Diễn đàn pháp luật
Đánh mẹ đẻ, phạm tội cố ý gây thương tích hay ngược đãi cha mẹ?
08:47, 02/06/2014 (GMT+7)
Nguồn tin từ BV đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết, chiều 27/5, Bệnh viện có tiếp nhận cấp cứu một cụ bà 94 tuổi bị đa chấn thương phần mềm. Theo người nhà nạn nhân thì bà cụ này bị chính đứa con ruột của bà đánh trọng thương. Nạn nhân nói trên là bà Nguyễn Thị Bảy, ở ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau. Theo lời của bà Bảy, đêm 26/5, sau khi đi uống rượu về, ông Nguyễn Văn Hoàng (52 tuổi, con trai út của bà) la lối và đánh bà chỉ vì bà không chịu đưa tiền, vàng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông này.
-Nội dung vụ án:
“Các con của tôi đều được chia tài sản như nhau nhưng chỉ riêng thằng Hoàng bán hết đất còn buộc tôi phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng 12 công đất còn lại cho nó bán. Tui từ chối thì bị nó đánh một cách tàn nhẫn”, bà Bảy vừa nói vừa rơi nước mắt. Nhiều người dân ấp 1 (xã Tân Lộc) cho biết, ông Hoàng thường xuyên nhậu nhẹt, chửi bới hàng xóm và đã 2 lần ngồi tù vì đánh anh, chị em ruột của mình. Được biết, sau khi phát hiện bà Bảy bị đánh bầm tím cả người, các con còn lại của bà đã gọi điện thoại trình báo đến Công an xã Tân Lộc và đưa bà đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nên bà Bảy không nguy hiểm đến tính mạng. Hiện ông Hoàng đã bị Công an xã Tân Lộc tạm giữ để điều tra.
Vấn đề cần trao đổi là ông Nguyễn Văn Hoàng đã có hành vi vi phạm pháp luật theo tội danh nào và sẽ bị xử lý như thế nào?
-Ý kiến bạn đọc:
Ông Hoàng đã phạm tội cố ý gây thương tích
Ông Hoàng vì những đòi hỏi cá nhân không được đáp ứng đã xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác. Ông Hoàng đã có hành vi vi phạm các quy định tại Điều 104 Bộ Luật Hình sự với tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Điều này quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình... Đối chiếu với quy định này, bà Bảy phải nhanh chóng yêu cầu giám định để xác định tỷ lệ thương tật làm căn cứ xử lý ông Hoàng trước tòa án.
Ông Trần Văn Đăng (Như Xuân, Thanh Hóa)
Hành vi của đứa con bất hiếu, pháp luật phải trừng trị
Đọc các tình tiết vụ án thấy ông Hoàng nhẫn tâm với mẹ khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Đáng suy nghĩ hơn nữa, ông Hoàng đánh mẹ để bắt mẹ đưa tài sản đi bán mặc dù đã được mẹ chia tài sản rồi... Ông Hoàng không biết để sinh ra và nuôi được ông khôn lớn, mẹ ông đã vất vả nhường nào. Tuổi già như ngọn đèn trước gió, cái sống chỉ còn tính từng giờ. Là con cái, hãy hết lòng chăm sóc ông bà, cha mẹ, giúp các cụ sống thêm được ngày nào là ta vui mừng ngày ấy, mất rồi nằm dưới ba tấc đất là hết. Hành vi của ông Hoàng thật đáng lên án. Ông đã vi phạm quy định pháp luật tại Luật hôn nhân và gia đình: “Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ” (Điều 35); Cần nghiêm khắc xử lý để đạo đức được tôn vinh.
Bà Nguyễn Thị Bích Hà (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Hành vi đó vừa ngược đãi cha mẹ vừa gây tổn hại sức khỏe người khác
Như tôi tìm hiểu, hành vi chửi đánh cha mẹ là vi phạm pháp luật. Điều 35 Luật hôn nhân gia đình quy định rõ: “Nghiêm cấm con có hành vi xúc phạm cha mẹ”, và điều 64 của Hiến pháp Việt Nam cũng nêu rõ: “Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc cha mẹ”. Nghị Định số 87/CP ngày 21-11-2001 của Chính phủ cũng quy định, người nào có hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình thì dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng cũng có thể bị xử phạt hành chính. Theo Điều 104 của Bộ Luật hình sự quy định, con đánh cha mẹ dù chỉ gây ra thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của cha mẹ ở mức độ nhẹ (dưới 11%) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Ông Hoàng cần được truy tố về tội cố ý gây thương tích. Theo như tình tiết vụ án, ôngHoàng là người có nhiều tiền án, tiền sự, có hành vi côn đồ, coi thường tính mạng người khác một cách thường xuyên. Thêm nữa hành vi đánh mẹ của ông Hoàng có động cơ đê hèn nhằm chiếm đoạt tài sản. Ông Hoàng phải chịu mức án nặng nhất trong khung hình phạt.
Cụ Vũ Viết Phong (Quận 1, TP Hồ Chí Minh)
-Bình luận của luật sư:
Theo nội dung vụ án, hành vi của ông Hoàng là vi phạm pháp luật. Hành vi này thể hiện ông Hoàng đã ngược đãi cha mẹ và cố ý gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên theo quy định, pháp luật chỉ truy tố một tội danh cho một hành vi, vì vậy chúng ta phải tìm hiểu các quy định pháp luật về hai tội danh này.
Đối với tội cố ý gây thương tích, hành vi của ông Hoàng đã phạm khoản 2 điều 104 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt lên đến 3 năm tù. Tuy nhiên với quá nhiều các khoản tăng nặng như có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, ông Hoàng rất có thể phải chịu hình phạt vượt khung.
Đối với tội danh Ngược đãi cha mẹ được quy định tại nhiều bộ Luật như Bộ Luật Hình sự, Điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình: Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm. Luật Luật hôn nhân và gia đình: “Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ” (Điều 35).
Nhưng đây là một hành vi có nhiều cách đánh giá khác nhau. Về chủ thể phạm tội, với tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình, tuy không phải là chủ thể đặc biệt nhưng trong trường hợp cụ thể thì người phạm tội phải là người có quan hệ nhất định với người bị hại. Ví dụ: chỉ người con, hoặc con nuôi của người bị hại mới là chủ thể của tội ngược đãi cha mẹ. Trong trường hợp này, ông Hoàng là con đẻ của bà Bảy, thỏa mãn điều kiện về chủ thể phạm tội. Về mặt khách quan, người phạm tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, nghĩa là người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi là ngược đãi,hành hạ, hoặc cũng có thể thực hiện cả hai hành vi này.
Nhưng quan trọng hơn, chính Bộ luật Hình sự đã có những quy định làm khó xử lý tội phạm theo tội danh này. Đó là các hành vi trên chỉ cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình khi người có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm. Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính khác hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình thì cũng không cấu thành tội phạm này. Trong trường hợp này, ông Bảy chưa bị xử phạt hành chính lần nào về hành vi ngược đãi cha mẹ nên chỉ còn phải xem xét, nếu việc đánh bà Bảy có thương tích, gây hậu quả nghiêm trọng mới có thể truy tố ông Hoàng ra tòa án.
Theo những án lệ mà tòa án đã xử: Hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ, người có công nuôi dưỡng mình như: tính mạng, sức khỏe, do bị bệnh tật, do tự sát, hoặc những thiệt hại khác cho người bị hại như phải bỏ nhà đi lang thang... Tuy chưa có giải thích hướng dẫn chính thức thế nào là gây ra hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, nhưng qua thực tiễn xét xử, có thể coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình gây ra trong những trường hợp sau: Gây chết người (kể cả chết người do hành vi giết người); Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên (không kể thương tích hoặc tổn hại sức khỏe do chính người phạm tội trực tiếp gây ra cho người bị hại); Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; Gây dư luận xấu về các mặt văn hóa, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức gia đình và xã hội. Như vậy theo chúng tôi, có thể truy tố ông Hoàng theo tội danh Cố ý gây thương tích hoặc Ngược đãi cha mẹ. Tuy nhiên chúng tôi nghiêng về tội danh Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình theo điều 151 Bộ Luật Hình sự. Dù bị truy tố theo tội danh nào, ông Hoàng cũng sẽ chịu hình phạt ít nhất là 3 năm tù. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những kẻ vô đạo đức, coi thường pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Nguồn: anninhthudo.vn