Phóng sự
Mối nguy hiện hữu từ việc 'nghiện' thiết bị công nghệ
Chuyên gia y tế cảnh báo, loại nghiện này cũng nguy hiểm không kém gì nghiện chất ma túy, rượu...
1. Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tại Thường Tín, Hà Nội vào một ngày gió mùa, rét tê tái. Trao đổi nhanh với lãnh đạo bệnh viện, được biết một bệnh nhân 13 tuổi nghiện điện thoại nặng mới nhập viện khám và điều trị, chúng tôi liền có mặt tại phòng khám lâm sàng.
Đó là một cậu bé có dáng người khá cao to nhưng khuôn mặt thì lại rất ù lỳ, thiếu sinh khí. Cậu được ông nội dẫn vào, chẳng thèm chào hỏi ai, lơ đãng nhìn khắp nơi. Vẻ lờ đờ của cậu chỉ biến mất khi thấy một người sử dụng smartphone để nhắn tin.
Trong khi các bác sĩ làm những xét nghiệm với cậu bé, chúng tôi được nghe tâm sự của ông nội cháu tên Trần Văn Đ. (trú tại Phú Xuyên, Hà Nội). Mấy tuần nay, cháu nội của ông là Trần Anh T. (sinh năm 2005), hiện đang sống cùng bố mẹ tại Hà Đông (Hà Nội) có những biểu hiện rất đáng lo ngại. Đó là việc học của cháu ngày càng sút kém. Cháu không thể có được sự tập trung để làm bất cứ một việc gì. Đồng thời, cháu bộc lộ sự ham mê các thiết bị công nghệ như điện thoại di động, máy tính bảng… một cách điên cuồng.
Ở nhà hở ra một phút là cháu lấy điện thoại di động hay máy tính bảng ra và “vuốt, vuốt”. Khi bị người lớn thu lại thì cháu phản ứng rất dữ dội. Thậm chí còn… văng tục luôn cả với bố mẹ. Rồi khi được gửi về nhà ông bà nội thì cháu cũng chỉ rình rình mượn điện thoại để vào mạng, chơi game.
“Nó có thể chơi giờ này sang giờ khác, từ sáng đến tối, quên ăn quên ngủ. Khi ông bà đòi lại điện thoại thì nó nổi giận, đập phá đồ đạc. Tôi còn tìm thấy trong cặp cháu hàng chục thẻ game các loại. Có đêm nó lừa lúc ông bà đang ngủ mò dậy lấy trộm điện thoại để chơi. Khi bị phát hiện, nó còn dọa… nhảy xuống ao tự tử nếu không được chơi điện thoại!” - ông Đ. buồn rầu kể.
Một bệnh nhân lên cơn co giật vì nghiện facebook, mạng xã hội. |
Theo bác sỹ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, trường hợp trên là một điển hình về bệnh nghiện thiết bị công nghệ và nội dung số như game, mạng xã hội… đang ngày càng có chiều hướng gia tăng. Khoảng một năm trở lại đây, bệnh viện liên tiếp nhận và điều trị cho khá nhiều bệnh nhân bị chứng này.
Hơn một năm trước, bệnh nhân Hoàng Thị V. (chưa đầy 18 tuổi, trú tại Phú Xuyên, Hà Nội) nhập viện điều trị trong tình trạng bị trầm cảm nặng. Mặc dù ít ngày tới là V. phải thi tốt nghiệp, thi đại học song cô bé buộc phải bỏ dở.
Theo như người thân của V. thì ít tháng trước đó, người nhà phát hiện V. có những biểu hiện bất thường như hay cười tủm một mình, lẩm bẩm, nói chuyện một mình, đi lại thì thất thểu, gọi năm lần bảy lượt mới thưa. Đồng thời cũng hay kêu chán đời, không chịu ăn, thậm chí trốn ăn, không ngủ. Sau một thời gian, V. trở nên gầy mòn, xanh xao khiến bố mẹ vô cùng lo lắng.
Tỉ tê tâm sự, an ủi dỗ dành mãi, V. mới kể với mẹ rằng nhiều tháng nay em thường xuyên truy cập vào mạng xã hội Facebook. Cách đó một tuần V. và bạn thân có mâu thuẫn và cãi nhau trên mạng xã hội. V. còn bị người bạn kia nói xấu, bêu riếu trên Facebook nên em cảm thấy vô cùng chán nản, mệt mỏi. Em trở nên ngại tiếp xúc với bạn bè, người xung quanh, lầm lỳ trong nhà.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, cô bé 17 tuổi ấy còn nghe thấy trong đầu có tiếng nói, đặc biệt là tiếng chửi mình. “Cháu kể rằng liên tục nghe thấy người chửi mình. Cháu trở nên mất kiểm soát hành vi và vô cùng sợ hãi. Tình trạng ngày càng nặng nên chúng tôi quyết định đưa em vào viện” - mẹ của V. chia sẻ
Theo một bác sỹ thuộc Khoa Cấp tính nữ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, mới đây khoa cũng vừa tiếp nhận một nữ sinh 18 tuổi vào điều trị, nguyên nhân ban đầu cũng được cho là nghiện máy tính, điện thoại. Trần P.A (trú tại Đông Anh, Hà Nội) được bố mẹ đưa đến với sự lo lắng tột cùng.
Bố của P.A kể với các bác sĩ, hơn một tháng trước ông bất ngờ phát hiện ra con gái bỏ học ở nhà “ôm” điện thoại. Vốn trước kia P.A luôn là con ngoan trò giỏi, chưa biết bỏ học là gì nay thành ra như thế, gia đình rất lo lắng.
Phân tích, khuyên bảo P.A nhiều lần song cô gái này vẫn không thể bỏ được niềm ham mê “lên mạng”. “Khi chúng tôi cắt mạng Internet, cháu phản ứng rất dữ dội. Sau đó thì tôi phát hiện cháu lấy tiền tiết kiệm mua rất nhiều thẻ điện thoại để truy cập qua mạng di động 3G, 4G. Khi bị tịch thu điện thoại thì cháu đập phá đồ đạc, chửi lại và có hành động phản kháng rất đáng sợ” - bố của P.A kể lại.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, vài tháng trước cũng tiếp nhận một bệnh nhân 14 tuổi, thường xuyên bị co giật mà nguyên nhân cũng liên quan đến nghiện mạng xã hội. Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, ban đầu các bác sĩ tiến hành thăm khám nhưng không nhận thấy các dấu hiệu bệnh lý cụ thể. Sau đó gia đình bệnh nhân chia sẻ, trong một thời gian dài, con trai cứ đi học về là lao vào điện thoại. Ngay cả lúc ăn hay đi vệ sinh cũng ôm điện thoại, mỗi ngày lên đến cả chục giờ đồng hồ.
Tiến sĩ, bác sĩ Tô Thanh Phương thăm khám cho một bệnh nhân từng nghiện thiết bị công nghệ. |
Thấy vậy, phụ huynh đã tịch thu điện thoại. Ngay sau đó cháu sống khép kín, thu mình không giao lưu với ai và bắt đầu bị co giật. Trong đầu cháu cũng xuất hiện hoang tưởng ảo giác, luôn nghe ở đâu đó có câu “mày phải chơi Facebook đi, lúc thì thấy tiếng nói của đàn ông, lúc thì thấy tiếng nói của đàn bà”. Các bác sĩ phải chỉ định dùng thuốc loạn thần một thời gian thì tình trạng ảo giác của bệnh nhân này mới thuyên giảm.
2. Cũng theo tiến sỹ, bác sỹ Tô Thanh Phương, qua một thời gian điều trị nhiều bệnh nhân nghiện thiết bị công nghệ và nội dung số (bao gồm game, mạng xã hội...), có thể thấy nó không chừa lứa tuổi nào. Trong đó trẻ em là lứa tuổi dễ bị nghiện nhất, và dễ gây hậu quả nặng nề nhất.
“Có thời điểm chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân mới 9 tuổi mà đã có những dấu hiệu rất đáng lo ngại. Cháu nhút nhát, gần như không nói năng gì, gặp ai cũng sợ hãi. Người thân cháu kể cháu lúc nào cũng chỉ muốn ở một mình cùng chiếc điện thoại, không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, kể cả bố mẹ.
Gia đình cũng thú nhận là do từ bé đã cho cháu sử dụng smartphone, ban đầu là để cháu dễ ăn uống, đỡ quấy khóc. Lâu dần cháu trở nên bị “nghiện” điện thoại. Bố mẹ ông bà mua đủ thứ đồ chơi nhưng cháu cũng không thèm đoái hoài. Luôn chỉ yêu cầu được sử dụng điện thoại”, bác sỹ Phương kể.
Khi tiếp nhận cháu bé, các bác sĩ phát hiện cháu bị trầm cảm nặng. Cháu đã phải sử dụng những loại thuốc an thần mạnh nhất, để khiến cháu phần nào “quên” đi được sự giày vò vì không được dùng điện thoại. Phải sau gần hai năm điều trị thì cháu bé mới tương đối trở lại bình thường.
Theo người nhà bệnh nhân, cậu bé Trần Văn Đ. mà chúng tôi đã nhắc tới ở phần đầu bài viết cũng được sử dụng điện thoại từ bé. Bố mẹ cháu rất bận nên gần như buông lỏng hoàn toàn, để mặc cháu ở nhà với điện thoại, máy tính bảng - thích chơi gì thì chơi. Các đây 4 năm, cháu đã phải đi điều trị tâm thần một lần rồi. Nhưng lần này bệnh tình trở nên nặng hơn, các bác sỹ tuyến cơ sở nói phải đưa cháu lên điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương.
“Nghiện thiết bị công nghệ, nhìn qua có vẻ rất là đơn giản song nó lại chứa đựng những nguy hiểm lớn. Bởi cũng giống như nghiện chất (như ma túy, nghiện rượu…) người nghiện đều sẽ từ từ bị lệ thuộc vào nó, và liều lượng sử dụng sẽ ngày một tăng dần. Trong vòng 3 đến 6 tháng, người nghiện sẽ có những biểu hiện như mất tập trung, chán ăn chán ngủ… Đặc biệt là nó dẫn đến những biến chứng nặng như trầm cảm, loạn thần. Người nghiện sẽ có những ảo giác và thường dẫn đến việc tự sát”, bác sĩ Phương phân tích.
Bên cạnh đó, chứng nghiện thiết bị công nghệ còn có một vẻ ngoài dễ đánh lừa người ta, đó là “có phải là ma túy đâu mà sợ, trẻ con thì cho nó giải trí một tý chứ, lúc nào cũng học hành nó mụ mị đầu óc đi”. Thậm chí có những bậc phụ huynh còn tỏ ra tự hào vì “con tôi nó giỏi lắm, đến bố mẹ còn không biết sử dụng mà nó cứ dùng nhoay nhoáy”. Đây là điều hết sức nguy hiểm. Lại có bậc phụ huynh dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng để làm “phần thưởng” khi con cái có thành tích tốt trong học tập. Việc này cũng tiềm ẩn những nguy cơ, khi cha mẹ không kiểm soát được thời lượng.
Để tránh việc bị nghiện mạng xã hội, cha mẹ cần quản lý chặt thời lượng sử dụng thiết bị công nghệ của con. |
Theo một chuyên gia tâm lý, có rất nhiều nguy cơ khi để trẻ em, lứa tuổi vị thành niên sử dụng thiết bị công nghệ để chơi game hay vào mạng xã hội với thời lượng dài. Đối với nữ sinh khi tham gia mạng xã hội chính là việc được công khai hình ảnh cũng như cảm xúc của bản thân với một cộng đồng bạn bè, trường lớp hay trong một nhóm cùng sở thích mà các em tham gia. Tuổi mới lớn khiến các em khao khát được khẳng định cái tôi cá nhân.
Rồi những xu hướng thời trang tuổi teen, cảm xúc tuổi teen, tò mò giới tính tuổi teen... mà người lớn thường lờ đi hoặc áp đặt thì chính mạng xã hội sẽ là nơi thôi thúc các em được bày tỏ, thắc mắc và sẽ nhận được vô vàn câu trả lời, hướng dẫn. Chỉ cần mở điện thoại và “vuốt” là các em có thể tìm hiểu được vấn đề mà không phải nghe lời cáu kỉnh, mắng mỏ từ bố mẹ, ông bà. Chính vì thế mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung rất dễ gây “nghiện”.
Còn nam sinh thường bị lôi cuốn bởi những trò game trên điện thoại. Các em luôn khao khát chinh phục những thử thách mới, nên càng ngày lại càng phải dành nhiều thời gian, công sức hơn. Và rồi bị nghiện lúc nào không hay.
Theo các bác sỹ thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, để có thể phát hiện kịp thời con em nghiện thiết bị, các bậc phụ huynh cần phải luôn theo sát những biểu hiện của con cháu. Nếu thấy các cháu sử dụng quá nhiều (dù chưa có dấu hiệu mất tập trung hay mệt mỏi) cũng phải tìm cách hạn chế bớt thời lượng sử dụng. Nếu cháu đã nghiện rồi thì cần đưa đến các trung tâm để điều trị sức khỏe tâm thần. Cũng không nên cho cháu sử dụng lại smartphone, thậm chí điện thoại “cục gạch” cũng không bởi rất dễ bị tái nghiện.
Cần tăng cường cho cháu tham gia các hoạt động vui chơi, thể chất ngoài trời. Đặc biệt, chỉ nên cho những cháu tuổi trưởng thành (trên 18 tuổi) mới được “có riêng” một thiết bị công nghệ cá nhân như smartphone, máy tính bảng... Dưới 18 tuổi thì có thể cho các cháu tiếp xúc, nhưng với thời lượng càng ít càng tốt.
Nguồn: ANTG/Báo CAND