Phóng sự

30665

Khóc ròng 'cơm núi'

08:20, 12/09/2013 (GMT+7)
Cáng khiêng thì đã may mắn, nhiều người đã không còn sống sót để có ngày trở về đoàn viên cùng gia đình. Hậu quả là không biết bao nhiêu ngôi nhà “mất nóc”, vợ mất chồng, em mất anh, con mất cha, không khí tang thương bao trùm cả một vùng quê nghèo. Nhưng mà, như người dân ở đây nói: "Ối giời, không ăn cơm núi thì lấy cái gì mà ăn?".
 
Ở nơi đá gọi là "cơm"
 
Từ lâu, làng Pháp Cổ, thuộc xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng chỉ có độc mỗi một nghề kiếm ăn là treo mình trên những vách núi tử thần để khai thác đá.
 
Mặc dù biết là bao tai họa rình rập thường xuyên nhưng với vùng đất quanh năm suốt tháng mở mắt ra là núi đá, là tiếng mìn nổ và cảnh xe tải tấp nập từ các máng đá đi đi lại lại như đi chợ này thì đá là cơm ăn, đá là áo mặc. Người dân nơi đây gọi thứ đá trầm tích tích tụ qua hàng triệu năm của tự nhiên ấy bằng một cái tên có vẻ mĩ miều hơn là "cơm núi".
 
Cũng vì thứ cơm đặc biệt ấy mà không kể già trẻ, lớn bé nối tiếp nhau dấn thân vào nghề khai thác đá. Có gia đình cả mấy thế hệ cùng làm nghề như một vòng tròn vừa khít của một cuộc mưu sinh nhọc nhằn.
 
Công cụ khai thác thô sơ, đồ bảo hộ lao động không có, chỉ với chiếc máy khoan và dây thừng đơn giản, hàng trăm người được xem là "nóc nhà" của thôn Pháp Cổ dẫn nhau lên núi kiếm ăn để hằng ngày những người phụ nữ ở nhà mòn mỏi chờ đợi người thân của mình trở về.
 
Trong những tháng ngày mòn mặt trên núi ấy đã xảy ra không biết bao nhiêu trường hợp ngã đá rất thương tâm. Có người bị mảnh đá lớn rơi vào người cắt sém cả hai chân, có người hai cánh tay thì khuyết mất một… nhưng dẫu sao đó vẫn là một may mắn vì họ còn có ngày về.
 
Hàng trăm người đã ngã xuống và chết vùi trong đá. Nếu mỗi gia đình là một ngôi nhà trong "bản đồ số phận" thì nhìn vào bản đồ số phận của làng Pháp Cổ, có tới hơn 120 "ngôi nhà mất nóc". Vì những người đàn ông giữ vai trò trụ cột đã ra đi sau lần ngã đá kinh hoàng, chỉ còn những người phụ nữ ở lại chèo chống, gồng gánh cả gia đình trên lưng và những đứa con thơ vĩnh viễn mồ côi bố.
 
Ông bà ta vẫn nói, "con không cha như nhà không nóc", "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn" thì một người đi mất rồi, người ở lại sẽ phải làm gì để tát nốt những phong ba cuộc đời dài đằng đẵng phía trước đây?
 
Khu núi đá Trượt dài khoảng 2km, là nơi những cú ngã đá thương tâm xảy ra

Hơn 120 ngôi nhà "mất nóc"
 
Với bà Nguyễn Thị Minh, 46 tuổi, xóm 5, có chồng là ông Trần Văn Thuấn bị ngã đá rồi chết dường như cuộc đời là chuỗi ngày dài lê thê, tủi cực và đầy nước mắt. Tính đến nay đã 17 năm kể từ ngày ông Thuấn khuất núi, nhưng hễ nhắc lại chuyện cũ, nước mắt của người đàn bà này lại giàn giụa: "Chúng tôi lấy nhau được mấy năm thì anh ấy mất. Chồng mất, mình tôi tay xách nách mang hai đứa con thơ dại, hai bên nội ngoại đều nghèo khổ như nhau nên chẳng ai giúp được gì. Chỉ biết than thân trách phận thôi, không làm nghề đó thì biết làm gì để sống. Không bao lâu sau cái chết của chồng thì một thời gian ngắn sau đó, cậu em ruột là Nguyễn Văn Hoàng, 37 tuổi cũng ra đi khi khoan đá, chôn mìn trên núi".
 
Lại có những gia đình có tới hai, ba thế hệ góa bụa trong nhà. Họ là bản sao không tì vết của nhau. Để rồi đi ra đi vô chạm mặt nhau, nhìn vào chiếc bóng của nhau rồi cùng héo hắt theo ngày tháng.
 
Đó là trường hợp gia đình cụ Ngô Thị Kim Tý, 72 tuổi, ở xóm 5. Chồng cụ mất khi cụ mới 31 tuổi, một mình cụ nuôi 6 đứa con. Anh con trai út của cụ là Nguyễn Văn Long cũng cầm khoan lên núi, rồi cũng ra đi mãi mãi ở tuổi 32. Con dâu bà là chị Trần Thị Hậu chịu cảnh góa bụa nuôi 2 đứa con nhỏ dại.
 
Trường hợp cụ Nguyễn Thị Khíu, 90 tuổi ở xóm 5 thì bi đát hơn khi chồng mất sớm vì tai nạn, mình cụ nuôi 8 người con trai còn nhỏ. Nghèo khó, chẳng được học hành đến nơi đến chốn, lại chẳng có đất nông nghiệp để cày cấy nên những người con của cụ lại theo dấu chân của các bậc cha chú treo mình trên những vách đá. Và trong số đó, 3 người con trai cụ lần lượt ra đi để lại cho người mẹ già một nỗi buồn vô hạn.

Chị Nguyễn Thị Minh xúc động khi kể lại hoàn cảnh của mình

Theo nhiều người dân thôn Pháp Cổ, cụ Khíu bị các con đối xử không được hiếu thuận cho lắm. Cả một đời héo úa, tàn tạ vì chồng vì con thì đến nay, vào cái tuổi gần đất xa trời, cụ vẫn phải lê từ nhà người con này sang nhà người con khác để ở, chờ ngày khuất núi theo chồng vì các con cụ không ai chịu đứng ra nuôi mẹ.
 
Quả phụ Bùi Thị Vi, con dâu cụ, vắng chồng nên cửa nhà tan hoang, không có nổi một đồng sửa chữa, đến giờ vẫn ở nhờ hàng xóm. Bà có ba đứa con trai thì một đứa nghiện ma túy, một đứa đi tù, đứa còn lại lam lũ, vất vả chẳng khác gì mẹ. "Con không cha như nhà không nóc", đời góa cơ cực đủ đường.
 
Chị Đỗ Thị Chuyên, xóm 7, hoa khôi một thời của làng Pháp Cổ cũng không thoát khỏi phận góa bụa. Cũng như số phận của nhiều người cùng làng, tai nạn đá đã cướp đi người chồng thân yêu của chị, bỏ lại cho chị, lúc ấy mới 22 tuổi, 2 đứa con thơ.
 
Và suốt 15 năm qua, để nuôi dạy con nên người, chị phải làm thay công việc của chồng. Vất vả, cực nhọc là một nhẽ nhưng sự trống trải, cô đơn, không người chia sẻ đôi lúc là một nỗi hoảng sợ khủng khiếp, trùm lấp lên cuộc đời của người phụ nữ này.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả làng Pháp Cổ có tới 120 người phụ nữ góa bụa. Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây cho biết số lượng lớn hơn rất nhiều. Riêng xóm 5 đã có hàng chục hoàn cảnh gia đình như nhà bà Minh, cụ Khíu, cụ Tý, chưa kể người ở các nơi khác tụ về đây làm nghề khai thác đá.
 
Có nhiều người bị chết vì ngã đá quá, đến nỗi chuyện cũng trở nên quen thuộc, không còn là một điều đáng bàn ở vùng đất mà người dân chẳng biết "ăn" gì ngoài "cơm núi". Giờ đây, hễ có ai mất, thấy cờ trắng phất lên thì người dân lại chép miệng "Ai thế", "Thằng nào", "Lại ngã đá rồi".
 
Ông chủ tịch xã bảo tất cả chỉ là một dư luận… sai?
 
Cùng với nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất xi măng và sản phẩm khác ngày một tăng cao nên TP Hải Phòng đã có quy hoạch cụ thể hoạt động khai thác. Theo đó, lời kêu gọi phòng chống sản xuất, mua bán, tàng trữ mìn và khai thác đá trái phép được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số máng đá vẫn bất chấp, mìn vẫn nổ bỏ qua những hiểm họa và hệ lụy cho người dân.
 
Nội dung tin nhắn từ số điện thoại của ông Chủ tịch UBND xã Lại Xuân

Trong khi đó, dù một số báo đài có đưa tin về việc trong số những cơ sở khai thác đá tại khu núi Trượt có mỏ đá, Nhà máy xi măng Phúc Sơn đã sử dụng phương pháp mới, khoa học hơn là khai thác cắt tầng thì nhiều người dân ở đây, có cả công nhân làm tại nhà máy này khẳng định chẳng qua đó là "bịt mắt thiên hạ"chứ phương pháp chủ yếu vẫn là thủ công và khai thác đá "thổ phỉ".
 
Khi những tai nạn đá thương tâm vẫn chưa thôi là một cơn ám ảnh triền miên với hàng trăm góa phụ của làng Pháp Cổ thì một dư chấn khủng khiếp lại xảy ra vào 21/05/2012. Những thợ khoan còn nhồi thuốc chưa kịp về nơi tập kết để đóng điện thì không ngờ mìn nổ dữ dội trước thời gian ấn định do có ảnh hưởng của sấm chớp.
 
9 thợ đá thiệt mạng ngay tại chỗ. Không khí tang thương bao trùm cả làng quê nghèo. Hôm ấy, Pháp Cổ ngập tràn khăn trắng. Nhìn người mà tủi phận mình, có lẽ vào cái ngày hôm đó, kí ức của mỗi người quả phụ chưa bao giờ sống lại mồn một như thế.
 
Nỗi đau vẫn còn đó, những người còn lại cũng còn đó, tuy nhiên khi đem những mất mát này trao đổi với ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Lại Xuân qua điện thoại thì ông Trường khẳng định không hề có tình trạng đó và dường như ông hết sức bàng quan: "Xã tôi có một dư luận như vậy nhưng dư luận đó là sai. Tất nhiên nơi nào cũng có bà góa, góa già góa trẻ đều có. Ở nơi nào cũng thế thôi, có đâu riêng gì xã tôi, tai nạn xảy ra là rất nhiều. Chuyện bình thường, có gì đáng nói đâu".
 
Khi chúng tôi hẹn trao đổi trực tiếp thì ông này cáo bận với lí do họp thường vụ, còn nói thêm: "Báo thích phản ánh gì thì cứ phản ánh. Còn tiếp báo chí hay không là quyền của chúng tôi". Tuy nhiên, 2 giờ sau cú điện thoại vừa rồi, một tin nhắn từ số máy của vị chủ tịch này gửi đến điện thoại di động của phóng viên hẹn ngày trở lại để “giao dịch”.

CSTC

Các tin khác