Phóng sự

Cảnh sát biển và những chuyên án vượt trùng khơi

15:22, 02/03/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Con tàu CSB 8004 tuần tra lặng lẽ đạp sương. Đây là một trong số con tàu hiện đại nhất của lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu cán bộ chiến sĩ của Hải đội 101, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 đón Tết trên biển.
 
Mặt biển gợn sóng, cơn gió bấc thổi tới lạnh buốt, đứng trên mũi thuyền hướng tầm mắt chỉ nhìn thấy phía xa, đường chân trời như dải lụa vắt ngang mặt biển. 
 
Con tàu CSB 8004 tuần tra lặng lẽ đạp sương. Đây là một trong số con tàu hiện đại nhất của lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu cán bộ chiến sĩ của Hải đội 101, Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1 đón Tết trên biển. 
 
Cũng như họ, trên mặt biển rộng lớn, tàu tuần tra của các Hải đội khác đang lướt sóng kiểm soát bảo vệ vững chắc chủ quyền, chống tội phạm lợi dụng đường biển để hoạt động. Và cũng trên cung đường này là những chuyên án vượt trùng khơi mà lực lượng CSB thực hiện trong những năm qua.
 
"Đánh án" ma túy trên biển
 
Tết đã về trên mỗi mái nhà, ở nơi nào đó trên biển, lực lượng CSB vẫn tuần tra không có ngày nghỉ. Đón Tết trên biển cũng giống như đất liền, cũng cành đào đỏ thắm, bánh chưng xanh, mứt Tết, những cuộc gọi cho người thân…
 
Vì nhiệm vụ họ đón Tết xa nhà, nhưng sâu thẳm trong mỗi tâm hồn, khao khát cảm giác ấm cúng sum họp gia đình vẫn luôn mong mỏi. Chống tội phạm ma túy trên biển là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của lực lượng CSB. 
Tàu 8004 của Cảnh sát biển Việt Nam chuẩn bị làm nhiệm vụ tuần tra trên biển.
Tàu 8004 của Cảnh sát biển Việt Nam chuẩn bị làm nhiệm vụ tuần tra trên biển.
Những chuyên án vượt trùng khơi trong năm 2017 của lực lượng chuyên trách chống tội phạm ma túy CSB đã để lại dấu ấn thật đặc biệt: đã tham gia bắt giữ 614 vụ/340 đối tượng, tang vật thu giữ 299 bánh +591,1g hêrôin; 11.067 viên +57,97 kg ma túy tổng hợp; 1 kg thuốc phiện; 99,76kg cần sa cùng nhiều vũ khí và phương tiện khác. 
 
Lực lượng chuyên trách chống tội phạm ma túy của Bộ Tư lệnh CSB có gần 300 cán bộ chiến sĩ ở 4 cụm đặc nhiệm (Hải Phòng, Nghệ An, Vũng Tầu, Cà Mau) và 4 Ban phòng chống tội phạm ma túy của 4 Bộ Tư lệnh Vùng CSB và 1 phòng chức năng là Phòng chống tội phạm ma túy.
 
Thượng tá Lê Thế Trung, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh CSB) cho biết, vùng biển rộng lớn, kéo dài trên cả nước, chỉ hình dung thôi cũng đủ thấy công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy cực kỳ khó khăn. 
 
Khó khăn về địa hình, về thời tiết, khiến cho những người làm nhiệm vụ chống tội phạm ma túy trên biển phải nỗ lực gấp hai, gấp ba bình thường. Vùng biển của Việt Nam có nhiều âu tầu, nhiều bến cảng, cảng biển nối với nhau, nhiều vùng vịnh, đảo, sóng gió trên biển vô cùng phức tạp. 
 
Từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch có gió mùa Đông Bắc, sóng cấp 3 cấp 4, tàu thuyền đi lại rất vất vả. Đối tượng phạm tội ma túy trên biển mang tính quốc tế cao, liên quan đến nhiều quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ, vùng biển, làm cho việc đấu tranh ngày càng khó khăn, đặc biệt là việc thu thập thông tin, điều tra xác minh, đấu tranh bắt giữ. 
 
Trước đây, mỗi lần đi, đối tượng thường mang một lượng lớn hàng, nhưng hiện nay chúng chia nhỏ vận chuyển trên biển. 
 
Kể về 20 chuyên án ma túy, bắt giữ 111 đối tượng mà Phòng Phòng chống tội phạm ma túy phối hợp điều tra, đấu tranh trong năm 2017, Thượng tá Lê Thế Trung cho biết, việc bắt quả tang hai nữ quái người Ninh Bình vận chuyển số lượng ma túy đá lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta là cả một quá trình kỳ công của nhiều lực lượng phối hợp tham gia.
 
Nguyễn Thị Quyên (47 tuổi, trú tại xóm 3, xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) là đối tượng thường xuyên mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ 40-50 kg ma túy đá và 30-50 bánh hêrôin. Nguồn ma túy của Quyên chủ yếu là một số tỉnh của Lào đi qua huyện Ngọc Hồi (Kom Tum). 
 
Để che dấu thân phận, Quyên đã tạo thành đường dây khép kín, trực tiếp chỉ đạo vận chuyển ma túy từ tỉnh Kom Tum về tập kết tại các kho hàng của huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Gia Viễn của tỉnh Ninh Bình. 
 
Khi gom đủ số lượng, thị chuyển sang các huyện ven biển tỉnh Nam Định và đưa sang Trung Quốc tiêu thụ bằng đường biển cho an toàn. Quyên có tính cảnh giác cao độ, không tin tưởng bất luận kẻ nào, trong tay thị chỉ duy nhất có một cô cháu gái là Đào Thị Lan (39 tuổi, trú tại thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) để thị "sai" vận chuyển hàng. 
 
Chuyện làm ăn, giao dịch ma túy Quyên không tiết lộ cho Lan, mà khi nào cần mang hàng đi đâu thì Quyên chỉ đạo cháu gái làm ở khâu đó. Không sử dụng người ngoài, chỉ sử dụng người trong nhà, đây là một trong những thủ đoạn khôn khéo mà thị áp dụng để tránh bị lộ. 
 
Sau khi phát hiện đường dây ma túy xuyên quốc gia do Quyên cầm đầu, Ban chuyên án đã được thành lập, huy động đồng bộ nhiều lực lượng, trong đó chủ công là Phòng Phòng chống tội phạm ma túy CSB và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nam Định).
 
Xác định Quyên và cháu gái sẽ vận chuyển một lượng ma túy lớn từ Kom Tum về tập kết ở Ninh Bình, sau đó vận chuyển sang Nam Định và đi bằng đường biển ra Hải Phòng để đưa sang Trung Quốc, Ban chuyên án tính toán kế hoạch truy bắt rất tỉ mỉ. 
 
Triển khai thành 3 mũi tấn công, chọn thời điểm bắt vào lúc Quyên vận chuyển hàng đi qua Bến đò 10, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Mũi truy bắt của lực lượng CSB triển khai đón đầu ngay tại bến đò. 
 
Khi Quyên đi xe máy đèo theo hai bao tải dứa xuất hiện, lực lượng bố trí sẵn đã chờ lệnh. Quyên xuống phà, hai mũi trinh sát áp lại giữ tay và nhanh chóng đưa cả người và xe về trụ sở. 
 
Biết mình bị bắt, Quyên không tỏ ra sợ hãi hay chống đối mà chị ta chỉ cúi đầu buồn bã. Bên trong bao tải dứa là các gói chè đóng sẵn 1kg/gói, khi mở ra đều là ma túy. Tang vật thu được là 45kg ma túy đá, 30 bánh hêrôin. Một mũi trinh sát khác triển  khai cùng thời điểm bắt giữ Lan ngay tại nhà riêng.
 
Chống ma túy trên đất liền đã gian nan, vất vả, cận kề nguy hiểm, nhưng chống ma túy trên biển lại càng đặc thù và khó khăn hơn. Thượng tá Lê Thế Trung cho biết, tội phạm ma túy trên biển cực kỳ khôn khéo. 
 
Chúng tính toán đi qua khu vực nào mà không có cơ quan chức năng kiểm soát, đặc biệt là lúc sóng gió, đêm tối, tầm nhìn khó phát hiện. Tàu vận chuyển ma túy thường thay đổi mầu sơn và dấu hiệu để đánh lừa cơ quan chức năng. 
 
Vận tải trên biển có yếu tố pháp lý cao, nếu ta không có thông tin chính xác mà dừng tàu, không tìm thấy hàng là vi phạm luật pháp quốc tế. Tàu lại nhiều ngăn, khoang dài, ma túy phân chia nhỏ lẻ, kiểm tra mất nhiều thời gian, nếu không có thiết bị rất khó phát hiện chỗ giấu ma túy. 
 
Trong quá trình giám sát, kiểm tra, nếu không quan sát kịp thời, chỉ chớp mắt đối tượng vứt tang vật xuống biển. Tội phạm ma túy trên biển mang yếu tố nước ngoài rất nhiều. 
 
Trong một số chuyên án ma túy xuất phát từ vùng Nam Á, Tây Á đi qua nhiều nước, nếu không nắm chắc nguồn tin, giữa các lực lượng không phối hợp chặt chẽ, không trao đổi thông tin kịp thời, ma túy cất giấu trong hàng hóa rất khó phát hiện, dễ bỏ lọt tội phạm. Sự rủi ro và nguy hiểm trên biển cũng vì thế mà lớn hơn, việc bắt giữ cũng luôn đối mặt với sinh tử.
Nhiều khó khăn trong quá trình phá án.
Nhiều khó khăn trong quá trình phá án.
Những cánh chim không mỏi
 
Những con tàu rẽ sóng trên mặt biển rộng như những cánh chim không mỏi làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT trên biển, tuần tra kiểm soát giữ gìn vùng biển. Trong mặt trận tưởng chừng bình yên đó là biết bao mồ hôi, công sức của lực lượng CSB cho bình yên hôm nay. 
 
Tội phạm buôn lậu trên biển cũng không ngừng gia tăng với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, tìm mọi cách chống đối lại các lực lượng chức năng. Vượt qua sóng to, gió lớn, lênh đênh trên biển cả tháng mới có thể phá thành công một chuyên án buôn lậu, không thể kể hết sự vất vả, gian truân đó. 
 
Để phát hiện và bắt giữ 2 vụ buôn lậu dầu lớn với giá trị bán phát mại lên tới 89 tỷ đồng, lực lượng CSB đã phải vô cùng vất vả. Hai tàu chở dầu bị bắt giữ có quốc tịch Singapore, đang neo đậu, cập mạn trái phép tại khu vực cách đảo Cồn Cỏ về phía Tây khoảng 2 hải lý (thuộc vùng nội thủy Việt Nam). 
Cảnh sát biển tham gia cứu tầu của ngư dân gặp nạn .
Cảnh sát biển tham gia cứu tầu của ngư dân gặp nạn .
Một tàu vận chuyển 9.015,634m³ dầu DO từ Singapore đi cảng Shen Zhen (Thẩm Quyến, Trung Quốc) nhưng thuyền trưởng chỉ xuất trình được 1 giấy biên bản (photo) xác định khối lượng của từng tầng hầm. 
 
Còn một chiếc tàu khác chở 100m3 dầu, thuyền trưởng cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh CSB cho biết, đây là vụ buôn lậu dầu lớn nhất cả nước bị bắt giữ từ trước đến nay và cũng là vụ kỳ công phá án của lực lượng CSB.
 
Từ khi thành lập đến nay, lực lượng CSB Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc  nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. 
 
Trên dọc chiều dài đất nước vẫn thấy hình ảnh lực lượng CSB thường xuyên làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân không đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài, đồng thời yêu cầu hàng nghìn lượt tàu cá nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam.
 
Dù ngày thường hay ngày Tết, những con tàu như những cánh chim không mỏi, sải cánh bay xa trên biển quê hương, đưa những chiến sĩ CSB đi làm nhiệm vụ thiêng liêng, giữ vững chủ quyền, giữ gìn an ninh, an toàn vùng biển cho Tổ quốc.

Nguồn: Trần Hằng/CAND

Các tin khác