Diễn đàn pháp luật
Trẻ em là người dưới mười sáu tuổi
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Hải cho biết, ngày 23/3/2016, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi). Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi), đồng thời cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể. Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật trẻ em (sửa đổi) với 449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 90,89% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả phiếu cho thấy: có 444 đại biểu tán thành, chiếm 89,88% tổng số đại biểu Quốc hội; 3 đại biểu không tán thành, chiếm 0,61%; 2 đại biểu không biểu quyết, chiếm 0,40% tổng số đại biểu.
Gồm 7 chương, 106 điều, Luật trẻ em (sửa đổi) quy định các quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Đối tượng áp dụng của luật là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ sở giáo dục, gia đình, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong đó có quy định nghiêm cấm tước đoạt quyền sống của trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo của trẻ em...
Quốc hội cũng đồng ý giữ nguyên quy định về độ tuổi của trẻ em như quy định tại Luật hiện hành. Cụ thể, tại Điều 1, Luật trẻ em (sửa đổi) quy định: trẻ em là người dưới mười sáu tuổi. Đồng thời, thống nhất đổi tên Luật thành "Luật trẻ em".
Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Tổ chức này sẽ làm các nhiệm vụ: tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em; tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với các đại biểu dân cử; thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em; chuyển ý kiến, kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em...
Để bảo đảm tính khả thi, Luật cũng đã bổ sung khoản 4 Điều 80, quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong việc bảo đảm điều kiện để tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng trẻ em thực hiện nhiệm vụ của mình và bổ sung khoản 4 Điều 79 về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về việc tiếp xúc với trẻ em hoặc đại diện trẻ em.
Đối với việc bảo đảm quyền dân sự của trẻ em, Luật khẳng định: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trong trường hợp để trẻ em thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật. Trường hợp trẻ em gây thiệt hại cho người khác thì cha, mẹ, người giám hộ phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em đó gây ra theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các quy định về chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em, quyền và bổn phận của trẻ em, các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, nội dung quản lý nhà nước về trẻ em, trách nhiệm và quyền của người nhận chăm sóc thay thế trẻ em, trách nhiệm của Nhà nước, các bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và trách nhiệm phối hợp trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em … cũng được quy định rất đầy đủ, cụ thể tại Luật trẻ em (sửa đổi).
Luật trẻ em (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2017. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội