Phóng sự
'Ma trận' làm đẹp và cái kết chát đắng...
08:33, 07/11/2019 (GMT+7)
Nhu cầu làm đẹp của phụ nữ là chính đáng, nhưng giữa “ma trận” làm đẹp đang ngày càng nở rộ như hiện nay thì hệ lụy của nó đã không dừng lại ở mức cảnh báo nữa.
Người làm đẹp phải đánh đổi bằng mạng sống của mình, chết tức tưởi ngay trên bàn phẫu thuật. Một kết cục bi thương và đầy oan ức.
Chết vì làm đẹp
Phẫu thuật làm đẹp, nếu tay nghề bác sĩ không chuyên nghiệp và không có cái tâm thì mọi hậu quả con người sẽ phải gánh chịu. Những cái chết là chưa đủ để cánh báo trào lưu làm đẹp diễn ra rầm rộ như hiện nay.
Ngày 17-10, chị V.N.A.T (33 tuổi) đến Bệnh viện EMCAS (Q.10, TP HCM) và được bác sĩ Đinh Viết Hưng phẫu thuật đặt túi nâng ngực. Mổ xong, đến 20 giờ 45, chị V.N.A.T đột ngột khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt. Hai tiếng sau, chị V.N.A.T tử vong.
Hai năm trước, vào tháng 9 năm 2017, chị T.T.Đ (38 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện EMCAS đã bị hôn mê, sau đó tử vong.
Chị Đ. đến BV EMCAS gọt xương hàm 2 bên, sau phẫu thuật bị suy hô hấp, hôn mê và được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu rồi sau đó chuyển ra nước ngoài điều trị nhưng cũng không có tiến triển. Tháng 2 năm 2018 bệnh nhân đã tử vong sau một thời gian dài sống đời sống thực vật.
Cũng tại Bệnh viện EMCAS vào ngày 29-9, bác sĩ Đinh Viết Hưng đã thực hiện ca hút mỡ bụng cho cô gái 28 tuổi. Sau phẫu thuật bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn và khó thở. Đến ngày 24-10 gia đình đưa đi khám tại một Bệnh viện tư ở Hà Nội thì bất ngờ phát hiện cô gái đã mang thai 8 tuần. Tức là, thời điểm tiến hành hút mỡ bụng thì cái thai đã được 4 tuần.
Tử vong vì làm đẹp tại Bệnh viện Thẩm mỹ EMCAS. |
Sau hàng loạt sự cố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực làm đẹp, Bác sĩ Đinh Viết Hưng đã tự bào chữa cho mình bằng việc trưng ra giấy phép hành nghề khám chữa bệnh Chuyên khoa Tạo hình Thẩm mỹ do Sở Y tế Đồng Nai cấp vào ngày 20/4/2017 và quyết định cấp phép khám chữa bệnh Chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình của Sở Y tế TP HCM vào năm 2013.
Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đồng Nai có công văn gửi Thanh tra Sở Y tế TP HCM trả lời không có tên Đinh Viết Hưng trong hồ sơ của các cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề; xin cấp bổ sung phạm vi hành nghề thuộc lĩnh vực khám chữa bệnh tại Sở Y tế Đồng Nai.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, sau khi nhận được phản hồi trên, đơn vị đang phối hợp với Công an TP HCM tiếp tục xác minh vụ việc bác sĩ Đinh Viết Hưng sử dụng giấy tờ giả để hành nghề.
Khi chúng tôi hỏi về những cái chết của người đi làm đẹp, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ L.H.Đ đã đưa ra biện hộ đầy vô cảm, rằng mỗi ngày có hàng ngàn người tới các thẩm mỹ viện làm đẹp, trong đó hàng trăm người thực hiện can thiệp bằng máy móc thì tỷ lê rủi ro là khó tránh khỏi.
Ngành gì cũng thế, không bao giờ trọn vẹn và hoàn hảo. Những trường hợp chết người chẳng qua là do tai nạn... Ngay lập tức, phát ngôn của bác sĩ Đ. bị cộng đồng “ném đá” tơi tả. Sau đó, ông này phải chuyển nơi làm việc, thay tên để hoạt động.
Những cuộc "hành xác" bằng filler
Hoại tử mũi vì tiêm chất tạo đầy. |
Nhu cầu làm đẹp của phụ nữ là chính đáng, nhưng giữa “ma trận” làm đẹp đang ngày càng nở rộ như hiện nay thì hệ lụy của nó đã không dừng lại ở mức cảnh báo nữa. Người làm đẹp phải đánh đổi bằng mạng sống của mình, chết tức tưởi ngay trên bàn phẫu thuật.
Một kết cục chát đắng, bi thương và đầy oan ức. Thế nhưng, trào lưu làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được nhiều chị em ưa chuộng. Có người còn muốn “đập” nát mặt đi rồi “uốn nắn” lại hình hài theo ý của mình, từ cái tai, hàm răng, đôi mắt, chiếc mũi, cộng lông mày là phải hoàn ảo, đẹp không tì vết, đẹp “lột xác” đến nỗi chẳng ai nhận ra.
Và rồi một cuộc “hành xác” bằng kim tiêm, dao kéo cùng hằng hà hợp chất filler (tiêm filler là phương pháp thường được sử dụng không chỉ trong việc trẻ hóa da mà còn dùng để độn cằm, nâng mũi, làm môi trái tim... trong các thẩm mỹ viện) được bơm tiêm vào cơ thể.
Vì là cách làm đẹp phổ biến nên nhiều người dùng đến filler và xem nó như phù thủy có khả năng “biến dạng” từ người xấu thành người đẹp chỉ trong tích tắc. Nhưng cũng trong “nháy mắt” ấy mà có người trở thành “ma quỷ” khi bị biến chứng filler. Đó là trường hợp của chị L.T.H.A (28 tuổi, ngụ Bình Tân, TP HCM).
Vào tháng 5-2018, chị A. đến một thẩm mỹ viện tại Q.11 nâng mũi bằng filler không qua phẫu thuật. Sau khi tiêm filler, chị A. trở về nhà và sở hữu một sóng mũi dài, cao, thon gọn. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tay gang, chỉ sau một tháng, mũi chị A. nổi nhiều nốt đỏ rồi sùi bọt trắng li ti. Đường sóng mũi xẹp dần, cánh mũi màu đốm đen, nước mũi chảy ra có máu xen lẫn mủ.
Chị A. hoảng hồn đi bệnh viện khám mới biết mũi đã bị nhiễm trùng, có khả năng hoại tử. Bác sĩ phải phẫu thuật rạch mũi chị A., nạo vét hết mủ sau đó thực hiện liệu pháp điều trị dài ngày. Hơn một năm qua, chị A. “cứu” được mũi nhưng tổn thương bên trong mũi thì mãi mãi còn đó, tàn phá nhan sắc, làm suy giảm sức khỏe. Chị A. hoàn toàn mất tự tin khi ra đường và cũng chẳng dám bước chân vào mỹ viện để “tu bổ” lại chiếc mũi nữa.
Nhu cầu thẩm mỹ ngày càng phổ biến, nhưng hầu hết người đi làm đẹp đều không am tường các loại thuốc, cách phòng trách rủi ro cũng như trình độ thật sự của bác sĩ nên gây ra các hệ lụy đáng tiếc.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư, TS. BS Cao cấp Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, Tổng Thư ký hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP HCM cảnh báo không nên dựa vào website mạng xã hội tìm cho mình một địa chỉ để làm phẫu thuật thẩm mỹ. Mọi người nên tìm đến các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là đáng tin cậy nhất.
Khách hàng nên biết người phẫu thuật cho mình là ai và có bao nhiêu năm trong nghề tạo hình thẩm mỹ, cũng như các kỹ thuật chuyên môn của họ đã được đào tạo và được thực hành trong cuộc đời của người bác sĩ thẩm mỹ.
Khi cần thiết nên xem xét các giấy tờ được Nhà nước công nhận một cách chính thức. Đừng xem xét các giấy tờ của các hội nghị ở nước ngoài làm mờ mắt mình. Cũng đừng bao giờ vào tiệm spa để làm phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm filler hoặc thực hiện các thủ thuật gây chảy máu vì thật sự không đảm bảo an toàn. Các biến chứng thảm hại từ những tiệm spa hãy cảnh giác và nói không với tiệm spa khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Cần phải đào tạo chính quy nghề làm đẹp
Nát cằm sau khi tiêm Filler tạo hình. |
Chỉ trong thời gian ngắn tại TP HCM liên tiếp xảy ra các vụ “tai nạn” chết người khi làm đẹp khiến chị em vô cùng hoang mang, lo lắng. Chưa bao giờ hành trình làm đẹp của phụ nữ lại nhiều bất an đến vậy.
Xã hội phát triển, quyền của phụ nữ được khẳng định thì nhu cầu làm đẹp là tất yếu, phù hợp với giá trị của thời đại. Nhưng làm đẹp ở đâu, làm đẹp bằng cách nào để đảm bảo an toàn đang là nỗi lo, là câu hỏi hóc búa chưa ai trả lời được.
Kangnam được quảng cáo là một trong những bệnh viện thẩm mỹ lớn và hiện đại tại TP HCM. Ngày 11-10 vừa qua đã xảy ra vụ chết người tại bệnh viện này. Nạn nhân là bà C.T.L (59 tuổi, Việt kiều Mỹ).
Sau phẫu thuật bà L. rơi vào tình trạng lơ mơ, đến 21 giờ cùng ngày đột ngột khó thở, tím tái, phù môi, huyết áp tụt, chẩn đoán theo dõi sốc phản vệ sau phẫu thuật căng da mặt. Bà C.T.L được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, nhưng không qua khỏi và đã tử vong vào ngày 14/10.
Khuôn mặt biến dạng sau khi thẩm mỹ. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bi kịch từ làm đẹp nhưng nguyên nhân sau xa và chính yếu chính là trình độ chuyên môn, tay nghề của bác sĩ phẫu thuật. Theo Giáo sư Trương Thị Ngọc Ánh, Trưởng bộ môn Chăm sóc Sức khỏe và Thẩm mỹ, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (Q.9, TP HCM) thì người bác sĩ hay nhân viên trong lĩnh vực làm đẹp muốn hành nghề tốt trước tiên phải được đào tạo bài bản trong môi trường giáo dục chính quy.
Vừa qua, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã chính thức công bố và ra mắt Bộ môn Chăm sóc Sức khỏe và Thẩm mỹ, đưa các nghề chăm sóc sức khỏe - sắc đẹp bằng phương pháp massage trị liệu và công nghệ thẩm mỹ vào chương trình đào tạo chính quy của nhà trường. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, ngành chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp chính thức được công nhận trong hệ thống đào tạo chính quy của ngành giáo dục đến bậc Cao đẳng.
Còn đối với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, Phó Giáo sư Đỗ Quang Hùng cho biết, họ muốn được cấp chứng chỉ hành nghề phải có thời gian thực hành 54 tháng về chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ sau khi hoàn tất bác sĩ đa khoa 6 năm.
Nguồn: Ngọc Thiện/CAND