Phóng sự
30044
Nguyên sơ như núi rừng
09:00, 17/08/2013 (GMT+7)
Hai người phụ nữ của bản hút thuốc |
Suốt một năm, những hạt thóc giống chắc mẩy đã được cất kín trong gùi, gác trên giá bếp, nay gieo xuống lòng đất theo phương thức canh tác có lẽ không thay đổi suốt cả nghìn năm tất nhiên phải cầu mong thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ sao cho sẽ mọc thành những rẫy lúa khỏe mạnh, không sâu bệnh, không bị chim chóc hay thú rừng về phá.
Trong đời sống của cộng đồng Bru Vân Kiều, đây là lễ hội được mong chờ cũng ngang với lễ mừng cơm mới, khi đó quần áo đẹp được mang ra, những ghè rượu được ủ suốt cả năm được khui, và những bài cúng cổ xưa lại được thầy cúng đọc lên giữa đại ngàn. Có lẽ chỉ ở đây, trên gò đất cao dưới chân đỉnh núi Chồng, nơi có 3 gốc đại thụ tỏa bóng, chúng tôi mới bắt gặp được thật nguyên vẹn những tập quán ngàn xưa truyền lại, từ khám thờ 2 tầng dựng bằng tre cho tới những trò chơi dân gian vui vẻ, từ ông thầy cúng râu tóc trắng phau cho tới nghi thức hiến sinh, dâng vật phẩm lên trời đất. Thật khác với những lễ cúng được tổ chức theo kịch bản mà tôi đã bắt gặp quá nhiều trên vùng Tây Nguyên, vốn được làm ra để thu hút du lịch và thỏa mãn lòng hiếu kỳ của những nhà văn hóa quen ngồi trong trụ sở hơn là đi điền dã.
Từ sáng sớm, dân bản đã rục rịch chuẩn bị cho ngày hội, từ đám trẻ nhỏ quen bơi lội như rái cá dưới dòng suối cho tới đám các bà, các chị lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc rê trên môi. Tất nhiên việc cơm nước chủ yếu do đám phụ nữ lo liệu, còn cánh đàn ông lo dựng khám thờ, bắt lợn… Nghi thức hiến sinh rất được coi trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc sinh sống trên dải núi Trường Sơn, và chú lợn ngày lễ phải được lựa chọn cẩn thận, sau khi bị buộc trói dưới đất sẽ được rắc gạo, rót rượu xung quanh cùng bài cúng dài của già làng Hồ Văn Ai.
Đã gần 80 tuổi, già có mái tóc trắng xõa ngang vai, khuôn mặt quắc thước và luôn đóng vai trò thầy mo của bản Khe Cát. Nghi thức cúng hiến sinh là sự khởi đầu cho bài cúng dài đầy màu sắc kỳ bí dưới khám thờ, chiếc khám có 2 cây kiếm gỗ cắm 2 bên, được đặt đủ các món lễ vật của con người dân tới trời đất thần linh và ông bà tổ tiên của người dân bản. Ai đã một lần được chứng kiến già làng cúng đều sẽ nhớ mãi không quên, dù chỉ 1 lần, bởi cách cúng khá độc đáo, mang trọn vẹn sắc màu nguyên sơ như chính núi rừng hoang sơ chốn này.
Lễ cúng, ông già tóc trắng là thầy mo Hồ Văn Ai
Cũng ngồi trước khám thờ và cầu cúng, cũng là gửi gắm lên thần linh nguyện ước của bà con dân bản mong được một mùa vụ yên lành, có hạt lúa mẩy, có mưa thuận gió hòa, song cách cúng của ông Hồ Văn Ai vừa chất phác, vừa pha trộn một chút kỳ bí khiến người lạ thấy hơi rợn trong tâm trí. Hua lên trước mặt lưỡi dao sắc, già làng bỗng như biến đổi hẳn dáng hình, không còn nữa một cụ già hiền hậu, thay vào đó là một ông thầy cúng đầy quyền năng, cặp mắt như xạ ra những tia sắc lạnh. Rất tiếc lần này già không thi triển phép cúng đã lừng danh khắp dải núi rừng, đó là giữ cho cây dao sắc đứng thẳng, trên đó buộc lủng lẳng miếng thịt, túi gạo nhỏ… Cây dao cứ cắm mũi xuống đất, đứng thẳng mà không cần giữ trong suốt thời gian cầu cúng và phù chú, điều huyền hoặc này đã được khá nhiều người khẳng định là có thật, kể cả cô bạn đồng nghiệp bên truyền hình Quảng Bình cũng cam kết đang lưu giữ đoạn băng ghi cảnh đó. Thế mới biết trong dải núi rừng hoang sơ này còn lưu giữ biết bao điều chưa được khoa học lý giải, đã hiện hữu suốt ngàn năm theo đời sống của các cộng đồng dân tộc anh em.
Vậy mà cũng là già Hồ Văn Ai, khi cầm chiếc kèn ta-riêng, cây sáo khơ-lui ra thổi dưới gốc cây ngoài bản thì lại gần gũi, hiền hậu lạ kỳ. Khắp cả vùng này, có lẽ ít tìm thấy cụ nào đẹp lão như già, và tất nhiên đã thân quen rồi thì ai chẳng muốn đứng cạnh già để chụp vài tấm ảnh kỷ niệm. Chẳng bao giờ từ chối một ai, già lúc nào cũng vui vẻ ngồi hay đứng theo đề nghị của khách phương xa, chỉ tiếc già không nói được nhiều tiếng Kinh nên loanh quanh cũng chỉ là những lời hỏi thăm thông thường được trao đổi. Cho tới nay, già là người còn nắm rõ nhất những điệu sáo, điệu đàn của người Bru Vân Kiều, và chắc hẳn những điệu hát để trai gái dùng khi đi sim thì già cũng thuộc trọn vẹn, nhưng tục lệ của xứ khiến già cũng ngại khi bị nài nỉ hát những lời yêu đương của giới trẻ ấy. Nhưng đó là chuyện khác, còn trong lễ cúng bên bờ sông này, chỉ thấy từng lời khấn của già như bài hát cổ, cứ trầm trầm văng vẳng, khi cao khi thấp, vương vấn vào không gian để hút lên cõi trời cao.
Lễ cúng hoàn tất thì cũng là lúc cơm rượu sẵn sàng. Nào có cao sang cỗ bàn gì đâu, chỉ là cơm canh và thịt lợn được bày trên lá chuối, một bữa ăn giữa trời của già trẻ trai gái trong bản, vậy mà vui vẻ và rộn rã tiếng cười. Thú vị nhất là các trò chơi dân gian, có lẽ cũng chỉ trong dịp này mới được đông người chơi thế này. Không câu nệ tuổi tác, không phân biệt nam nữ, người Bru Vân Kiều đã tỏ ra có tính vui nhộn hơn nhiều vùng khác mà tôi đã đi qua. Trò chi cà da thoạt nhìn rất giống với rồng rắn lên mây của trẻ em miền xuôi, cũng một dây người túm vạt áo nhau, chạy vòng vòng sao cho một người ở phía sau không bắt được người dẫn đầu đoàn. Cũng chăng tay chặn bắt, cũng luồn lách, toàn người lớn mà cười như nắc nẻ, cuốn hút cả sự chú ý của cả bản.
Một trò khác cũng ngộ nghĩnh không kém, đó là xà hùa, có 2 đội, mỗi đội dựng những viên sỏi lớn ở khoảng cách tầm 3m, đội kia phải dùng những viên sỏi khác, từ xa ném lại sao cho đổ hết sỏi dựng đứng. Oái ăm ở chỗ khi ném không được dùng tay, mà chỉ có thể bàn chân hất, đầu gối tung… Bên nào thua phải cõng đội đối phương một vòng chạy quanh bãi. Nhìn khá giống trò đánh đáo, nhưng rõ ràng khó hơn nhiều.
Những người phụ nữ chơi trò chi cà da
Có dự lễ lấp lỗ của đồng bào Bru Vân Kiều mới thấy các bà, các chị vùng này cũng đỏm dáng và ăn chơi đâu có thua kém gì ai. Diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, các chị túm năm tụm ba hút thuốc, cười đùa, uống rượu, chạy nhảy không thua trẻ nít. Mỗi người phụ nữ đều chưng diện chuỗi vòng mã não của mình, và theo lời kể, đây là thứ trang sức gắn bó với cả cuộc đời người đàn bà vùng này. Thứ mã não mới, không phải đồ xưa nhưng cũng đẹp không kém những chuỗi hạt đã có tuổi nghìn năm, chất ngọc đỏ hồng, có những vân trắng ẩn hiện trong chất ngọc trong trẻo.
Từ hàng nghìn năm nay, mã não đã được coi trọng như thứ ngọc mang lại điềm lành, rất phổ biến từ vùng Trung Á cho tới các đảo quốc Nam Thái Bình Dương, và sự hiện diện của mã não trong các cộng đồng dân tộc sinh sống trên dải Trường Sơn cũng không phải là ngoại lệ. Nhìn những chuỗi mã não gia truyền được chưng ra trong lễ lấp lỗ này, đám khách miền xuôi ai cũng trầm trồ, nhưng đâu có dễ mà sở hữu được dù chỉ 1 hạt, vì đây gần như là của gia bảo, chỉ truyền từ đời mẹ sang đời con gái, chẳng bao giờ bán cho người ngoài.
Hội hè của người miền cao nơi đây chỉ đơn giản có vậy, nhưng men tình thì cũng như men rượu, càng ở lâu càng thấm, càng sống càng thấy tình thương mến với con người không đến từ vật chất xa hoa mà chỉ từ những chén rượu tràn đầy, từ câu chuyện tâm tình. Dưới bóng của đại ngàn Trường Sơn, bên dòng sông nước thao thiết chảy, còn biết bao bản làng đang lưu giữ những tập tục cổ xưa như lễ lấp lỗ, bất chấp ngoài kia xe hơi ngày đêm chạy không dứt và lối sống hiện đại đang dần bao phủ lên những vùng heo hút nhất.
Nguồn: CSTC