Phóng sự

Xử lý thế nào với những nhóm cho - nhận con trên mạng xã hội?

14:28, 10/06/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong thời gian gần đây, liên tiếp các đối tượng có hành vi buôn bán trẻ em, buôn bào thai bị lực lượng chức năng bắt giữ. Thông tin về vấn nạn này vẫn chưa được người dân nắm bắt đầy đủ, cùng với đó là sự "hợp tác" của các bà mẹ trong việc cho - bán con đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, trên mạng xã hội Facebook hiện có nhiều nhóm cho - nhận trẻ sơ sinh đang hoạt động, đây là một kênh tiềm ẩn những mối nguy hiểm của vấn nạn buôn bán trẻ em đang gây nhức nhối trong dư luận.
 
Vấn nạn buôn bán trẻ em
 
Từ năm 2018 cho tới quý I-2019, cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Toà án các cấp đã xét xử 127 vụ, với 231 bị cáo phạm các tội về mua bán người. Tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.900 trường hợp, trong đó, xác định 577 trường hợp là nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép.
 
Riêng với hành vi mua bán bào thai và mang thai hộ, cho tới hiện tại Công an các địa phương đã làm rõ nhiều vụ việc xảy ra, xử lý nghiêm các đối tượng. Cụ thể như tại Nghệ An, Công an đã phát hiện 25 trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An mang thai sang Trung Quốc sinh con, trong đó, đã xác minh làm rõ 5 trường hợp khai nhận sau khi sinh con đã bán lại bên Trung Quốc.
Các hội nhóm cho - nhận con còn tồn tại.
Các hội nhóm cho - nhận con còn tồn tại.
Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện 8 phụ nữ có nơi cư trú tại các tỉnh phía Nam mang thai hộ để đẻ thuê cho người Trung Quốc. Công an tỉnh Lạng Sơn phát hiện một số vụ việc các đối tượng bên Trung Quốc móc nối, liên lạc với một số đối tượng sinh sống tại tỉnh Nghệ An để tìm mua trẻ em, bào thai của những gia đình dân tộc thiểu số, sau đó, đi qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn để đưa sang Trung Quốc. Công an TP. HCM phát hiện 5 đối tượng là người Trung Quốc, 3 đối tượng là người Việt Nam tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại...
 
Vụ việc gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây nhất, đó chính là một đường dây buôn bán trẻ em kéo dài từ phía Nam ra tới Hà Nội để chuyển đi Trung Quốc "tiêu thụ". Đáng nói, đường dây này bị phát hiện chỉ từ một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cửa một ngôi nhà trên phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội).
 
Vào sáng sớm 18-1-2019, Công an quận Đống Đa nhận được thông tin do người dân báo về việc phát hiện một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Qua tiến hành xác minh điều tra, các trinh sát Công an quận Đống Đa phát hiện Nguyễn Trần Lan Anh (SN 1999, trú tại tỉnh Bình Phước) là đối tượng nghi vấn đã bỏ đứa bé.
 
Qua công tác đấu tranh lấy lời khai, Lan Anh đã khai nhận hành vi tham gia một số hội nhóm "cho và nhận con nuôi" trên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm các bà mẹ muốn cho con để thực hiện hành vi buôn bán.
 
Vào tháng 10-2018, Lan Anh biết thông tin về hoàn cảnh của chị P. (SN 1991, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một phụ nữ đang mang thai nhưng không có điều kiện nuôi dưỡng. Qua mạng xã hội, Lan Anh kết nối với chị P rồi nói dối rằng mình bị vô sinh nên muốn nhận con của chị P. để nuôi. Lan Anh cũng hứa hẹn với chị P. rằng sẽ lo mọi chi phí sinh nở, cũng như bồi dưỡng một khoản tiền sau sinh.
 
Khi đã có được lòng tin của chị P., Lan Anh bàn với đồng bọn là Huỳnh Thị Hồng (SN 1989, trú tại TP Hồ Chí Minh) để móc nối tìm người mua đứa bé. Sau khi được định giá 35 triệu đồng, Lan Anh hứa trả cho chị Hồng 2 triệu tiền công môi giới. Ngày 15-1-2019, đối tượng này ra Hà Nội để tiếp cận chị P, giả làm người thân để đưa người phụ nữ sắp sinh này vào bệnh viện và đến ngày 17-1, chị P đã sinh một bé gái.
 
Như đã hứa trước đó, đối tượng này đã chuyển cho chị P. 7 triệu đồng trước khi nhập viện để làm chi phí sinh nở, nhưng do đã tiêu hết tiền nên khi nhập viện, chị P. đã đề nghị Lan Anh đóng khoản tiền viện phí. Do không muốn mất thêm tiền, tối ngày 17-1, đối tượng đã bế con chị P. về nơi nghỉ trên phố Phương Mai để chờ đồng bọn đến "nhận hàng".
 
Không có tiền đóng viện phí, giữa chị P. và Lan Anh đã xảy ra mâu thuẫn. Chị này liên tục gọi điện cho đối tượng để làm rõ và đòi lại con. Trước tình hình đó, do lo sợ vụ việc bại lộ, Lan Anh đã mang đứa trẻ sơ sinh bỏ trước cửa một ngôi nhà trên phố Phương Mai.
 
Mở rộng điều tra, Đội Cảnh sát Hình sự của Công an quận Đống Đa đã phát hiện và triệt phá đường dây buôn bán trẻ sơ sinh thông qua các hội nhóm trên Facebook, làm rõ 9 vụ mua bán khác ở nhiều tỉnh, thành phía Nam và sang cả Trung Quốc. Qua khám xét nơi ở của các đối tượng trong vụ việc, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trẻ sơ sinh được các đối tượng đưa về nuôi dưỡng, chờ ngày đem bán. Trong vụ việc này đã có 6 đối tượng bị bắt giữ để điều tra về hành vi "Mua bán người dưới 16 tuổi".
 
Những hội nhóm tiềm ẩn tội phạm
 
Sau khi đường dây nói trên bị Công an quận Đống Đa bắt giữ, nhóm "Cho và nhận con nuôi" trên mạng xã hội Facebook với hàng chục ngàn thành viên đã bất ngờ "đóng cửa". Tuy nhiên, qua tìm hiểu, vẫn còn hàng loạt các hội nhóm tương tự như vậy đang hoạt động, nhóm ít nhất có gần 1.000 thành viên và nhiều nhất lên tới 5.000 người.
 
Trong các hội nhóm này, vẫn còn nhiều bài đăng về các trường hợp cho và nhận con để nuôi. Những người đăng bài cho con, hầu hết là những cô gái trẻ, có hoàn cảnh khó khăn hoặc không muốn nuôi dưỡng đứa bé. Không rõ trong số những người này, có bao nhiêu người thực sự là những người mẹ hiếm muộn muốn nhận nuôi con bởi phần lớn những người đăng bài hay bình luận đều sử dụng Facebook ảo, thông tin giả.
Nhóm đối tượng buôn trẻ em từ Nam ra Bắc bị bắt giữ.
Nhóm đối tượng buôn trẻ em từ Nam ra Bắc bị bắt giữ.
Lướt qua một số tin đăng, cụ thể như bài đăng Facebook của một tài khoản tên Trang ghi rõ "Hiện có mẹ nào lỡ mang thai mà không nuôi được. Mình đang cần nhận nuôi bé". Tuy nhiên, chủ tài khoản này lại là một cô gái rất trẻ, thông tin trên trang thể hiện rằng mới chỉ vừa kết hôn được một năm. Như vậy, việc chủ tài khoản này xin trẻ sơ sinh về nuôi với lý do hiếm muộn có thực sự chính xác?
 
Trao đổi với chị Đào Mỹ H. (SN 1987, trú tại Hậu Giang), một phụ nữ từng được những người trên nhóm "Cho và nhận con nuôi" tiếp cận khi viết bài than thở về cuộc sống khó khăn khi đang mang bầu của mình.
 
Chị H. cho biết: "Sau khi bài đăng, nhiều người đã tiếp cận và mong muốn xin con tôi về nuôi, trong số đó có một người phụ nữ ở Bắc Ninh. Chị này cho biết muốn xin con cho mẹ đẻ của mình hiện đang sống ở Trung Quốc. Nếu đồng ý, chị này sẽ trợ cấp và đưa sang Trung Quốc sinh con và sẽ xin việc cho tôi luôn ở bên đó".
 
Rất may mắn là sau đó, chị H. không đồng ý với lời đề nghị đầy mê hoặc của người phụ nữ kia. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, trong các hội nhóm này thực sự có nhiều bà mẹ hiếm muộn, muốn xin con về nuôi. Cũng vì thế mà còn nhiều loại hình tội phạm "ẩn nấp", lợi dụng nhu cầu "cho - nhận" con nuôi để lừa đảo.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay đang tồn tại một số khó khăn trong việc xử lý vấn nạn buôn bán trẻ em.
 
Một số vụ đã rõ đối tượng phạm tội và có đủ chứng cứ chứng minh hành vi mua bán người, đã xác định được nạn nhân, nhưng nạn nhân chưa được giải cứu hoặc chưa đến trình diện với cơ quan tư pháp, song các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương còn chưa thống nhất trong việc giải quyết vụ án.
 
Ngoài ra, việc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người; mang thai hộ xuyên quốc gia gặp nhiều khó khăn, như chưa thống nhất được tiêu chí để xác định hành vi mua bán người của Việt Nam với một số nước, đặc biệt là với Trung Quốc đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tra vụ án, giải cứu nạn nhân. Việc trả lời ủy thác điều tra của phía nước ngoài còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn điều tra của vụ án mua bán người.
Mỗi nhóm cho - nhận con có ít nhất 1.000 thành viên.
Mỗi nhóm cho - nhận con có ít nhất 1.000 thành viên.
Đối với các vụ việc dụ dỗ phụ nữ mang thai sang Trung Quốc sinh con đem bán, bản chất của hành vi này là "mua bán trẻ em", nhưng do không giải cứu được nạn nhân (cháu bé) và không có tài liệu, căn cứ nào xác định được mẹ nạn nhân đi Trung Quốc (chỉ có lời khai của mẹ nạn nhân và lời khai của đối tượng), do đó, việc điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
 
Công an một số địa phương phát hiện một số vụ việc khi các đối tượng này đang trên đường đưa người phụ nữ mang thai đi Trung Quốc để sinh rồi bán con cho người Trung Quốc. Nhưng giai đoạn này mẹ nạn nhân chưa sinh con, do đó, nếu truy tố về tội mua bán người hoặc mua bán người dưới 16 tuổi theo Điều 150, 151, Bộ luật Hình sự thì không phù hợp và chưa có văn bản nào hướng dẫn truy tố về hành vi này. Còn đối với việc xử lý hành vi mua bán bào thai, hiện nay chưa có quy định pháp luật điều chỉnh.

Đinh Hiền

Các tin khác