Phóng sự

29927

Bi kịch thị thành

09:21, 11/08/2013 (GMT+7)

Phố dài và rộng bao nhiêu, tôi không thể biết được. Phố phồn hoa hay phố xác xơ, tôi cũng không am tường. Có điều, hơn một thập kỷ sống ở thành phố này, tôi tin chắc, phố đủ sức ươm ầm cho tất cả hy vọng. Nhưng, phố thừa bất trắc để tạo nên những bi kịch không điềm báo.

 

Bao nhiêu người đã rời quê nhà lên phố để mơ vào một cơ may(?!). Bao nhiêu người đã hóa thành người phố(?!). Làm sao chúng ta có thể cân đo đong đếm hết được.

Chỉ có điều, trời chớp mắt là gió mưa, người ngoảnh lại là may rủi...

Phố tháng này, lắm mưa. Mưa buồn như lần lỡ hẹn đầu tiên, mưa hắt hiu như lần chia tay cuối. Hai cậu nhóc nhà quê ấy ra Tòa, khuôn mặt hoang mang như trẻ con lạc mẹ. Hai cậu nhóc có mối quan hệ huyết thống đều cùng quê, ở miệt xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tuy Phước là một huyện nghèo, thuần nông… Đời sống cũng như con người, khắc khoải nét lam lũ, túng thiếu.

Vừa trả xong món nợ tú tài, Đặng Tùng Lâm vào thành phố, làm công nhân trong khu chế xuất. Những cậu thanh niên nhà quê như Lâm, đều có chung một mẫu số chung. Thôi học, thì về phố. Những khu công nghiệp, khu chế xuất, bao giờ cũng cần những nhân công. Lâm vào thành phố được ít lâu, thì cậu em họ nhỏ hơn Lâm 2 tuổi cũng rời quê theo Lâm vào phương này. Cậu nhóc tên là Nguyễn Lý Hùng.

Hai anh em Lâm và Hùng ở trọ trong khu nhà thuộc phường Đông Thuận Hưng, quận 12, TP.HCM.  Đó là dãy nhà trọ gồm nhiều phòng, cho công nhân mướn tính tiền tháng. Ở thành phố này, có hàng nghìn dạng nhà trọ kiểu đó. Nhà đầu tư mua một mảnh đất vùng ven, bỏ vài trăm triệu xây một loạt phòng cùng dãy nhà, mắc đồng hồ điện nước rồi cho công nhân thuê lại. Mỗi tháng, chủ nhà chỉ xuất hiện thu tiền nhà trọ, tiền phí phát sinh một lần.

Nằm cạnh dãy phòng trọ với hai anh em, là dãy nhà trọ của cô gái tên Bảo Quyên (tên nhân vật đã được thay đổi – PV). Quyên cũng người nhà quê, cũng ly hương lên nơi này, làm công nhân kiếm sống.

 

Lâm và Hùng bị dẫn giải sau phiên tòa.

Lâm có tình cảm với Quyên, Quyên cũng vậy. Thường thì, trai gái ở những dãy nhà trọ như trường hợp của Lâm và Quyên rất dễ yêu nhau. Họ có nhiều điểm chung, dễ cảm thông và chia sẻ. Lâm đã tính, Lâm làm việc ít lâu nữa, để dành dụm thêm chút tiền, Lâm sẽ đưa Quyên về ra mắt cha mẹ ở quê. Đó là dự tính đầy tốt đẹp và hạnh phúc.

Tối nào cũng vậy, không phải tăng ca, Lâm sẽ về phòng trọ sớm. Sửa soạn áo quần, để sang dãy nhà trọ của Quyên, rủ Quyên đi dạo. Như đồng hồ được cài báo thức, buổi hẹn sẽ kết thúc vào lúc 22 giờ. Đó là lúc Lâm đưa Quyên về phòng trọ của Quyên, và Lâm lững thững về lại dãy nhà trọ của mình. Bởi họ đều làm công nhân và đều phải có mặt tại nhà xưởng đúng giờ.

Đêm đó, cũng như mọi đêm hò hẹn. Có điều, những tai ương luôn ẩn nấp dưới sự bình yên thường nhật.

Lâm đưa Quyên về trước cổng dãy nhà trọ, chờ đến khi bóng Quyên khuất sau con ngõ nhỏ, Lâm mới trở lại phòng trọ của mình. Vừa đi được một quãng, Lâm thấy có gì đó như thiêu như đốt trong lòng. Linh tính có chuyện không hay, Lâm vội vàng gọi điện thoại cho Quyên.

Đầu bên kia của điện thoại, Lâm không nghe được giọng Quyên, chỉ nghe có ai đó loáng thoáng nói, “Em phải cho anh hôn, phải cho anh hôn”. Biết Quyên có chuyện, Lâm gọi cho Hùng, nói nhanh “Mày sang nhà trọ chị Quyên, giải vây cho anh. Anh gặp chuyện gấp”. Cúp máy, Lâm chạy nhanh đến dãy nhà trọ của Quyên.

Trước phòng trọ của Quyên vài căn, là phòng trọ của những gã thanh niên khác. Khuya đó, không biết thế nào, những gã thanh niên ngủ muộn. Thấy Quyên đi chơi về, một gã trong nhóm thanh niên chặn ngang đường, yêu cầu “Cô em, muốn qua khỏi đây, phải hôn anh một cái”. Vừa nói, gã vừa xáp lại gần hơn về phía Quyên. Nhóm thanh niên ấy bao gồm, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Văn Quang và Lê Thanh Hiển. Gã thanh niên nhào về phía Quyên chính là Hào. Trong lúc, hai bên đang lời qua tiếng lại thì Lâm xuất hiện.

Trở lại chuyện của Hùng, nhận được điện thoại của Lâm, Hùng vớ con dao ở góc phòng, nhào qua dãy nhà trọ của Quyên. Thấy Hùng vừa đến, Lâm chỉ vào mặt Hào, hét lớn “Thằng nào vừa đánh tao xong”. Chỉ cần có vậy, Hùng nhào vào, đâm Hào.  Ẩu đả xảy ra, và chỉ dừng lại khi cả hai bên đều phát hiện Hào nằm gục trên vũng máu. May mắn là Hào không tử vong, thế nhưng tỷ lệ thương tật từ cú đâm của Hùng gây ra cho Hào là 48%, đủ để khiến Hào không còn đủ sức lao động.

Ngay sáng hôm sau, Lâm dắt tay Hùng đến Cơ quan Công an đầu thú. Thời điểm gây án, Hùng vừa vào TP.HCM được đúng 20 ngày.

Hùng và Lâm ra Tòa, cái quần dài quá khổ, phủ kín cả đôi dép lê. Áo rộng thùng tình, nét nhà quê hiện rõ trong cách ăn vận.

Lâm thưa trước Tòa, “Mọi chuyện xảy ra nhanh quá, lúc đó bị cáo thiếu kiềm chế. Bị cáo hối hận rất nhiều, bởi vì một phút bồng bột của mình mà bị cáo kéo theo cả em Hùng vướng vào tù tội”. Về phía mình, Hùng bật khóc, cậu nhóc mới lớn thút thít “Bị cáo biết lỗi rồi. Mong Tòa thương tình khoan hồng cho bị cáo, bây giờ bị cáo chỉ muốn được về lại quê”.

Trong lý lịch cá nhân, Hùng chưa hề có tiền án, tiền sự. Hùng ở quê, học hết lớp 10 thì nghỉ, phụ mẹ việc đồng áng. Mẹ Hùng suốt ngày bảo với Hùng, “Con nhìn gương anh Lâm mà học hỏi”. Đó là lý do chính Hùng nằng nặc xin mẹ vào Sài Gòn theo Lâm.

Mẹ của Lâm nói với tôi rằng, Lâm là con đầu trong nhà. Vợ chồng bà có 4 người con. Học xong lớp 12, thấy nhà cứ thiếu trước hụt sau hoài, nên Lâm vào thành phố kiếm tiền gửi về quê phụ mẹ nuôi em. Ở thành phố hơn năm, làm công nhân lương ba cọc ba đồng, tháng dư nhiều gửi về quê được hơn triệu. Tháng ít, thì vài trăm.

Lâm thưa với mẹ, “Má à, con tính rồi, cứ làm công nhân hoài bao giờ mới hết khổ hả má. Nên con sẽ vừa làm vừa dành dụm để đăng ký đi học lại thôi”. Lâm nghĩ đơn giản, học đại học hay cao đẳng thì thời gian chờ tốt nghiệp lâu, học phí lại cao so với thu nhập của mình, nên Lâm đăng ký học nghề ở một trường trung cấp. Lâm dự tính, 2 năm là khoảng thời gian hợp lý để Lâm tốt nghiệp trung cấp, trở thành một thợ cơ khí công nghiệp. Từ đó, Lâm vừa học vừa làm. Đây chính là lý do vì sao, Hùng luôn xem Lâm là thần tượng đúng nghĩa.

Vậy đó, giấc mơ của Lâm dở dang từ cái đêm định mệnh ấy. Giấc mơ về sự đổi đời nơi thành phố này của Hùng cũng dở dang theo. Phiên tòa phúc thẩm diễn ra rất nhanh, vì không có quá nhiều tình tiết khiến Tòa phải kéo dài phiên tranh tụng. Cũng trong phiên tòa hôm đó, cả hai bị cáo đều không đưa ra được bất kì tình tiết nào mới, vả lại mức án cũ khá nhẹ so với hành động đã gây ra nên tòa quyết định bác đơn kháng cáo, tuyên Đặng Tùng Lâm 10 năm tù và Nguyễn Lý Hùng 9 năm tù cùng về tội “giết người”.

Khi Hùng và Lâm bị dẫn giải đi sau phiên tòa, mẹ Hùng và mẹ Lâm nằm khóc vật bên vệ cỏ trong khuôn viên của tòa án.

Thời điểm vụ việc ấy xảy ra, Lâm 21 tuổi, còn Hùng 19 tuổi. Độ tuổi mà cơn bốc đồng vẫn ủ sẵn đâu đó trong tư duy lẫn hành động. 22 tuổi, Lâm không biết phải giải quyết sự việc bạn gái mình bị “quấy rối” như thế nào để hợp lý hơn, ngoài chuyện động tay động chân. 19 tuổi, Hùng cũng không biết cách phải tỏ rõ sự bênh vực anh họ của mình như thế nào ngoài hành động dại dột ấy. Đương nhiên, chúng ta luôn bất lực trước thời gian và sự đã qua. Chúng ta chỉ biết hối hận và tiếc nuối. Đời sống, tuyệt đối không thể thiếu đi những cơn dằn vặt mỗi lúc đêm về.

Tôi không có ý phản biện cho quyết định của tòa hôm đó, tôi chỉ nghĩ mà thương cho những thân phận của Lâm, của Hùng. Giả như, Hào đừng lên một cơn đùa giỡn quá trớn với Quyên. Giả như, bạn bè của Hào biết can ngăn bạn có hành vi khiếm nhã. Giả như, Lâm và Hùng dùng ngôn ngữ thay cho hành động để giải quyết mọi chuyện, chắc là sự việc đã không bị đẩy xa đến vậy. Lâm và Hùng là người nhà quê, Hào cũng có phải là dân thành phố rặt đâu. Tất cả đều ngụ cư ở thành phố này, và cả tôi cũng vậy.

Mấy hôm trước, tôi cũng sang tòa, dự khán vụ cậu nhóc nhà quê sát hại bạn gái vì bị từ chối nối lại tình cảm. Cậu nhóc quê ở An Giang, lên thành phố làm công nhân. Cô bạn gái cũng làm công nhân. Yêu được độ vài tháng thì cô gái muốn chia tay. Còn cậu nhóc, cứ ám ảnh rằng “đã sắp thành chồng thành vợ” nên kiên quyết không chịu. Dùng dằng qua lại, cậu nhóc muốn chết chung. Cô gái không chết là nằm ngoài dự liệu của cậu ấy, án tù là 15 năm, hành vi “Giết người”. Cậu nhóc đón nhận bản án xong, cứ quýnh quáng như người mơ ngủ, hay run lẩy bẩy không biết bấu víu vào đâu… Nhìn hình ảnh ấy buồn vô tận.

Tôi vẫn nghĩ, cuộc sống của mỗi cá nhân là do cá nhân tự lựa chọn, tương lai phụ thuộc vào hôm nay. Thế mà, những phiên xử người nhà quê, luôn khiến lòng tôi đau như khi bất lực muốn trở lại cái thời lăn mình giữa bùn non theo dấu cua đồng.

Cũng đều là những phận người, tránh làm sao những phúc phận trời không cho đầy đặn. Thị thành gần hay xa, tôi không biết nữa. Tôi chỉ thấy tràn ngập những nỗi buồn


ANTG

Các tin khác