Phóng sự

Phúc phận đời người cứu rỗi gã tù mang bản án chung thân

09:24, 29/12/2013 (GMT+7)

Gã có tên là Phạm Văn Trắng, nghe đến đã thấy khác lạ, như dự báo một tương lai khó đoán định. Quả thực, đời gã đầy những ngã rẽ, tiếc nuối nhất có lẽ là gây án giết người khi đang là thủy thủ của Cục Vận tải biển, làm việc tại quê nhà Hải Phòng. Án chung thân là cái giá mà gã phải trả, thụ án tại Trại giam số 3 Tân Kỳ (Nghệ An). Song, phúc phận đời người đưa gã đến với tình duyên của một người con gái sống cạnh trại giam, và mối tình ấy đã cứu rỗi gã.

Anh Phạm Văn Trắng.
Anh Phạm Văn Trắng.



17 năm sau, nhờ tình yêu, gã trở thành người tự do, chọn luôn mảnh đất tình người phía sau trại giam để lần về nẻo thiện.

Tuổi trẻ lầm lạc và bản án giết người

Phạm Văn Trắng sinh năm 1958 trong một gia đình nông dân nghèo, có 6 anh chị em ở xã Tiên Tiến, huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng). Mặc dù gia cảnh khó khăn, nhưng vì là con út nên gã được cung phụng đầy đủ, học hành thành đạt. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, gã thi vào ngành hàng hải, hoàn thành khóa học trung cấp, gã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Những năm rèn luyện trong quân ngũ đã khiến cho chàng trai 20 tuổi trưởng thành, dạn dĩ hơn với cuộc sống xô bồ. Ra quân, gã xin chân lái tàu tại Cục Vận tải biển, cuộc sống lênh đênh trên những chuyến tàu ra khơi xa, chỉ gần gũi gia đình những khi nghỉ phép. Gã bảo, tuổi trẻ nhưng thời gian xa nhà quá nhiều, nên gã dành cho mẹ một tình cảm đặc biệt, thương mẹ còn hơn cả lo cho bản thân mình. Cũng bởi tình thương ấy, gã đã gây ra vụ thảm án rúng động thành phố Hoa Phượng đỏ ngày ấy. Chuyện xuất phát từ mâu thuẫn giữa mẹ chồng với nàng dâu. Ngày đó, anh chị em ra cửa nhà sớm nên bố mẹ của gã ở cùng với vợ chồng anh trai đầu của gã, vừa để có nơi nương dựa khi trái gió trở trời, song các cụ cũng đỡ đần anh chị trong việc trông nhà, chăm cháu.

Một đêm cuối tháng 7/1980, gã vừa trở về sau chuyến lênh đênh trên biển dài ngày, khi đặt chân đầu xóm đã nghe người dân nhỏ to chuyện gần đây chị dâu gã đối xử không tốt với bố mẹ chồng khiến các cụ rất đau khổ. Khi hỏi chuyện thì các cụ thân sinh đã chối phắt, trong khi thái độ của chị dâu rất khó chịu lại khiến cho gã thêm phần sinh nghi. Đêm ấy, sau khi uống rượu, lựa lúc mọi người ngủ say, nỗi căm hận người chị dâu bội bạc nhen lên, gã đã ra tay sát hại rồi lẳng lặng bỏ vào bao tải, đưa lên tàu và trên chặng hành trình tiếp theo của mình sau đó, gã đã phi tang bằng cách vứt xác xuống biển khơi.

3 tháng sau, khi chuyến ra khơi trở về, tàu vừa cập bến, cảnh sát đã ập đến bắt khẩn cấp gã về tội giết người. Gã không biết cảnh sát đã làm thế nào để biết được thủ phạm chính trong vụ chị dâu mất tích là gã, nhưng đã cúi đầu khai nhận mọi tội lỗi. Tháng 12/1980, TAND TP Hải Phòng mở phiên tòa xét xử công khai, tuyên án gã chung thân. Sau một thời gian thụ án tại trại giam Hoành Bồ (Quảng Ninh), gã được đưa về trại giam số 3 tại Nghệ An để tiếp tục thụ án. Gã bảo, với tội ác của gã ngày đó, pháp luật khoan dung cho gã được sống là một ân huệ không hề nhỏ, nên khi vào tù, gã xác định quãng đời còn lại sẽ sống tốt trong tù để lương tâm đỡ bớt phần day dứt khi nghĩ đến lầm lỗi trong quá khứ.

Song, chính gã cũng không ngờ rằng, trại giam không chỉ là nơi gã gột rửa tâm hồn mà còn là bến đậu hạnh phúc của cuộc đời mình. Những ngày thụ án tại trại giam số 3, được sự khích lệ, động viên của cán bộ quản giáo, gã đã tu tâm cải tạo, trở thành một phạm nhân ngoan hiền nên theo năm tháng, gã đã được giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù. Thụ án được 17 năm, gã được ân xá. Ngày ra khỏi cánh cửa nhà giam, gã là phạm nhân hạnh phúc nhất, khi có một “người vợ” và đứa con nhỏ kháu khỉnh đứng đón ngay trước cổng trại. Đấy là kết quả của mối tình đẹp, dù anh ở trong song sắt, em ở ngoài trại giam nhưng họ không hề biển trời cách biệt, gã đã có một tình yêu như cổ tích trong thời gian thụ án, và đó cũng là lý do đã níu giữ gã ở lại mưu sinh, lập nghiệp ở mảnh đất nghèo này.

Tình yêu kỳ diệu cứu rỗi phận tù tội

 

 Anh Trắng với công việc hiện tại của mình.
Anh Trắng với công việc hiện tại của mình.

Kể về mối tình của mình, gã cho biết, trong thời gian thụ án tại trại giam, gã luôn chấp hành tốt mọi nội quy nên được cán bộ quản giáo tin tưởng, giao cho làm đội trưởng đội tự quản phạm nhân, rồi buồng trưởng buồng giam. Sau này, khi thời gian ở tù đã hơn 10 năm, gã đủ tin tưởng để hằng ngày cho ra ngoài khuôn viên trại, làm kinh tế. Sau thời gian học nghề mộc và trở thành tay thợ lành nghề, gã được giao trọng trách đảm nhận nhóm đi làm mộc lưu động tại các gia đình có nhu cầu trên địa bàn xã Nghĩa Dũng, nơi trại giam đóng chân. Trong những chuyến rong ruổi tích cóp đường hoàn lương ấy, gã đã gặp vợ gã bây giờ, ngày đó là một cô giáo dạy tiểu học.

Nguyễn Thị Nhật là tên cô giáo đã phải lòng gã trong những ngày gã lưu lại đóng bàn ghế cho gia đình. Nhật gặp trắc trở trong tình duyên, khi được hai đứa con thì chồng bỏ nhà đi biệt theo tiếng gọi ái tình. Ngày tình phụ, cô giáo trẻ đã thề sẽ ở vậy nuôi con, và mang nặng tư tưởng thù ghét đàn ông. Thế nhưng, gặp gã, một người hiền lành chất phác, ngay cả khi khoác trên mình bộ quần áo sọc dọc, sự hiền lành vẫn toát lên trên gương mặt, nụ cười gã, và cô giáo Nhật đã xao xuyến. Gã cũng nhận ra tình cảm ấy của cô giáo làng, vậy nên khi kết thúc công việc tại nhà Nhật, cũng là khi có một luồng gió mới đã len nhẹ trong tim của hai người.

Sau này, những khi được ra ngoài, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, gã lại đến trường nơi cô Nhật dạy để được nhìn thấy người thương, lắm khi khiến cho cô giáo trẻ không tránh khỏi những điều dị nghị, lời ong tiếng ve. Song tình yêu, khi đã cùng chung nhịp đập con tim, khó có thể có sức mạnh nào ngăn cản. 4 năm yêu nhau như thế, khi nào rảnh rỗi gã lại tìm cách hẹn hò. Cũng từ đấy, hằng tháng gã đã có người thăm nuôi thường xuyên, khác hẳn với mười mấy năm qua, gã chẳng có ai đoái hoài. Cho đến khi gã được giảm án, cơ hội về lại với đời ngắn hơn, trong một lần gặp nhau, họ đã sống trọn vẹn cho nhau, dù chỉ trong khoảnh khắc. Cũng không ngờ được rằng, lần gặp nhau ấy, cô giáo Nhật đã mang trong mình giọt máu của gã. Bất luận bố mẹ đòi từ mặt, bạn bè, hàng xóm xa lánh, cô Nhật vẫn quyết giữ đứa bé để chờ ngày sinh nở, và chờ luôn bố nó đang ở trong tù. Ngày “vợ” sinh con, gã buồn lắm vì không thể nhìn mặt con, dù gần nhau chỉ gang tấc. Sau đánh bạo, gã báo cáo chuyện đời mình với Ban giám thị với tâm trạng vừa hi vọng vừa lo lắng, không ngờ cán bộ hiểu chuyện, ủng hộ và cho phép gã gặp con của mình. Sau lần ấy, gã càng quyết tâm tu tâm cải tạo thật tốt để sớm trở về đoàn tụ với hạnh phúc có thật của mình.

Ngày ra trại, đã 39 tuổi, gã vẫn nhớ rất rõ cảm giác hạnh phúc ngập tràn khi thấy Nhật bồng đứa con nhỏ đứng chờ bố trước cổng trại. 4 năm với bao đắng cay tủi nhục cho Nhật, đến giờ hạnh phúc mới được đáp đền. Nghĩ vậy nên gã quyết bù lại cho hai mẹ con bằng cách về Hải Phòng báo cáo lại với gia đình mọi chuyện rồi khăn gói ngược trở lại Tân Kỳ. Tết Nguyên đán năm 1997, hai vợ chồng tổ chức đám cưới, ghi nhận mối tình ngọt ngào của hai người. Sau khi cưới nhau, gã không về quê mà chọn mảnh đất này để lập nghiệp, đồng thời tri ân những người đã khai sinh ra mình lần thứ hai trong cuộc đời này.

Sau khi lập gia đình, gã hạnh phúc hơn khi không chỉ được gia đình vợ, làng xóm đón nhận mà hai đứa con riêng của cô Nhật cũng gọi gã bằng bố, khiến gã hạnh phúc ngập tràn. Với chút vốn liếng có được, gã tiếp tục duy trì nghề mộc, chị Nhật ngày hai buổi đến trường. Cách đây 3 năm, đôi mắt gã bỗng dưng mờ đi, không phù hợp với nghề đòi hỏi sự tinh xảo và khéo léo như làm mộc nên gã dẹp xưởng, chuyển sang chăn nuôi trâu bò, làm đồng ruộng để nuôi con ăn học. Với gã, người tù chung thân mang tên Phạm Văn Trắng, sau bao thăng trầm số phận, giờ gã đã trở thành một người chồng, một ông bố giàu có hơn bao người khi bên mình luôn có người vợ hiền bao dung và những đứa con hiếu thảo, giỏi giang và thành đạt

CSTC

Các tin khác