(Congan.nghean.gov.vn)-Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng có xu hướng gia tăng, với nhiều hình thức tinh vi, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và quyền lợi của người dân. Trước thực trạng này, việc nắm vững các quy định của pháp luật không chỉ giúp mỗi cá nhân, tổ chức phòng tránh rủi ro, mà còn góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
![]() |
Ảnh minh họa |
Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành. Một số văn bản đáng chú ý bao gồm:
* Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, có một số điểm nổi bật bao gồm:
- Siết chặt quản lý đại lý Internet và dịch vụ trò chơi điện tử, cấm mua bán vật phẩm ảo giữa người chơi, ngăn chặn game mô phỏng cờ bạc trá hình;
- Yêu cầu trang thông tin điện tử, mạng xã hội tuân thủ nghiêm các quy định về nội dung;
- Tăng cường giám sát thông tin vi phạm trên không gian mạng với sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng.
Nghị định góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
* Nghị định số 24/2025/NĐ-CP ngày 21/02/2025 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo quy định tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 21/02/2025, nghị định này tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong các giao dịch trên không gian mạng; tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng và siết chặt quản lý các giao dịch trên không gian mạng.
Một số điểm nổi bật của Nghị định bao gồm:
Bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng:
- Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng khi chưa được họ đồng ý, hoặc sử dụng thông tin không chính xác, không phù hợp với mục đích đã thông báo.
- Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi không có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng hoặc chuyển giao thông tin của họ cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý.
Xử lý vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân nhạy cảm và nền tảng số lớn:
- Áp dụng mức phạt gấp 2 lần so với mức thông thường nếu hành vi vi phạm ảnh hưởng đến dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người tiêu dùng.
- Mức phạt tăng gấp 4 lần nếu hành vi vi phạm do tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn thực hiện.
Quản lý giao dịch trên không gian mạng:
Phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian không xác thực danh tính của tổ chức, cá nhân bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng của mình.
Những quy định mới này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng hành vi đúng đắn, phòng ngừa rủi ro pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, việc chủ động cập nhật chính sách cũng thể hiện tinh thần sẵn sàng thích ứng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, tổ chức trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng.