An toàn giao thông

Nâng cao hiệu quả bảo đảm trật tự, ATGT của lực lượng Công an nhân dân

14:28, 28/01/2019 (GMT+7)
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCA về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.

    Theo đó, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT; vận động toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm cho mọi người tham gia giao thông nhận thức và chấp hành đúng các quy định về TTATGT, tác hại, hậu quả của những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông.
     
    Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, phát triển phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự và TTATGT với những mô hình phù hợp, thiết thực, có hiệu quả cao.
      
    Đổi mới các chương trình tuyên truyền, tăng cường đăng tải tin, bài, thời lượng phát sóng trên các kênh truyền thông về tình hình, hậu quả của tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông để nhân dân biết, chấp hành các quy định về an toàn giao thông, lên án, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, nhận thức đó là trách nhiệm công dân và cũng là bảo vệ chính mình, góp phần xây dựng đất nước văn minh, an toàn; đồng thời ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ.

    Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về TTATGT, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại để giám sát, ghi hình, phát hiện và xử lý vi phạm; công khai nội dung không thuộc quy định về bí mật trong hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT. Thực hiện tốt công tác nắm chắc và dự báo sát tình hình, bố trí lực lượng hợp lý, chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp ngay khi mới phát sinh, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và tính cưỡng chế thi hành pháp luật.

    Đổi mới hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông để nâng cao  nhận thức công dân.

    Đổi mới hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông để nâng cao nhận thức công dân.

    Bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ đủ mạnh trên các tuyến giao thông trọng điểm và thực hiện vũ trang tuần tra kiểm soát, chủ động trấn áp các loại tội phạm, trong đó phải phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm chống người thi hành công vụ; phối hợp với Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát trật tự và các lực lượng Công an khác để tuần tra vũ trang trấn áp các loại tội phạm trên tuyến giao thông và giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trên các tuyến giao thông.

    Tập trung tham mưu, đề xuất Quốc hội, Chính phủ trên cơ sở tổng kết Luật Giao thông đường bộ để xây dựng, ban hành Luật TTATGT đường bộ, các Nghị định quy định về công tác bảo đảm TTATGT thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân. Chú trọng sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về sử dụng các thiết bị kỹ thuật trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính; các quy định nhằm bảo đảm hiệu lực cưỡng chế vi phạm.

    Lực lượng CSGT sử dụng có hiệu quả Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông, kịp thời triển khai lực lượng chỉ huy điều khiển giao thông ở những nơi xảy ra ùn tắc giao thông; phối hợp giải quyết và xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Chủ động phối hợp với ngành Giao thông vận tải rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, xây dựng phương án tổ chức lại giao thông phù hợp với thực tiễn, chú trọng các tuyến, địa bàn giao thông phức tạp và giải quyết các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

    Tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng kiên quyết xử lý bằng pháp luật hình sự các vụ tai nạn giao thông có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

    CSGT làm nhiệm vụ trên đường thủy phải làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến đường thủy, là lực lượng nòng cốt trong giữ gìn TTATGT và trật tự xã hội trên đường thủy; chủ động và phối hợp xử lý hoạt động khai thác cát sỏi trái phép.

    Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm TTATGT. Xây dựng Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm TTATGT; kết nối chia sẻ các dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, quản lý lái xe, lái tàu, quản lý phương tiện, xử lý vi phạm TTATGT, hạ tầng giao thông, thiết bị giám sát hành trình xe ô tô và cơ sở dữ liệu khác liên quan đến an toàn giao thông.

    Đầu tư trang bị phương tiện hiện đại, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào các mặt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là công tác tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm và quản lý công tác nghiệp vụ; xây dựng, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT, trọng tâm là các tuyến đường bộ cao tốc và một số quốc lộ trọng điểm.

    Tập trung đầu tư, nâng cấp, khai thác có hiệu quả Trung tâm thông tin chỉ huy, các hệ thống cơ sở dữ liệu TTATGT, nhất là hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe, cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông, xử lý vi phạm TTATGT trong phạm vi toàn quốc; từng bước thay thế hình thức xử lý vi phạm hành chính viết tay như hiện nay bằng ứng dụng trên thiết bị điện tử cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường.

    Ưu tiên sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm TTATGT.

    Xây dựng lực lượng CSGT bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Rà soát lại đội ngũ cán bộ, chiến sỹ lực lượng CSGT sau khi đã kiện toàn tổ chức để đánh giá, phân loại, sắp xếp, bố trí cho phù hợp; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, khoa học, kỹ thuật, ngoại ngữ, võ thuật, huấn luyện kỹ năng thực hành và xử lý các tình huống nghiệp vụ, rèn luyện nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh Công an nhân dân, khả năng xử lý các tình huống trong khi làm nhiệm vụ. Kiểm tra đủ điều kiện mới bố trí làm nhiệm vụ.

    Lực lượng Công an nhân dân gương mẫu, đi đầu trong chấp hành Luật Giao thông và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Nếu đơn vị, địa phương nào để cán bộ, chiến sỹ vi phạm quy định về TTATGT hoặc gây ra tai nạn giao thông thì phải xử lý cán bộ, chiến sỹ vi phạm, đồng thời xem xét thi đua của đơn vị và trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị.

    Bộ trưởng giao Cục CSGT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chương trình hành động và tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này trong toàn lực lượng.

    Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; chịu trách nhiệm chính về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT, tăng cường quản lý, thường xuyên kiểm tra việc thi hành nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sỹ địa phương mình.

    Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cục Truyền thông Công an nhân dân phối hợp với Cục CSGT tổ chức thực hiện có hiệu quả.

    Nguồn: Bộ Công an

    Các tin khác