức khoẻ của mình tại nhà trong nhiều tuần. Nguyên do là vì hôm 26-1, cô bị phát hiện có vấn đề ở phổi. Cũng theo lời của nữ y tá này, chuyện nhân viên y tế ở bệnh viện của cô bị nhiễm Covid-19 không phải là duy nhất. 
 
Một y tá của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán cho biết trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, rằng không chỉ cô mà còn có khoảng gần 150 đồng nghiệp tại bệnh viện của cô đã được xác nhận hoặc nghi ngờ bị nhiễm Covid-19. Giống như Ning Zhu, y tá này đã tự kiểm dịch tại nhà kể từ khi bị nhiễm bệnh vào đầu tháng 1 và mới được đưa vào bệnh viện mà cô làm việc để điều trị hôm 11-2 do có những triệu chứng nặng hơn. 
 
“Sàn bệnh viện chật cứng bệnh nhân và các đồng nghiệp của tôi. Tại các phòng bệnh, bệnh nhân phải nằm ghép 2, 3, thậm chí là 4 người. Tên của tôi và các đồng nghiệp nhiễm bệnh được viết rõ ràng bằng phấn đen hoặc trắng trên cửa. Mỗi khi các đồng nghiệp khác đến kiểm tra, tôi phải nín thở vì tôi sợ virus trong cơ thể tôi sẽ lây nhiễm cho các đồng nghiệp vẫn còn đủ sức khoẻ đứng vững trên chiến tuyến”, nữ y tá viết.
 
Tân Hoa xã ngày 14-2 cho hay, đến nay có hơn 1.700 nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19. Nhiều người trong số họ nhiễm virus trong những tuần đầu bùng phát do thiếu thiết bị bảo vệ. Nếu so sánh với đại dịch SARS năm 2003 thì con số các nhân viên y tế nhiễm Covid-19 cao hơn rất nhiều. 
 
Zeng Yixin, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế quốc gia, nói trong một cuộc họp báo hôm 14-2 rằng các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh chiếm 3,8% tổng số ca mắc bệnh Covid-19 ở Trung Quốc đại lục, với 1.502 người ở Hồ Bắc, trong đó 1.102 người đến từ thành phố Vũ Hán; 6 nhân viên y tế đã chết vì căn bệnh. 
 
Còn báo South China Morning Post đưa tin, có ít nhất 500 trường hợp được xác nhận và 600 trường hợp nhân viên y tế nghi ngờ nhiễm Covid-19. “Nhiều nhân viên chăm sóc sức khỏe đã bị nhiễm bệnh vào tháng 1 khi chính quyền vẫn khăng khăng rằng có rất ít trường hợp lây truyền từ người sang người. Nhiều người khác làm việc mà không có quần áo bảo hộ thích hợp do thiếu hụt”, bài báo trên South China Morning Post viết.
 
Các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Vũ Hán đang vận chuyển các bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.
Các nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Vũ Hán đang vận chuyển các bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19.
Cai Haodong, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm từ Bệnh viện Bắc Kinh, cho biết số nhân viên y tế nhiễm Covid-19 cao hơn nhiều so với hồi dịch SARS vì có nhiều bệnh nhân ban đầu không có bất kỳ triệu chứng nào. 
 
“Kẻ thù ở trong bóng tối. Các bác sĩ có thể nhận thức rõ bệnh lây nhiễm cao nhưng họ lại mất cảnh giác khi bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào. Đó là chưa nói nhiều nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân mà không có quần áo và mặt nạ bảo hộ thích hợp. Khi các bác sĩ bị nhiễm bệnh, họ có thể lây bệnh cho bệnh nhân và gây nhiễm trùng chéo. Đó là lý do tại sao Mỹ yêu cầu các bác sĩ phải tiêm vaccine cúm để họ có thể giành chiến thắng trong việc chữa trị cho bệnh nhân”, Cai Haodong nói.
 
Đồng quan điểm này, GS Joseph Lau Tak-fai của Trường Y tế Công cộng và Chăm sóc chính của Đại học Hồng Kông, nhấn mạnh trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, nhiều bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng và các bác sĩ có thể không nhận thức được họ đang truyền nhiễm. Ở giai đoạn thứ hai, mặc dù các nhân viên y tế đã nhận thức được sự lây truyền từ người sang người nhưng họ vẫn làm việc dù không có đủ đồ bảo hộ. 
 
GS Joseph Lau Tak-fai thừa nhận, nguy cơ nhiễm bệnh đối với các nhân viên y tế đã trở nên trầm trọng hơn do sự căng thẳng của hệ thống y tế nhưng Hồng Kông khó có thể lặp lại tình hình như ở Vũ Hán hoặc như sự bùng nổ của SARS trước đó vì đã được chuẩn bị tốt hơn và chưa từng thấy nhiều trường hợp Covid-19. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến cáo, nhiễm trùng trong bệnh viện là một vấn đề đáng lo ngại.
 
Trường hợp Huang Chaolin, Phó Giám đốc Bệnh viện Vũ Hán Jinyintan, người đã xuất bản một bài báo trên tờ The Lancet về các triệu chứng lâm sàng của Covid-19 là một ví dụ. Bác sĩ này bắt đầu cho thấy các triệu chứng của bệnh vào ngày 17-1 và đã bị xác nhận dương tính với Covid-19 ngày sau đó. Huang Chaolin nói với China Newsweek rằng ông có thể đã bị lây nhiễm bởi hai bệnh nhân không có triệu chứng khi gặp họ vào ngày 10-1. Ban đầu, ông đã nghĩ mình chỉ bị cảm lạnh và tiếp tục làm việc tại bệnh viện, thậm chí còn tiếp đón các chuyên gia đến từ Bắc Kinh…
Thiếu hụt vật tư y tế và các thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tạo nên nguy cơ lây nhiễm chéo.
Thiếu hụt vật tư y tế và các thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tạo nên nguy cơ lây nhiễm chéo.
Kiệt sức vì môi trường lao động khắc nghiệt
 
Theo báo chí Trung Quốc, Vũ Hán có 398 bệnh viện và gần 6.000 phòng khám cộng đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán đã chỉ định 9 bệnh viện điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19; 61 bệnh viện khác có phòng khám ngoại trú tiếp nhận bệnh nhân bị sốt, được cho là triệu chứng phổ biến của bệnh giống như nhiễm Covid-19. 
 
Trong một số bệnh viện được chỉ định này, nhân viên y tế đã chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chẳng hạn, tại Bệnh viện Trung Nam, một trong số 61 bệnh viện xử lý các trường hợp bị sốt, 40 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, chiếm gần 30% trong số 138 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được nhập viện từ ngày 1 đến 28-1. 
 
Peng Zhiyong, Giám đốc Y học cấp tính tại Bệnh viện Trung Nam, đồng tác giả của bài báo, nói với tạp chí Caixin (Trung Quốc) rằng tỷ lệ này rất nhỏ so với các bệnh viện khác. Tại Bệnh viện số 7 Vũ Hán, một trong số 61 cơ sở nói trên, 2/3 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh do thiếu nguồn lực y tế. Chính quyền thành phố Vũ Hán đã thừa nhận sự thiếu hụt vật tư y tế, như mặt nạ chuyên dụng N95, kính bảo hộ và bộ quần áo bảo hộ cho các nhân viên y tế. 
 
Các bệnh viện trên khắp Vũ Hán đã kêu gọi giúp đỡ nhiều lần trên phương tiện truyền thông xã hội, kêu gọi quyên góp thêm các thiết bị bảo vệ, vốn rất quan trọng trong việc bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu khỏi nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân.  Ngoài việc không đeo khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ, các nhân viên y tế còn bị vắt kiệt sức vì bị kéo dài thời gian làm việc do khối lượng công việc qúa lớn. 
 
David Hui Shu-cheong, chuyên gia hô hấp tại Đại học Hồng Kông, cho biết các nhân viên y tế thường ngất xỉu, ngủ thiếp đi vì quá mệt ngay tại phòng ăn, khu vực họp… Hơn nữa, sự chậm trễ ban đầu của chính quyền địa phương trong việc tiết lộ thông tin về ổ dịch đồng nghĩa với việc nhân viên y tế không biết về những nguy cơ tiềm ẩn trong giai đoạn đầu của nó. 
 
Thị trưởng Vũ Hán Zhou Xianwang có lần đã thừa nhận trên CCTV rằng chính quyền đã không tiết lộ thông tin về Covid-19 một cách kịp thời. Thậm chí bác sĩ Li Wenliang, người từng cố gắng cảnh báo những người khác về dịch bệnh từ sớm lại bị cảnh sát bắt giữ vì cho rằng tung tin đồn nhảm nhí. Mới đây, Li Wenliang đã qua đời vì nhiễm Covid-19. 
 
Các chuyên gia cho rằng nếu chính quyền nghe lời cảnh báo của các bác sĩ, mọi người có thể áp dụng các biện pháp như đeo khẩu trang, khử trùng nghiêm ngặt và tránh đi chợ bán động vật hoang dã. Còn các bác sĩ và y tá, vì không biết về những rủi ro về sức khỏe, nhiều người chỉ đeo khẩu trang dùng một lần khi điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
 
Công tác khử trùng được thực hiện nghiêm ngặt.
Công tác khử trùng được thực hiện nghiêm ngặt.
Ivan Hung, Trưởng phòng Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hồng Kông, cho biết chỉ riêng việc đeo những khẩu trang đó đã là không chắc chắn về việc phòng chống Covid-19. Vì về cơ bản, các nhân viên y tế phải đeo khẩu trang N95, kính bảo hộ hoặc tấm chắn mặt và bộ đồ bảo vệ không chỉ ở các khu vực cách ly, mà còn tại các khoa cấp cứu và trung tâm y tế, tức là bất cứ nơi nào mà người ta có thể tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19. 
 
Cũng theo ông Ivan Hung, sự lây nhiễm của nhân viên y tế không chỉ xảy ra tại các bệnh viện Vũ Hán mà còn được nhìn thấy tại các cơ sở và thành phố khác trên khắp Trung Quốc. Tại Trung tâm Sức khỏe tâm thần Vũ Hán, bệnh viện tâm thần lớn nhất tỉnh Hồ Bắc không có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, 50 bệnh nhân và 30 nhân viên y tế đã được chẩn đoán mắc Covid-19 sau khi bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện. 
 
“Để đưa ra thông tin về một loạt các nhân viên chăm sóc y tế bị nhiễm Covid-19 có thể quá khó khăn cho các nhà chức trách ngay bây giờ. Tôi tin rằng họ có thể thống kê chính xác số lượng trong hai hoặc ba tháng. Bây giờ nó là quá nhiều của một mớ hỗn độn và hỗn loạn”, ông Ivan Hung nói. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng các nhân viên y tế tuyến đầu hiện được trang bị các thiết bị bảo vệ tốt hơn so với những y bác sĩ tham gia chống SARS 17 năm trước. 

Nguồn: CAND

Các tin khác