An toàn giao thông
Mỗi trẻ an toàn, nhiều niềm hạnh phúc (Bài cuối)
(Congannghean.vn)-Những năm qua, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành và người dân, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, trước những thách thức trong việc giảm thiểu tình trạng vi phạm, TNGT đối với người dân, đặc biệt là trẻ em đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt hơn nữa của lực lượng chức năng và cộng đồng xã hội. “ATGT cho trẻ em” không chỉ dừng lại ở một chương trình cụ thể, mà cần khơi dậy ý thức, sự chung tay của mỗi người dân.
Bài cuối: Lan tỏa văn hóa giao thông trong mỗi gia đình
Trước thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) đối với trẻ em, các ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Mục tiêu cao nhất là xây dựng văn hóa giao thông, góp phần giảm thiểu vi phạm an toàn giao thông (ATGT), TNGT liên quan đến học sinh, tạo môi trường an toàn để trẻ phát triển toàn diện.
Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm được tuyên truyền tại các trường mầm non |
Đưa “Cổng trường an toàn giao thông” đi vào thực chất
Nghệ An là tỉnh có số lượng học sinh đông thứ 4 toàn quốc. Tính đến năm học 2017 - 2018, Nghệ An có 535 trường mầm non, 542 trường tiểu học, 412 trường THCS và 89 trường THPT, trung bình hàng năm có khoảng 60.000 - 70.000 học sinh vào lớp 1. Nhằm tăng cường đảm bảo trật tự ATGT tại các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An đã triển khai mô hình “Cổng trường ATGT” trên toàn địa bàn. Được phát động xây dựng từ năm 2012, đến nay, Nghệ An có 1.188 mô hình “Cổng trường ATGT”. Theo đánh giá chung, mô hình đã góp phần hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên tụ tập, dàn hàng ngang đi trên đường, gây cản trở và ùn tắc giao thông, hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên đi xe máy và xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Những chuyển biến tích cực của mô hình “Cổng trường ATGT” rất rõ rệt. Tuy nhiên, các trường cần phải triển khai đồng bộ với nhiều cách làm đa dạng, thực chất, bởi nếu không sẽ chỉ là hình thức. Trăn trở của ông Nguyễn Trọng Hoàn cũng chính là lời nhắc nhở đối với lãnh đạo các trường học trên địa bàn khi xung quanh biển hiệu “Cổng trường ATGT”, tình trạng vi phạm vẫn còn xảy ra phổ biến. Điều này đặt ra đòi hỏi của lãnh đạo nhà trường trong triển khai sáng tạo, hiệu quả mô hình đã ra đời, tồn tại từ 6 năm nay.
Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, TP Vinh có điểm đặc biệt so với nhiều trường học trên địa bàn bởi trong khuôn viên nhà trường song hành 3 cấp học: Tiểu học, THCS và THPT. Đó là chưa kể ngay bên cạnh là Trường Mầm non SOS Vinh. Số lượng phụ huynh, học sinh tập trung đông trên tuyến đường rộng 7 m là áp lực không nhỏ trong việc kiểm soát vi phạm và giảm ùn tắc giao thông trước trường. Xác định rõ đảm bảo ATGT là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục, cấp ủy, lãnh đạo nhà trường đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Theo đó, nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo ATGT, Ban An ninh trường học do 1 đồng chí cấp ủy phụ trách. Mỗi ngày học, các đội, đoàn tình nguyện của nhà trường sẽ tham gia hướng dẫn tham gia giao thông tại khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm. Nhiệm vụ chính của các đội thanh niên là nhận đưa đón các em học sinh lớp 1 và tuyên truyền phụ huynh chấp hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe môtô, xe đạp điện.
Ngoài ra, để mô hình “Cổng trường ATGT” thật sự hiệu quả, lãnh đạo nhà trường còn phân công nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên, Công đoàn với vai trò tích cực của các thầy, cô giáo trong việc phối hợp với các em học sinh cùng đảm bảo ATGT. Với những trường hợp vi phạm, nhà trường sẽ có hình thức nhắc nhở phù hợp với lứa tuổi, bậc học. Việc khen thưởng các học sinh có nhiều đóng góp với tuyên truyền giao thông tiếp tục được nhà trường triển khai liên tục trong nhiều năm học.
Những cách làm quyết liệt, mạnh mẽ của nhà trường đã mang lại hiệu quả thiết thực, rõ rệt. Hầu như vào giờ tan tầm, việc xảy ra ùn tắc rất ít, nếu có đều được Tổ thanh niên xung kích nhà trường “giải quyết” nhanh chóng. Tình trạng vi phạm giao thông, không đội mũ bảo hiểm đến trường đã có chuyển biến tích cực.
Cô Trần Thị Thu Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner cho biết: Nhà trường xác định, ATGT là trách nhiệm của học sinh, phụ huynh, của giáo viên và chính lãnh đạo nhà trường. Tham gia giao thông đảm bảo an toàn, xây dựng văn hóa khi đang ngồi trên ghế nhà trường cũng chính là nền tảng quan trọng trong xây dựng kỹ năng sống cho các em. Thông qua các hình thức đảm bảo ATGT tại trường học, các em sẽ được học hỏi kỹ năng hợp tác, chia sẻ và yêu thương. Khi “đánh thức” ý thức trong mỗi người, ATGT sẽ trở thành niềm vui, sự tự giác chấp hành.
Chung tay vì môi trường an toàn, bình yên
Mô hình “Cổng trường ATGT” chỉ là một trong nhiều nội dung mà Nghệ An đã triển khai trong nhiều năm qua. Song hành với mô hình này, Ban ATGT tỉnh, Công an tỉnh, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã đa dạng các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật cho các em học sinh. Trong đó, phải kể đến các buổi sinh hoạt, truyền thông tại tất cả trường học của Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn; các cuộc thi: Tìm hiểu pháp luật về trật tự ATGT trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, Thanh niên với ATGT; các buổi nói chuyện chuyên đề tại các khối, xóm, khu dân cư; việc đẩy mạnh tuyên truyền đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện tại vùng sâu, vùng xa... Xây dựng văn hóa giao thông là một quá trình lâu bền, cần có thời gian tác động, vì thế, những cách thức này cần thực hiện đồng bộ, thường xuyên và đổi mới phù hợp với điều kiện, lứa tuổi.
Để tạo sự chuyển biến căn bản đối với phụ huynh, học sinh khi tham gia giao thông, thực hiện mục tiêu kéo giảm tỉ lệ TNGT với trẻ em trong thời gian tới, xây dựng ý thức khi tham gia giao thông được xem là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay. Đối với các em học sinh, ý thức văn hóa trong sinh hoạt hàng ngày chỉ được hình thành thông qua giáo dục và tuyên truyền. Đây được xem là lứa tuổi dễ tác động và tạo sự thay đổi trong hành vi, văn hóa khi tham gia giao thông.
Nhiều năm qua, Nghệ An cũng đã mở rộng việc tuyên truyền, giáo dục đến cấp bậc mầm non trên toàn địa bàn. Cô Dương Thị Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Sư phạm Đại học Vinh cho biết: Mặc dù quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm là dành cho học sinh từ 6 tuổi trở lên, tuy nhiên, nhằm hình thành nếp văn hóa chấp hành Luật GTĐB, trên cơ sở chủ đề ATGT được triển khai trên toàn hệ thống các trường mầm non ở địa bàn, nhà trường có hình thức giáo dục với các em 4, 5 tuổi. Nội dung giáo dục cũng rất nhẹ nhàng, được thiết kết phù hợp với lứa tuổi các em. Mục tiêu làm sao hình thành “nếp tự giác” chấp hành pháp luật về ATGT trong các em nhỏ.
“Giao thông là hoạt động phổ biến nhất của con người, tất cả các hành vi đều nằm trong tầm mắt, tác động đến giác quan và nhận thức của trẻ. Việc giáo dục chỉ là bước đầu, trách nhiệm của người lớn, phụ huynh là duy trì ý thức đó ở mỗi trẻ nhỏ. Người lớn chính là tấm gương để các em nhìn vào học tập, noi theo. Tấm gương mà xấu, mờ thì rất khó để đòi hỏi sau này các em trở thành người tốt, chấp hành đúng quy định pháp luật nói chung và quy định ATGT nói riêng”, cô Nga khẳng định.
Có thể thấy, để giảm thiểu TNGT ở trẻ em, trong những năm qua, Nghệ An đã vào cuộc quyết liệt với sự tham gia tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc hình thành ý thức tham gia giao thông vẫn còn những tồn tại, đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa. Sự thờ ơ, bất cẩn, không chấp hành Luật GTĐB của người lớn, người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, phương tiện không an toàn và hình phạt vẫn chưa nghiêm dẫn đến nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của TNGT. Không chỉ tử vong hoặc chấn thương nặng nề vì TNGT, trẻ em có thể sẽ là nạn nhân ở một góc độ khác - khi người thân các em tử nạn vì TNGT trên đường di chuyển. Vì thế, để bảo vệ trẻ khỏi những tình trạng ngặt nghèo, rất cần sự chung tay của cả xã hội... Trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ và lường trước rủi ro xảy ra, nên trách nhiệm chính trong việc nhắc nhở, hướng dẫn, giáo dục thuộc về người lớn.
Trước những yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen trong hiện thực mà trẻ em chứng kiến hàng ngày, việc chấp hành Luật GTĐB và văn hóa giao thông rất cần sự định hướng kịp thời. Triển khai Năm ATGT với chủ đề “ATGT cho trẻ em” chính là lời nhắc nhở, yêu cầu đối với mỗi người về trách nhiệm bảo vệ an toàn cho chính mình, người thân, cho những thế hệ tương lai của đất nước. Trước mỗi lần điều khiển, tham gia giao thông, nhìn gương mặt hồn nhiên, đáng yêu của con trẻ, hãy tự nhắc nhở mình, giáo dục con em về các quy định liên quan đến ATGT. Nét đẹp văn hóa giao thông sẽ tự đó truyền cảm, lan tỏa mạnh mẽ, rộng lớn nhiều hơn nữa tới mọi người.
Mai Hậu