An toàn giao thông
Cần có những giải pháp đồng bộ
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, lực lượng chức năng và các địa phương đã đồng loạt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển quảng cáo, trả lại hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Đồng thời, tiến hành xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi buôn bán, đặt biển quảng cáo... diễn ra rất phổ biến và công khai ở nhiều địa phương. Vấn đề này đòi hỏi cơ quan chức năng, chính quyền các cấp phải có giải pháp căn cơ, quyết liệt trong xử lý.
Công an huyện Diễn Châu phối hợp với Công an thị trấn Diễn Châu nhắc nhở người dân vi phạm hành lang ATGT đường bộ |
Tình trạng tái lấn chiếm
Trước thực tế hành lang ATGT bị vi phạm nghiêm trọng, vừa gây lộn xộn, mất mỹ quan vừa tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT, ngày 17/3/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 136 giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, vỉa hè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Mục đích của kế hoạch là giải toả quyết liệt, dứt điểm các trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn tỉnh gắn với chỉnh trang đô thị; đảm bảo “đường thông, hè thoáng”.
Thời gian qua, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn Nghệ An đã đồng loạt ra quân giải tỏa các vi phạm và chống tái lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè đô thị theo Nghị quyết số 56 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Kế hoạch 136 của UBND tỉnh. Đây là đợt ra quân với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng, phương tiện chuyên dụng kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm. Thế nhưng, sau mỗi lần ra quân rầm rộ, tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra một cách phổ biến, công khai ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã.
Điển hình, tại TP Vinh, sau một thời gian ngắn nghiêm túc chấp hành quy định bảo vệ hành lang ATGT đường bộ, đến nay, trên nhiều tuyến đường nội thành, các vỉa hè lại bị người dân và các hộ kinh doanh chiếm dụng để bày bán hàng hóa, đỗ xe cho khách khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Cụ thể như đường Nguyễn Trung Ngạn khu vực chợ quán Lau, vỉa hè đường Nguyễn Trãi đoạn qua chợ Quán Bánh, các hộ buôn bán thực phẩm tươi sống, rau trái… đã chiếm toàn bộ vỉa hè để bày bán hàng hóa; người mua hàng thì đứng dưới lòng đường khiến cho đoạn đường này thường xuyên ách tắc giao thông. Hay tình trạng họp chợ tự phát trái phép ở tuyến đường Đặng Thai Mai, nằm trong Khu công nghiệp Bắc Vinh.
Vào buổi chiều tối, hầu hết vỉa hè của các tuyến phố lớn ở trung tâm thành phố trở nên “náo nhiệt” với các quán ăn đêm như các tuyến đường Hồ Sỹ Dương, Trường Thi, Hồ Tùng Mậu. Một số địa bàn có tình trạng sử dụng vỉa hè để trông giữ xe trái phép như Trường Thi, Lê Lợi, Quang Trung... Tình trạng đỗ xe sai quy định vẫn tái diễn trên các tuyến đường trung tâm như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Đinh Công Tráng. Hầu hết các tuyến phố có vỉa hè nhỏ cũng bị chiếm dụng làm chỗ để xe, gây khó khăn cho người đi bộ.
Cũng giống như TP Vinh, tại nhiều huyện, thị, tình trạng tái lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT đường bộ cũng có hiện tượng trở lại. Tại huyện Nam Đàn, chưa đầy 1 tháng sau đợt cao điểm, nhiều hộ kinh doanh lại đặt biển quảng cáo trên lòng, lề đường tại các tuyến đường khu vực thị trấn và dựng xe trái quy định. Tương tự, dọc tuyến Quốc lộ 48 đoạn Km42+680 đến Km42+814 thuộc địa bàn xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Đàn nhiều năm nay người dân vẫn ngang nhiên biến lòng, lề đường thành bãi rửa xe. Mỗi ngày, có hàng trăm xe trọng tải lớn tập kết tại đây để rửa hoặc tiếp nước, khiến cho đường bị hư hỏng nặng. Thực trạng này diễn ra từ lâu, chính quyền cũng đã nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn tái diễn.
Trên địa bàn tỉnh, tình trạng vi phạm hành lang ATGT tại một số tuyến Quốc lộ như 1A, 48, 16, 48D và Tỉnh lộ 544B diễn ra khá phổ biến. Không chỉ đường bộ, hành lang đường sắt cũng bị xâm phạm. Toàn tỉnh có hơn 160 đường ngang và đường dân sinh. Đa số các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ở những đường ngang dân sinh không có rào chắn, bị che khuất tầm nhìn. Trên địa bàn xã Nghi Long có 5 tuyến đường ngang qua đường sắt, đường sắt và Quốc lộ lại đi liền nhau, vừa hạn chế tầm nhìn vừa gây tiếng ồn nên tai nạn xảy ra nhiều.
Cần tăng cường kiểm tra
Có thể thấy, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn Nghệ An diễn ra khá phổ biến, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng giao thông, trật tự ATGT và là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Một vấn đề đặt ra, liệu các huyện, thành phố, thị xã có giải quyết dứt điểm được tình trạng này. Bởi, hầu như năm nào tại các địa phương cũng có ít nhất một đợt ra quân giải toả vi phạm hành lang ATGT nhưng rồi đâu lại vào đấy, vi phạm hành lang ATGT lại tái diễn.
Nguyên nhân là do một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, không cắm mốc lộ giới, cọc giải phóng mặt bằng, không có phương án bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, tạo kẽ hở cho nhiều hộ dân chiếm dụng hành lang, san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình trái phép. Nhiều hộ dân xây nhà, dựng lều quán, trồng cây trong hành lang ATGT của Nhà nước, xây tường rào vi phạm hành lang ATGT đường bộ.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng mới chỉ làm theo từng đợt, không thường xuyên liên tục nên kết quả chưa cao. Ý thức của một bộ phận người dân về giữ gìn trật tự nơi công cộng còn hạn chế; khi lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý thì họ chấp hành nhưng sau đó tiếp tục vi phạm. Có địa phương tổ chức ký cam kết không vi phạm với các hộ dân nhưng lại không thường xuyên kiểm tra, theo dõi dẫn đến tình trạng tái vi phạm, tái lấn chiếm...
Để chống tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT, năm 2017 và 2018, UBND tỉnh đã thành lập 6 đoàn liên ngành kiểm tra công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn toàn tỉnh. Qua các đợt kiểm tra, Đoàn đã chỉ ra những tồn tại, đồng thời yêu cầu các địa phương khắc phục và báo cáo kết quả kiểm tra gửi UBND tỉnh.
Riêng năm 2018, UBND tỉnh đã cử trên 500 lượt cán bộ, thanh tra viên Thanh tra Sở thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, tham gia giải tỏa vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh. Điển hình là phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã: Vinh, Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương, Quế Phong giải tỏa thành công trên 500 công trình kiên cố (nhà ở, ki-ốt, công trình kiến trúc) vi phạm đất của đường bộ, hành lang ATGT tồn tại trong một thời gian dài trước đây nhưng chưa được giải tỏa.
Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả hành lang ATGT, không xảy ra trường hợp vi phạm mới hoặc tái vi phạm, trong thời gian tới, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý, các cấp, ngành liên quan cần triển khai thường xuyên, kiên trì, hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
Các đơn vị liên quan một mặt đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, mặt khác kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm, sớm cảnh báo, phát hiện kịp thời chướng ngại vật, tạo tầm nhìn thông thoáng trên các trục đường. Đồng thời phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý vi phạm, tránh tình trạng ký cam kết xong rồi bỏ mặc không kiểm tra, đôn đốc. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cần có chế tài gắn trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương trong công tác giải tỏa, để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm sau xử lý.
Trong năm 2017 và 2018, toàn tỉnh đã giải tỏa được 78.468 m2 nhà ở, ki-ốt, lều quán; 106.446 m2 mái che; 189 điểm rửa xe, giữ xe; 1.867 điểm kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng… Song song với đó, ngành GTVT cũng đã phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành giải tỏa hơn 1.000 cột điện, cột viễn thông và gần 20.000 cây xanh che khuất tầm nhìn để đảm bảo ATGT. |
Cao Loan