Phóng sự
30376
Gặp người ở bên Bác Hồ tại Tân Trào lịch sử
10:00, 01/09/2013 (GMT+7)
Ông là Đại tá Nguyễn Việt Cường, người y tá từng dám liều chích thuốc cứu Bác Hồ lúc Người trong cơn nguy kịch tại lán Nà Lừa ngày 15-7-1945, người được cử làm Trưởng ban hậu cần lo nấu cơm phục vụ Quốc dân Đại hội Tân Trào ngày 16-8-1945 nay đã 89 tuổi, song vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, tràn đầy nhiệt huyết. Tại ngôi nhà bên sông Tô Lịch, Hà Nội chiều cuối tháng Tám này, ông đã dành cho tôi cuộc trò chuyện về những gì diễn ra tại “Thủ đô Cách mạng” những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945...
Người tiêm thuốc cứu “ông cụ”trong cơn nguy kịch
Nhân chứng cuối cùng của Thủ đô cách mạng Tân Trào ngồi đó, trên ngực áo trắng đeo huy hiệu Bác Hồ, phong thái đĩnh đạc. Ông Nguyễn Việt Cường vào chuyện: Tôi tên thật là Nguyễn Đức Kính, sinh năm 1925, ở làng Khau Chủ, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Còn cái tên Nguyễn Việt Cường là của anh Khang tức Đại tướng Hoàng Văn Thái đặt cho đấy. Tôi được anh Thái đặt cho là Việt Cường ý nói đất Việt lớn mạnh.Tôi được ở bên cạnh anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) tại nhà ông Hoàng Trung Dân bản Tân Trào. Trước đấy, là một trí thức người Tày, tôi từng được đưa về Hải Dương học trường trung cấp y tá, sau Nhật đảo chính thì về quê và theo cách mạng. Trước khi về Tân Trào, tôi gặp một người lính làm việc cho sở Đoan của Pháp nhưng có tư tưởng yêu nước muốn theo Việt Minh và là người quen, xin được cái máy chữ và ít bơm tiêm mang theo. Hành trang về Tân Trào có hai thứ quan trọng. Điều đáng nói nhất là sau này tôi đã dùng hai thứ ấy để làm hai việc lớn nhất - hai “sự kiện” khó khăn nhất, ấn tượng nhất trong đời hoạt động của tôi là hai việc làm mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn... run.
Việc thứ nhất: Tôi tiêm thuốc cứu Bác Hồ trong cơn nguy kịch. Lúc đó tôi chỉ biết đó là “ông cụ” - một nhân vật mà theo tôi là khá quan trọng. Tôi nhớ như in đang buổi chiều ngày 15-7-1945, anh Văn từ lán Nà Lừa về bảo tôi: “Cường mang theo thuốc men và theo mình lên chỗ “ông cụ” để kịp cứu cụ. Là một thanh niên theo các anh đi làm cách mạng, tôi chưa biết “ông cụ” là ai, chỉ biết đó là một cụ già gầy yếu đang trong cơn nguy kịch. Mạch đuối lắm, mắt cụ trông rất mệt mỏi... Tình thế ấy khiến anh Văn bối rối vô cùng. Tôi không còn cách nào khác là muốn cứu người mà theo linh cảm đây là một người quan trọng, có lẽ là cấp... phó của anh Văn.
Theo nguyên tắc, y tá không được tự tiện chữa bệnh, nhưng lúc này tôi phải tuân thủ mệnh lệnh của anh Văn, tôi lấy ống kim tiêm, chích cho cụ một mũi thuốc long não trợ lực. Vài phút sau thấy cụ cử động được. Hai anh em mừng quá, nhưng vẫn chưa hết lo. Rồi mươi phút sau thấy ông cụ mở mắt nhìn anh Văn. Vừa thấy anh Văn, ông cụ hình như sợ lỡ mất việc gì quan trọng nên dặn luôn ba ý. Theo tôi, đó là một chỉ đạo có tính chiến lược. Giữa rừng xanh núi thẳm như vậy, sau trận sốt thập tử nhất sinh mà cụ vẫn vô cùng sáng suốt. Trong những điều “ông cụ” dặn anh Văn, tôi thấy có câu nói mà sau này đã thành bất hủ: “Dù có đốt hết dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được tự do độc lập”... Thấy lời dặn dò của cụ quan trọng quá, tôi tự giác ra ngoài để hai người tiếp tục câu chuyện hệ trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Đến lúc ấy tôi vẫn chưa biết “ông cụ” là ai chỉ biết chắc chắn là người ấy phải “to“ hơn anh Văn rất nhiều, mới có việc dặn dò quan trọng thế.
Sáng hôm sau lên lán Nà Lừa tôi đã thấy “ông cụ” dậy ngồi đánh máy chữ rất sớm. Dáng cụ tiều tụy vì sốt rét, da cụ xanh xao... Tôi lễ phép:
- “Thưa cụ, anh Văn bảo tôi lên tiêm thuốc cho cụ...”.
Ông cụ quay lại nhìn tôi rất nghiêm:
- Hôm qua chú tiêm thuốc gì cho tôi mà “độc” thế?
Tôi hốt hoảng: “Thưa cụ chỉ là thuốc cảm thôi ạ”!
- Tiêm vào đâu? “Dạ tiêm vào đùi ạ!” - Sao tôi thấy đau trên đầu. “Dạ chỉ là tinh dầu thôi ạ. Chắc cụ thiếu máu nên mới đau đầu...”.
- Thế thì chú tiêm tiếp đi.
Lúc tôi đang ngồi luộc kim tiêm dưới lán thì “ông cụ” xuống ngồi cạnh: Chú con ai mà biết tiêm?
- Dạ cháu học trường y tá thực hành Bắc Kỳ rồi ạ. Khi về quê thì đồng chí Khang gọi đi Việt Minh đấy ạ!
Cụ dặn tôi: “Làm cách mạng phải gian khổ. Phải học tập mới làm được”.
Ngày thứ hai tôi tiêm cho cụ một ống ký ninh chống sốt rét. Đến ngày thứ ba lên tiêm thì cụ bảo: “Thôi tôi khỏi rồi đừng tiêm nữa”. Tôi chạy về báo cáo anh Văn, lát sau anh bảo: “Đi với tôi” rồi dẫn tôi lên lại lán. Tôi thấy anh Văn bước lại ngồi cạnh “ông cụ”, nói: “Thưa anh! Tình hình rất khẩn trương. Anh lại bị sốt như thế, nên tiêm thêm mấy mũi nữa mới khỏi...” - “Thế thì chú tiêm đi” - “ông cụ” nói.
Hai sự kiện lớn nhất tại Tân Trào ngày 16-8-1945
Là người giúp việc anh Văn, tôi thường đánh máy những văn bản cần thiết nhưng hôm anh Trần Huy Liệu đã đưa bản Quân lệnh số 1 do Bác soạn cho chị Trần Thị Minh Châu đánh và chị Châu đã giao cho tôi đánh lại cho nhanh vì thời gian rất gấp nên không còn cách nào khác... Sáng 16-8-1945, 7 giờ 30, dưới gốc đa Tân Trào trong lễ xuất phát của đoàn Giải phóng quân về giải phóng Thái Nguyên, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã trịnh trọng đọc bản Quân lệnh số 1. Trong khi đó tại đình Tân Trào, hơn 50 đại biểu cả ba miền Bắc - Trung - Nam về họp Quốc dân Đại hội đã tề tựu cùng anh Tống (tức đồng chí Phạm Văn Đồng). Tôi thấy có cả những nữ đại biểu miền Nam thướt tha trong tà áo dài rất đẹp và trong khung cảnh rừng núi, lúc ấy thật là lãng mạn... Tôi được giao làm công tác hậu cần cho Đại hội. Hai đầu bếp chuyên nghiệp của chủ đồn điền ở Vĩnh Yên được bí mật mời lên phục vụ nấu ăn. Tân Trào mưa, không thể vào rừng lấy củi, tôi phải đi vào nhà dân xin củi, mượn thêm xoong nồi bát đũa phục vụ Đại hội. Anh Tống gọi tôi đến bảo: “Đồng chí lên mời “ông cụ” xuống họp”. Tôi vâng lệnh chạy lên lán Nà Lừa thưa: “Thưa cụ, ông Tống mời cụ xuống họp ạ!”. Ông cụ hỏi lại:
- Chuẩn bị xong rồi à?
Khi đi qua khe nước lạnh, sợ cụ ốm mệt tôi ghé lưng muốn cõng cụ qua suối “ông cụ” xua tay: “Không! Tôi sang được”. Rồi cụ tự xắn quần lội qua con suối. Lúc sắp đến sân đình Tân Trào tôi thấy anh Tống ra đón “ông cụ”. Cụ dừng lại lấy tay xả ống quần xuống rồi vuốt lại cho thẳng, đoạn cài lại cúc cổ chiếc áo chàm cho chỉnh tề rồi bước vào hội trường... Tôi nghe anh Tống giới thiệu: “Đồng chí Hồ Chí Minh” thì hết sức ngỡ ngàng. Khi thấy cả hội trường đứng dậy vui mừng chào đón cụ thì tôi vô cùng xúc động vì lần đầu tiên tôi nghe tên lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tôi bàng hoàng vui sướng vì mình có vinh dự vừa mới tiêm thuốc cứu vị lãnh tụ tối cao của dân tộc mà không biết...
Đại hội thông qua Chương trình Việt Minh, Phát động Tổng khởi nghĩa, lập Ủy ban Dân tộc giải phóng và bầu ra Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Buổi chiều, Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân tại sân đình Tân Trào. Dân rất ít, chỉ có một trung đội Giải phóng quân tề tựu bồng súng chào và bắn ba loạt đạn chào mừng sự kiện trọng đại... Ngay tối ấy các đại biểu phải lên đường về lại địa phương chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền...
Bồi hồi ôn lại chuyện xưa, những ngày vinh dự hiếm hoi được ở gần bên Bác, ông Nguyễn Việt Cường lặng người đi khi nhắc đến hình ảnh vị lãnh tụ đất nước mà hành lý lúc bấy giờ chỉ có một bộ quần áo chàm trong cái tay nải. Ông Lê Giản thì chỉ có độc mỗi cái quần cộc... Ông chợt nhắc chuyện cũ: “Hôm chuẩn bị để tiễn “ông cụ” đi họp với Đồng minh ở Côn Minh, Trung Quốc, phải đi mượn vali, mượn ghế đẩu của dân làm cáng khiêng cụ từ Tân Trào ra sân bay Lũng Cò để máy bay Đồng minh đón cụ đi họp vì cụ đang rất yếu... Bây giờ nhớ lại, thương Bác quá!...”.
Ông Nguyễn Việt Cường tâm sự: “Được ở bên Bác những ngày ấy, mãi mãi sau này tôi luôn nghĩ về Bác, học tập tác phong, đạo đức của Bác và nguyện sống và cống hiến thật nhiều cho đất nước. Vừa rồi Đài truyền hình làm phim về những ngày tháng Tám ở Tân Trào, tôi đã đính chính chi tiết một số người viết trong hồi ký không chính xác về Bác Hồ tại Quốc dân Đại hội rằng “Một cụ già ốm yếu ngồi cạnh cột đình” hoặc có người viết: “Cụ xắn quần móng lợn bước vào hội trường...”. Viết như vậy là chưa chính xác. Bác rất chỉnh tề trong tác phong dù ở đâu, dù hoàn cảnh nào. Nói lại được điều này, tôi thấy lòng thanh thản...”.
ANTĐ