An toàn giao thông

Nghệ An thực hiện Nghị quyết 56 về giải tỏa vi phạm hành lang ATGT

'Có chắc rễ mới bền cây' (Bài 1)

07:55, 04/06/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 16/12/2016, trước yêu cầu bức thiết về tăng cường biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang ATGT trên toàn địa bàn, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết 56, quy định chi tiết, cụ thể về biện pháp, đối tượng áp dụng và xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân thực hiện. Nhìn lại 2,5 năm triển khai Nghị quyết 56, Nghệ An đã có những chuyển biến căn bản và khá toàn diện ở nhiều huyện, thành, thị.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại Quốc lộ 1A
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông tại Quốc lộ 1A

Bài 1: Đưa Nghị quyết 56 vào cuộc sống

Xác định ý nghĩa của công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT, Nghệ An là một trong số ít các địa phương trong cả nước đưa nội dung này trở thành một Nghị quyết của HĐND tỉnh. Những ngày đầu, thấy rõ khó khăn của nhiệm vụ này, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây chính là “bệ đỡ” quan trọng để Nghị quyết 56 được lan tỏa, truyền tải vào ý thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền từ huyện, thành, thị đến các phường, xã và tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân.

Vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 56/2016-NQ-HĐND “Quy định một số biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, vỉa hè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020”, ngày 17/3/2017, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch 136 giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, vỉa hè. Mục tiêu là cụ thể hóa nội dung, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đến tận cơ sở, cán bộ, đảng viên và người dân; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức của các tổ chức, người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang ATGT.

Kế hoạch 136 cũng chỉ rõ, việc tổ chức giải tỏa quyết liệt, dứt điểm các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn tỉnh gắn với chỉnh trang đô thị; không để tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè đô thị làm ảnh huởng đến trật tự ATGT; đảm bảo và duy trì "đường thông, hè thoáng" kết hợp chỉnh trang đô thị.

Quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, nhắc nhở các địa phương thực hiện Nghị quyết 56, đưa nội dung này trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có nhiều công văn “chỉ đích danh” vai trò của Thường trực Thành ủy Vinh, Thường trực các Thị ủy và Huyện ủy trong nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tập trung chỉ đạo UBND cùng cấp, Đảng ủy và chính quyền địa phương cấp xã thực hiện một số nội dung trọng tâm. Nhất là phải áp dụng các biện pháp đủ mạnh, thực sự quyết liệt để chống tái lấn chiếm hành lang ATGT. Các công văn, kế hoạch cũng chỉ rõ phải xử phạt nghiêm minh, triệt để theo quy định các vi phạm về hành lang ATGT.

Từ việc làm không thường xuyên, thì nay, giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, hàng tuần, hàng tháng. Các địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo về công tác giải tỏa hành lang ATGT và chống tái lấn chiếm, trong đó, ở nhiều huyện, Trưởng ban chỉ đạo là đồng chí Bí thư Huyện ủy hoặc Chủ tịch UBND, phân công nhiệm vụ thành viên Ban và kiện toàn Ban chỉ đạo khi có sự thay đổi nhân sự.

Quá trình thực hiện, nhằm nâng cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, ngày 31/1/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 07 quy định tạm thời khen thưởng, xử lý trách nhiệm, kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giải tỏa lấn chiếm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn tỉnh. Quyết định trên được xem là thước đo đánh giá sự vào cuộc, ý thức của người đứng đầu khi thực hiện Nghị quyết 56.

Quyết định 07 đưa ra những mức khen thưởng cụ thể đối với những đóng góp, sáng kiến của các tập thể, cá nhân nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giải tỏa lấn chiếm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT. Đồng thời, đối với cá nhân thiếu quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giải tỏa lấn chiếm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT, để xảy ra tình trạng vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách sẽ bị phê bình, không xem xét khen thưởng danh hiệu thi đua. Đối với vi phạm nặng hơn, sẽ bị xử lý kỷ luật, từ khiển trách, giáng chức tới cách chức!

Như vậy, có thể thấy rõ, các cấp lãnh đạo đã thực sự vào cuộc quyết liệt, xem triển khai Nghị quyết 56 là nhiệm vụ trọng tâm để giải tỏa hành lang ATGT, tạo cơ sở giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng các tuyến phố, tuyến đường “an toàn, thông thoáng, xanh - sạch - đẹp”. Đây là tiền đề quan trọng để Nghị quyết 56 không dừng lại ở “bàn giấy” mà thực sự đi vào cuộc sống.

Các lực lượng ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông
Các lực lượng ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông

Chuyển biến thực sự

Diễn Châu là huyện nằm trên Quốc lộ 1A, tuyến giao thông huyết mạch của cả nước. Hệ thống giao thông trên địa bàn tương đối đa dạng, phức tạp với gần 65 km quốc lộ, 18 km tỉnh lộ, 29 km đường sắt, hơn 1.200 km đường giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng chưa hoàn chỉnh và chưa hoàn thiện. Theo thống kê năm 2017, toàn huyện có 4.955 trường hợp vi phạm hành lang ATGT với 202 trường hợp có nhà cửa kiên cố, 2.198 trường hợp có ki-ốt, lều quán, cây cối, biển hiệu, 2.555 trường hợp chỉ vi phạm cây cối, biển quảng cáo. Trong đó, tập trung nhiều tại tuyến Quốc lộ 1A. Để triển khai công tác giải tỏa hành lang ATGT, thực trạng tồn tại tại Diễn Châu là một áp lực và nhiệm vụ nặng nề với cấp ủy, chính quyền địa  phương và người dân ở đây.

Xác định rõ sự đồng thuận của người dân là chìa khóa để thực hiện giải tỏa hành lang ATGT, UBND huyện đã tập hợp các văn bản quy phạm, các chủ trương, chính sách và quy định liên quan để đóng thành bộ tài liệu cấp phát đầy đủ cho các tổ chức, cá nhân liên quan và địa phương cơ sở để làm căn cứ tổ chức thực hiện. Ngoài tuyên truyền trên Đài truyền thanh - truyền hình huyện, các xã, thị trấn đã tổ chức họp dân, thông báo vi phạm và làm cam kết yêu cầu nhân dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang ATGT. Nội dung này được cấp ủy địa phương quán triệt phải thực hiện hàng ngày và mọi lúc, mọi nơi. Hiệu quả thật sự từ công tác tuyên truyền, chỉ trong năm đầu thực hiện Nghị quyết 56, đã có 65% trường hợp tự giác giải tỏa các công trình, cây cối, biển quảng cáo... vi phạm hành lang ATGT.

Ngoài những trường hợp ký cam kết thực hiện, UBND các xã, thị trấn cũng đã thống kê, tổng hợp và gửi thông báo bằng văn bản đến các trường hợp vi phạm. Đồng thời, kiên quyết giải tỏa nhiều công trình kiên cố vi phạm hành lang ATGT. Đã có 1.713 trường hợp bị cưỡng chế, trong đó, có hàng trăm công trình nhà cửa, ki-ốt xây vững chắc bằng bê tông cốt thép. Sự quyết liệt của các cấp đã từng bước tạo diện mạo mới cho Diễn Châu nói chung và các xã, thị trấn nói riêng, nhất là dọc tuyến Quốc lộ 1A.

Trong những “gam màu sáng” của công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT của tỉnh, ngoài Diễn Châu, Đô Lương cũng là huyện thể hiện sự quyết liệt từ lãnh đạo cấp huyện đến xã, thôn, xóm. Theo ông Lê Anh Sơn, Phó Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND huyện Đô Lương, mỗi năm, UBND huyện đều huy động các lực lượng chức năng và các xã, thị trấn đồng loạt ra quân giải tỏa hành lang ATGT từ 5 - 6 lần với sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, xã hội. Riêng với các công trình kiên cố vi phạm hành lang ATGT, sau nhiều lần tuyên truyền, nếu các hộ dân vẫn chây ì, không hợp tác, các tổ công tác sẽ kiên quyết phá dỡ toàn bộ.

“Trước khi có Nghị quyết 56, Đô Lương là địa phương đầu tiên  hình thành lực lượng phản ứng nhanh. Sau khi Nghị quyết 56 và Kế hoạch 136 ban hành, hoạt động của đội Phản ứng nhanh càng đi vào hoạt động nề nếp, hiệu quả, góp phần đưa công tác giải tỏa hành lang ATGT tiếp tục được triển khai sâu rộng ở các xã, thị trấn”, ông Nguyễn Bùi Phương, chuyên viên Phòng Kinh tế Hạ tầng UBND huyện cho biết.

Cũng trong 2,5 năm qua, UBND các xã, thị trấn đã tập trung giải tỏa các công trình đã bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng chưa giải tỏa hoặc đã giải tỏa nhưng tái lấn chiếm. Đồng thời, xử lý quyết liệt các công trình vi phạm hành lang ATGT nằm ngoài Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua đó, đã giải tỏa 1.024/1.270 trường hợp, đạt 80,63%. Các hộ vi phạm khi được nhắc nhở, vận động đều có ý thức tự giác tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc, biển quảng cáo, phông, bạt che chắn vi phạm hành lang ATGT.

Trong buổi làm việc của Đoàn khảo sát HĐND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 56 vào tháng 12/2018, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã giải tỏa được 78.468 nhà, ki-ốt, lều quán; 106.446 m2 mái che các loại; 14.156 biển quảng cáo; 16.117 m2 bậc lên xuống; 189 điểm rửa xe, giữ xe; 1.094 cột điện, cột viễn thông; 52.943 mét tường rào; 1.867 điểm kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng và 6.478,3 m2 vật liệu xây dựng; 19.363 cây cối che khuất tầm nhìn và 7.398 trường hợp vi phạm khác.

Qua công tác giám sát của HĐND tỉnh thấy rằng, Nghị quyết 56 thực sự đã tạo thay đổi tích cực ở nhiều địa phương trong giải tỏa vi phạm hành lang ATGT. Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, sự tự giác của người dân, đặc biệt là đã giải tỏa thành công một số công trình kiên cố, lấn chiếm trái phép đã tồn tại trong một thời gian dài và kiên quyết cưỡng chế đối với các công trình vi phạm dù đã được vận động tự giác tháo dỡ nhưng không chấp hành”, bà Thái Thị An Chung, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Nghệ An cho biết.

>>Bài 2: Mỗi địa phương là một bài học kinh nghiệm

>>Bài cuối: Phát huy vai trò người đứng đầu

Tuệ Trang

Các tin khác